Chờ đợi gì ở năm 2017?
Một triển vọng u ám cho kinh tế Mỹ và châu Âu năm 2017, ít nhiều sẽ tác động tới kinh tế thế giới.
Trào lưu phản đối Hiệp định TPP dâng cao ở Mỹ có thể là yếu tố khiến ông Donald Trump đưa ra ý định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định TPP ngay đầu năm 2017. Ảnh Reuters
|
Hôm 17-11-2016, Viện Nghiên cứu quốc tế Chatham House của Hoàng gia Anh đã tổ chức buổi thảo luận giữa một số quan chức chính phủ, học giả, báo chí, doanh nhân với ông Daniel Franklin, Tổng biên tập báo The Economist về đề tài “Thế giới năm 2017: Những yếu tố định hình kinh tế Mỹ và châu Âu”. Nội dung tóm tắt dưới đây cho thấy không có nhiều tín hiệu lạc quan dù cả Mỹ và châu Âu đều sẽ trải qua những thay đổi lớn trong năm 2017.
Các rủi ro chính trị vẫn thống trị triển vọng năm 2017, từ những cuộc thương thảo để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) tới những cuộc bầu cử ở Pháp và Đức. Phản ứng của Tổng thống đắc cử Donald Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu đối với những hiện tượng chính trị chưa nhìn thấy trước này sẽ có tác động quyết định tới nền kinh tế Mỹ và châu Âu.
Có lẽ điều bí ẩn nhất của năm 2017 là các chính sách kinh tế và chính trị của ông Trump. Một mặt, những kế hoạch hiện hành của ông Trump về đầu tư cơ sở hạ tầng và cải cách thuế khóa sẽ kích thích nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, nhưng mặt khác, cắt giảm thuế rộng rãi mà không đi cùng với giảm chi tiêu ngân sách sẽ làm gia tăng đáng kể thâm hụt quốc gia và nợ công của Mỹ. Cùng với những đề xuất chính sách thương mại nặng tính bảo hộ thị trường của ông Trump, điều này có thể gây tác hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ trong dài hạn.
Về mặt chính trị, ông Trump có vẻ như đang muốn định hình lại trật tự toàn cầu. Vẫn chưa rõ nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ có tác động như thế nào đối với các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như hiệp định chống biến đổi khí hậu toàn cầu, dù ông này đã khẳng định ý định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định TPP.
Nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế trong năm 2017 ở châu Âu vẫn rất cao. Các cuộc khủng hoảng ngân hàng mà Ý, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đang đối mặt có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực sử dụng đồng euro. Ngoài ra, vẫn chưa rõ Brexit (nước Anh rời khỏi EU) sẽ diễn ra theo hướng nào, “Brexit cứng” (nước Anh đóng cửa với lao động nhập cư và hoàn toàn rời khỏi thị trường chung Âu châu), hay một sự ra đi ít quyết liệt hơn (nước Anh vẫn tiếp nhận người lao động và duy trì quan hệ với thị trường chung Âu châu).
Châu Âu có khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất gần hoặc dưới 0%; trong khi lãi suất của Mỹ chắc chắn sẽ tăng. Lãi suất từng là yếu tố nổi bật trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần phê phán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cũng như cá nhân bà Thống đốc Janet Yellen - là quá phụ thuộc vào chính trị.
Trung Quốc sẽ đối mặt với những thách thức về chính trị và kinh tế năm 2017. Nguy cơ nền kinh tế “hạ cánh cứng” ở Trung Quốc, liên quan tới khối nợ khổng lồ của doanh nghiệp và bong bóng bất động sản, có thể tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu. Một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc là Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc - sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017, và sẽ có quyết định quan trọng về sự lãnh đạo của đảng. Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ như đang sử dụng mọi phương tiện cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế trước khi diễn ra đại hội quan trọng này; những tác động tiềm tàng và có thể bất ngờ của chính sách đó vẫn chưa lường trước được.
Trên các thị trường hàng hóa, đặc biệt là dầu thô, sự hồi phục hoặc lao dốc của giá cả, sẽ là vấn đề then chốt của năm 2017.
Trí tuệ nhân tạo sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn lên cuộc sống của mọi người. Những tiến bộ công nghệ đang có ảnh hưởng sâu rộng lên thị trường lao động việc làm và tương lai của nhiều ngành nghề sẽ thay đổi. Chúng ta có thể than khóc hoặc chào đón cuộc cách mạng kỹ thuật số, sự ra đời của xe hơi tự lái, của mạng Internet liên kết đồ vật... nhưng chúng ta không thể ngăn chặn được. Điều mà chúng ta có thể thực hiện là làm sao những sự thay đổi này đóng góp vào sự thăng hoa của cuộc sống và của hành tinh.
Các nhà hoạch định chính sách khắp thế giới đang cố gắng xử lý làn sóng dân chúng phản đối toàn cầu hóa đang lan rộng ở phương Tây. Các nhà hoạch định chính sách cần thuyết minh đầy đủ cho dân chúng về lợi ích của toàn cầu hóa, nếu không sẽ bị khuất phục trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng dân tộc về kinh tế.
Năm 2017 sẽ chứng kiến sự lan rộng của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy tới nhiều vùng xa xôi của thế giới, được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ của người dân đối với toàn cầu hóa, mất bản sắc, nỗi lo sợ chủ nghĩa khủng bố và cơn lũ người di cư. Giờ đây những nỗi phẫn nộ và sợ hãi đó đã xuất hiện nhưng theo thời gian, niềm hy vọng sẽ luôn luôn chiến thắng.
http://www.thesaigontimes.vn/155444/Cho-doi-gi-o-nam-2017.html
|