Thứ Sáu, 30/12/2016 10:10

Đồng tiền nào rớt giá mạnh nhất 2016?

2016 là một năm đầy biến động, và thị trường tiền tệ cũng không phải là ngoại lệ, CNNMoney tổng kết.

Một số quốc gia đã ghi nhận đà tăng trưởng tốt, nhưng số khác lại ngậm ngùi nhìn giá trị đồng nội tệ của mình “lao dốc không phanh”.

Và dưới đây là danh sách những đồng tiền bị mất giá nhiều nhất trong năm 2016:

Đồng Bảng Ai Cập: -59%

Ai Cập đã có một quyết định cấp tiến khi thả nổi đồng nội tệ của mình trong tháng 11 vừa qua. Động thái này là một phần của nỗ lực nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại quốc gia này, và giúp họ có được khoản vay khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Đồng Bảng Ai Cập đã ngay lập tức mất đến 48% giá trị so với đồng USD. Kể từ đó đến nay, đồng tiền này thậm chí còn giảm sâu hơn, và chuẩn bị khép năm 2016 với mức giảm 59%.

Đồng Naira Nigeria: -37%

Nigeria đã phải vật lộn với giá dầu thấp trong phần lớn thời gian của năm nay, khiến đồng nội tệ nước này chịu nhiều áp lực.

70% nguồn thu Chính phủ của quốc gia này phụ thuộc vào dầu. Nền kinh tế Nigeria cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công quân sự, mà phần nhiều trong số đó là nhắm đến ngành công nghiệp dầu mỏ.

Đồng naira đã mất hơn 37% giá trị so với đồng USD trong năm 2016.

Đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ: -18%

Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 6% ngay sau sự thất bại của cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 7. Đồng tiền này tiếp tục mất giá trong quý 2 khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P và Moody's hạ bậc tín dụng của quốc gia này xuống mức “không nên đầu tư”.

Nợ nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng nhanh trong thập niên vừa qua. IMF và những tổ chức quan sát khác đã cảnh báo rằng việc “nghiện” tiền nước ngoài của quốc gia này là không bền vững.

Tính đến cuối tháng 12, đồng lira đã mất 18% giá trị so với đồng USD.

Đồng Peso Argentinia: -17%

Đồng tiền của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Nam Mỹ này cũng có một năm 2016 đầy “vất vả”.

Theo IMF, dù những cải cách quan trọng về mặt kinh tế đã góp phần gia tăng niềm hy vọng về đà tăng trưởng trở lại, nhưng nền kinh tế của quốc gia này đã giảm 1.8% trong năm 2016, đồng thời mức lương thực sự của người lao động cũng giảm và lạm phát lên đến gần 40%.

Tính đến nay, đồng peso đã mất 17% giá trị so với đồng USD.

Đồng Bảng Anh: -17%

Cuộc bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, hồi tháng 6 đã khiến cho đồng bảng Anh lao dốc. Hiện nhà đầu tư đang lo lắng về các tác động mà Brexit sẽ mang lại cho nền kinh tế nước này và đồng Bảng cho thấy mình là nạn nhân đầu tiên: Giảm 17% so với đồng USD.

Hồi tháng 7, Bảng Anh... là đồng tiền có diễn biến tệ nhất thế giới. Trong tháng 10, đồng tiền này còn giảm sâu hơn khi chạm mức thấp nhất trong 31 năm: Chỉ còn 1.22 USD. Vào ngày trưng cầu dân ý, đồng Bảng Anh được giao dịch ở mức 1.50 USD.

Đồng Peso Mexico: -17%

Đồng peso Mexico đã bị tác động nặng nề trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống của Donald Trump, và cả ngay sau khi ông này giành chiến thắng. Những phát biểu mang tính chống thương mại và nhập cư đã góp phần làm cho đồng tiền này mất đi 17% giá trị so với đồng USD trong năm 2016.

Nhằm hỗ trợ đồng peso, Ngân hàng Trung ương Mexico đã nâng lãi suất trong tháng 11.

Đồng Bolivar Venezuela: Vẫn còn là ẩn số?

Venezuela đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế cực kỳ nghiêm trọng. Tình trạng thiếu lương thực là khá phổ biến, và quốc gia này hiện không có đủ dược phẩm để đáp ứng nhu cầu người dân. IMF dự báo lạm phát của nước này sẽ lên đến... 1,660% trong năm tới.

Theo dolartoday.com, một trang web không chính thức chuyên theo dõi tỷ giá ngay ở Venezuela, đồng bolivar đã mất 71% giá trị so với đồng USD trong năm 2016./.

Các tin tức khác

>   Vàng leo dốc liền 4 phiên khi đồng USD suy yếu (30/12/2016)

>   Dầu đứt mạch tăng 4 phiên khi nguồn cung dầu tại Mỹ tăng vọt (30/12/2016)

>   Những nền kinh tế nào đang hứng chịu nỗi đau do chính mình gây ra? (29/12/2016)

>   Dầu tăng liền 4 phiên lên sát đỉnh 18 tháng (29/12/2016)

>   Khó khăn nào đang chờ đón NHTW Trung Quốc trong năm 2017? (28/12/2016)

>   Nhìn lại 5 sự kiện kinh tế quốc tế nóng nhất 2016 (28/12/2016)

>   Vàng quay đầu tăng nhẹ sau chuỗi trượt dốc dài nhất trong 12 năm (28/12/2016)

>   Dầu tăng gần 2% lên cao nhất kể từ tháng 7/2015 (28/12/2016)

>   Năm 2016: TQ đầu tư hơn 160 tỉ đô la ra nước ngoài (27/12/2016)

>   USD giảm giá khi nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về Donald Trump (27/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật