Thu ngân sách 1.000 tỉ đồng/ngày có quá sức?
Ngày 7.12, kỳ họp thứ 3, HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục thảo luận tại hội trường. Vấn đề làm gì để mỗi ngày thu được 1.000 tỉ đồng cho ngân sách trong năm 2017 được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận sôi nổi. Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề người dân bức xúc như: Lừa đảo xin việc làm, ngân sách tốn gần 1.000 tỉ đồng trợ giá mỗi năm nhưng khách đi xe buýt vẫn giảm, TPHCM ngày càng kẹt xe kinh hoàng cũng được các đại biểu đặt ra…
Kẹt xe đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Ảnh: M.QUÂN
|
Mỗi ngày thu 1.000 tỉ đồng là thách thức cho TPHCM
Theo báo cáo của UBND TPHCM, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện năm 2016 là 308.816 tỉ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Trong năm 2017, theo nhận định của UBND TP, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, nguồn thu giảm do việc thực hiện miễn giảm các loại thuế theo lộ trình hội nhập quốc tế đã cam kết, phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 là 18% (giai đoạn 2011-2016 là 23%).
Năm 2017, TPHCM được trung ương giao thu ngân sách là 347.882 tỉ đồng, tăng 15,79% so với dự toán năm 2016. Theo đại biểu Nguyễn Thị Diễm Tuyết: “Đây quả là một thách thức không nhỏ đối với lãnh đạo và người dân TPHCM trong năm 2017, khi mà mỗi ngày TP phải thu ngân sách tới 1.000 tỉ đồng”.
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy phát biểu: “Làm sao chúng ta phải nuôi dưỡng được nguồn thu và làm sao để nguồn chi phải thật sự hiệu quả, không lãng phí. Đơn cử việc trợ giá cho xe buýt, lâu nay TP trợ giá cho các doanh nghiệp (DN), nhưng bản thân các DN được trợ giá lại không tăng được doanh thu. Do được trợ giá, nên các DN này ỷ lại, không cải tiến hoạt động, dẫn đến khách ít, doanh thu kém. Vì vậy, việc trợ giá không hiệu quả, không có ý nghĩa gì.
Thật nghịch lý, DN được trợ giá thì không phát huy hiệu quả, còn DN không được trợ giá thì ngán ngại không dám đầu tư vào xe buýt. Vì vậy nên trợ giá cho DN dựa trên cơ sở doanh thu, số lượng khách đi xe buýt. Điều này bắt buộc DN phải cải tiến hoạt động, mới được trợ giá, hành khách chấp nhận giá cao một chút, nhưng họ vẫn đi. Như vậy, doanh thu sẽ tăng”.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: “Việc trợ giá cho xe buýt là vấn đề nhức nhối. Hàng ngàn tỉ đồng trợ giá xe buýt, nhưng năm nào cử tri cũng kêu ca”. Mặt khác, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cũng kiến nghị: TP nên đầu tư hỗ trợ cho các DN có khả năng thay thế việc nhập khẩu, gây chảy máu ngoại tệ. Bởi thực tế trong năm 2016, giá trị kim ngạch nhập khẩu tăng so với giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đó cũng là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách.
Còn đại biểu Cao Thanh Bình thì lo lắng: “Con số cần phải thành lập mới 50.000 DN trong năm 2017 là một thách thức. Bởi lẽ thời gian qua, từ hàng trăm ngàn hộ kinh doanh cá thể, cơ quan chức năng vận động nâng lên thành DN đã là khó. Chưa kể, số DN hoạt động hiệu quả, có sử dụng hóa đơn, doanh thu cao còn nhiều bất cập, hạn chế.
TP có rất nhiều chính sách, đi đầu trong cả nước về hỗ trợ DN; tuy nhiên, chính sách đến với DN vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện. Mặt khác, một cán bộ thuế quản tới 200 DN, thiếu 2.800 biên chế, thì làm sao việc thu ngân sách đạt chất lượng? Do đó, cần phải có nhiều biện pháp cải thiện nhiều mặt, TPHCM mới đảm bảo nguồn thu như trung ương đã giao”.
Bó tay với nạn lừa đảo việc làm, kẹt xe, ô nhiễm môi trường
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cũng cho rằng, vấn đề lừa đảo giới thiệu việc làm cho người lao động tồn tại ở ngã tư An Sương (quận 12) tồn tại nhiều năm qua nhưng chính quyền chưa giải quyết được. Người dân gọi điện phản ánh rất nhiều.
Theo đại biểu Trâm, hằng ngày có hàng chục người sau khi tìm việc qua mạng được hướng dẫn tới khu vực ngã tư An Sương. Khi tới đây, người lao động phải đóng quỹ 300.000 - 400.000 đồng rồi được giới thiệu đi bốc vác rất vất vả nhưng trả lương bèo bọt. Khi người lao động đòi lại tiền thì không được trả, thậm chí còn dọa đánh. Người dân báo chính quyền địa phương nhưng chính quyền không thể giải quyết được vì không có hợp đồng giữa người lao động và bên giới thiệu việc làm. Ngay cả Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nói vấn đề này khó giải quyết.
“Người dân đặt vấn đề không lẽ bó tay với các đối tượng lừa đảo này?” - đại biểu Trâm đặt vấn đề.
Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Thắng thì quan tâm đến tình trạng ùn tắc giao thông, gây khốn khổ cho người dân TP: “TP cần phải hạn chế hoặc có chính sách cấm nhập đối với xe gắn máy và ôtô, mới điều tiết được vấn nạn này”.
Còn đại biểu Lê Trương Hải Hiếu tỏ ra bức xúc: “Nhiều cơ sở, xưởng sản xuất nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, tạo mùi hôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Nhưng khi dân tố cáo, đoàn kiểm tra TP xuống lại kết luận… “đủ điều kiện” (?). Thực tế không phải vậy, chỉ chính quyền địa phương mới rành rọt. Tôi kiến nghị, Sở KHĐT khi cấp phép cho các cơ sở này, cần phải có sự xác nhận của địa phương. Chỉ như vậy, ô nhiễm mới bớt hành hạ đời sống của người dân”.
http://laodong.com.vn/chinh-tri/thu-ngan-sach-1000-ti-dongngay-co-qua-suc-618485.bld
|