Có nên đánh thuế thương mại điện tử?
Việc thu thuế các hoạt động thương mại điện tử vẫn được đặt ra. Tuy nhiên còn nhiều quan điểm khác nhau.
Hoạt động thương mại điện tử đang nở rộ, nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán khó cho cơ quan quản lý thuế - Ảnh: T.T.D.
|
Đó là một trong những nội dung được thảo luận tại hội thảo chống gian lận thuế qua hoạt động chuyển giá và thương mại điện tử do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (thuộc Bộ Tài chính VN) kết hợp với Viện Tài chính và phát triển châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc) tổ chức tại TP.HCM ngày 1-12.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hánh - phó vụ trưởng, phó trưởng ban thường trực Ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế - cho biết hiện nay cơ quan thuế mới quản lý được các DN thương mại điện tử, còn các cá nhân tham gia hoạt động này thì chưa quản lý được.
VN có hơn 40 triệu người sử dụng Internet, trên 130 thuê bao di động, trong đó rất nhiều người sử dụng điện thoại thông minh và thường xuyên thực hiện các giao dịch thương mại điện tử với rất nhiều loại hình như trò chơi trực tuyến, bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến, nội dung số... Rất nhiều DN có doanh thu lên đến hàng ngàn tỉ đồng/năm và đã thực hiện xuất khẩu sản phẩm thương mại điện tử ra nước ngoài.
Tuy nhiên, hoạt động này mang tính ẩn danh, dễ dàng xóa bỏ hay thay đổi, giấu tên, khó xác định giá trị và giá bán, khó tìm kiếm giao dịch tương đương… “Để quản lý lĩnh vực này, cơ quan thuế một mặt hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, một mặt xây dựng cơ sở dữ liệu, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, nhưng mặt khác cũng tìm biện pháp nâng cao tính tự giác tuân thủ nơi người nộp thuế” - bà Hánh cho biết.
Tuy nhiên các chuyên gia Trung Quốc lại có ý kiến khác. Theo GS.TS Nghiêm Diên - Viện Kế toán quốc gia Thượng Hải, trong giai đoạn hiện nay cần khuyến khích, tạo môi trường thông thoáng để hoạt động thương mại điện tử phát triển, không nên quản lý quá chặt chẽ vì như vậy nhiều khi bức bách hoạt động này, làm cho nó không thể phát triển.
“Tất nhiên theo tiến trình phát triển đương nhiên sẽ phải thu thuế, nhưng hiện nay nên ưu tiên cho sự ổn định và phát triển” - GS.TS Nghiêm Diên nhấn mạnh.
DN trong nước cũng chuyển giá
Về câu chuyện chuyển giá, trốn thuế, tại hội thảo, ông Hoàng Trần Hậu - giám đốc Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính - đã cho biết tuy Bộ Tài chính cùng các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản để quản lý nhưng do sự phức tạp của nền kinh tế, sự chậm trễ và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như sự lỏng lẻo trong kiểm soát đã tạo lỗ hổng cho DN tìm cách lách luật, thực hiện các hành vi gian lận trong kê khai thuế, hải quan.
Thủ đoạn này không chỉ gói gọn trong các tập đoàn đa quốc gia, mà ngay cả các DN trong nước cũng có biểu hiện của hành vi gian lận chuyển giá nội địa. Tại VN, vấn đề này càng phức tạp hơn.
Bà Vương Lâm, phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán quốc tế Deloitte Hong Kong nói, có nhiều điểm tương đồng trong “công thức” chuyển giá giữa các DN tại VN và Trung Quốc như có công ty mẹ ở nước ngoài, nhập nguyên liệu giá cao từ công ty mẹ, sau đó gia công và bán lại hàng hóa cho công ty mẹ với giá thấp, thường xuyên kê khai lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp.
“Trong trường hợp này, cơ quan thuế dùng phương pháp so sánh giá cũng như đàm phán để đưa ra mức giá ấn định sao cho phù hợp với cả hai bên. Trong nhiều trường hợp, hai tổng cục thuế của hai nước phải ngồi lại bàn bạc” - bà Vương Lâm khuyến nghị.
|
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20161202/co-nen-danh-thue-thuong-mai-dien-tu/1229473.html
|