Người nhận lương tăng mạnh, ngân sách nào chịu nổi
Tại một cuộc hội thảo do Bộ Nội vụ tổ chức mới đây, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đưa ra các con số thống kê cho thấy số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong mấy chục năm qua đã tăng với tốc độ đáng kinh ngạc. Trong 40 năm qua, tính từ 1975, số người nhận lương từ ngân sách đã tăng tới 6,5 lần, với hơn 6,5 triệu người không tính lực lượng vũ trang. Điều đáng nói là ngay trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ thông tin, một công cụ giúp tăng hiệu suất làm việc và giảm nhu cầu về nhân sự, nhưng số người ngân sách phải trả lương vẫn tăng thêm 1,4 triệu người chỉ trong 14 năm.
Đã đến lúc nhà nước cần thu hẹp việc bao cấp chi phí cho những ngành dịch vụ mang tên "công lập". Ảnh: nhandan.com.vn
|
Việc số lượng người nhận lương từ ngân sách phình lên quá nhanh không chỉ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mà còn có tác động không tốt đến hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính công.
Trong những năm qua, Chính phủ đã cố gắng không ít để cải cách toàn diện về chính sách tiền lương, hạn chế quy mô và tốc độ tăng số lượng nhân sự làm ở các cơ quan công quyền để giảm gánh nặng cho ngân sách. Nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu, bởi lẽ đối tượng mà ngân sách chính phủ phải trả lương không chỉ có công chức nhà nước. Số liệu được công bố tại kỳ họp Quốc hội năm 2015 cho thấy tổng số cán bộ công chức từ cấp xã, phường trở lên (số liệu năm 2014) chỉ khoảng 1,6 triệu, bao gồm cả người làm việc không chuyên trách tại các thôn, khu phố. Trong khi đó, số viên chức và nhân sự ở các đơn vị sự nghiệp công lập có đến hơn 4,6 triệu người.
Từ số liệu trên có thể thấy, việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ nếu chỉ tập trung vào bộ phận công chức nhà nước thì sẽ rất khó đạt kết quả mong muốn, mà cần tập trung mạnh mẽ việc cải tổ vào hệ thống sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức. Để làm được điều này, cần có sự thay đổi cơ bản về cơ chế cũng như về quan điểm.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, ngân sách nhà nước hiện nay không chỉ dùng để chi trả lương cho bộ máy hành chính, mà còn phải lo cho một số lượng không nhỏ những người làm việc trong bộ máy của các tổ chức xã hội và những ngành dịch vụ của các tổ chức mang tên “công lập” như giáo dục, y tế... Đây là điều không hợp lý vì nó mang nặng tính bao cấp và cào bằng.
Đã đến lúc Nhà nước cần xem xét thu hẹp việc bao cấp chi phí hoạt động cũng như tiền lương cho các tổ chức xã hội để tiến tới thực hiện nguyên tắc chi phí hoạt động của các tổ chức xã hội phải do các hội viên đóng góp để chi trả. Còn với các ngành dịch vụ “công lập”, trước hết cần tách dần nhiệm vụ xã hội ra khỏi hoạt động của các đơn vị này, đồng thời đẩy mạnh việc cổ phần hóa, xã hội hóa theo nguyên tắc người sử dụng dịch vụ phải chi trả, ít nhất là có thể làm trước ở những vùng đô thị, nơi mà người dân có điều kiện về tài chính tốt hơn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nên cân nhắc mở cửa cho tư nhân được tham gia cung cấp một số dịch vụ công mà hiện vẫn thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước. Nếu làm tốt những việc trên, gánh nặng tiền lương cho ngân sách sẽ được giải tỏa.
http://www.thesaigontimes.vn/154420/Nguoi-nhan-luong-tang-manh-ngan-sach-nao-chiu-noi.html
|