Giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 2309/QĐ-TTg giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Luật Đầu tư công.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi quản lý được giao, có nhiệm vụ đôn đốc các doanh nghiệp Nhà nước nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định; chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc doanh nghiệp nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước số thu cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế, quyết định việc tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định hiện hành để thực hiện các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia do địa phương quản lý, các dự án do Trung ương hỗ trợ trên địa bàn (nếu có).
Đưa vào cân đối thu ngân sách địa phương nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và sử dụng toàn bộ nguồn thu này cho đầu tư phát triển. Trong đó, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên bố trí tối thiểu 60%, các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long bố trí tối thiểu 50% dự toán thu được hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề và y tế. Các địa phương bố trí tối thiểu 10% dự toán thu để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Số thu còn lại (nếu có) bố trí cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.
Trong tổ chức thực hiện, phát sinh tăng thu so với dự toán, địa phương chủ động phân bổ chi đầu tư cho các công trình quan trọng của địa phương, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế và nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ động bố trí chi tương ứng số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nộp ngân sách địa phương để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn.
Khi quyết định ban hành các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù của địa phương, phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính trong phạm vi dự toán chi ngân sách địa phương được giao hằng năm và nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện.
Từ năm 2017, chủ động bố trí chi trả nợ lãi các khoản vay của chính quyền địa phương trong dự toán chi đầu tư phát triển; bố trí chi trả nợ gốc theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước từ nguồn bội thu ngân sách địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư và vay mới trong năm.
Bảo đảm chi ngân sách Nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm
Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2017 được giao, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương phân bổ dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới bảo đảm chi ngân sách Nhà nước, bao gồm cả chi từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi, được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được giao; chống thất thoát, lãng phí, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật pPhòng, chống tham nhũng.
Dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước bố trí cho các dự án thuộc danh mục dự kiến bố trí trong trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã có đầy đủ quyết định đầu tư, ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết dở dang; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; bố trí vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31/12/2014 chưa bố trí nguồn để thanh toán. Không bố trí kế hoạch vốn năm 2017 đối với các dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016, trừ trường hợp có lý do khách quan.
Riêng dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương, sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, nếu còn nguồn mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
Bố trí chi thường xuyên bảo đảm các chế độ chính sách cho con người, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng được giao. Thực hiện triệt để tiết kiệm, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách Nhà nước. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi thực sự cần thiết và cân đối được nguồn bảo đảm.
Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công, trên cơ sở đó, giảm mức hỗ trợ trực tiếp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, dành nguồn để tăng chi hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách, tạo nguồn cải cách tiền lương và hỗ trợ mua sắm sửa chữa cho các đơn vị sự nghiệp công để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2017
Từ ngày 1/7/2017, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng; đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước được giao sắp xếp các nhiệm vụ chi và phấn đấu tăng nguồn thu sự nghiệp để cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2017.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2017 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 còn dư chuyển sang (nếu có).
Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định.
|