Tổng thống tiếp theo có ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất của Fed?
Chỉ còn vài giờ nữa thôi là nước Mỹ sẽ xác định được Tổng thống mới. Sau những chiến dịch rầm rộ của Donald Trump lẫn Hillary Clinton, thật khó mà đoán được điều gì sẽ ra tiếp theo cho nước Mỹ trong những ngày sắp tới khi cuộc bầu cử khép lại.
Tuy nhiên, các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có một nhiệm vụ không thể tránh né được, đó là đưa ra một lộ trình rõ ràng cho các đợt tăng lãi suất của mình.
Khởi đầu năm 2016, Fed được kỳ vọng là sẽ tăng lãi suất 4 lần. Hết sức nhanh chóng, dự báo đó được giảm xuống... phân nửa, và rồi lại hoãn lần nữa khi nước Anh chọn cách rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 6.
Như vậy, nếu có tăng lãi suất trong năm 2016 thì Fed chỉ còn một cơ hội duy nhất là vào tháng 12 tới khi ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhóm họp lần cuối vào ngày 13 và 14.
Vậy liệu kết quả cuộc bầu cử hôm nay có ảnh hưởng gì đến quyết định sắp tới của Fed không?
“Có chứ. Nhìn xem, rõ ràng là thị trường cho thấy rằng nếu ông Trump thành Tổng thống thì sẽ gây ra sự bất ổn rất lớn và hậu quả là sẽ làm cho thị trường khiếp sợ. Nếu Fed xem xét đến khả năng sẽ có chiến tranh thương mại với Trung Quốc và Mexico sau ngày 20/1 thì tôi nghĩ chắc chắn điều đó sẽ có ảnh hưởng đến quyết định của họ”, Robert Shapiro, cựu Thứ trưởng phụ trách thương mại và cố vấn cho cựu Tổng thống Bill Clinton, cho biết.
Về lý thuyết, kết quả cuộc bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của Fed. Sau khi ông Trump liên tục cáo buộc Fed đã để chính trị ảnh hưởng đến các quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ, Chủ tịch Janet Yellen và một số đồng nghiệp ngay lập tức lên tiếng rằng chức năng của ngân hàng trung ương này là hoàn toàn độc lập với các vấn đề chính trị.
“Tôi xin nhấn mạnh rằng chính trị không đóng vai trò nào trong các quyết định của chúng tôi trong việc đưa ra các chính sách tiền tệ thích hợp”, bà Yellen lên tiếng trong một cuộc họp báo hồi tháng 9.
Nhưng Shapiro lưu ý rằng các thị trường tài chính và diễn tiến kinh tế có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào ai sẽ là chủ Nhà Trắng trong năm tới, bằng chứng là thị trường đã có biến động mạnh sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố sẽ điều tra bà Clinton về vụ email cá nhân và sau đó là... “xí xóa” chỉ vài ngày trước thềm bầu cử. Hay như khi kết quả thăm dò cho thấy cuộc đua đang sít sao, các cổ phiếu ngay lập tức rớt giá, chỉ số Dow Jones và Standard & Poor's 500 cũng “lãnh hậu quả” với hơn 1 tuần mất điểm liên tục.
Rồi cũng trên lý thuyết, những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán (TTCK) là không quan trọng đối với Fed. Theo 2 nhiệm vụ được giao của mình, Fed chỉ quan tâm đến số lượng việc làm và duy trì sự ổn định giá cả trong dài hạn.
Gần đây, Fed đang thành công trên cả hai mặt trận. Thị trường việc làm đã tăng trưởng trong 73 tháng liên tục, thu nhập bình quân theo giờ của người Mỹ thời kỳ hậu suy thoái đã tăng 2.8% suốt cả năm qua và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4.9%. Trong khi đó, áp lực lạm phát tiếp tục tăng, và các chỉ báo cơ bản đang tiến gần đến mục tiêu 2% của Fed.
Dẫu vậy, Fed cũng không thể hoàn toàn phớt lờ các biến số trong nước và quốc tế, vốn có thể ảnh hưởng gián tiếp lên 2 nhiệm vụ của họ. Chẳng hạn như, TTCK thường lao dốc khi có dự báo cho rằng ông Trump chiến thắng. Ai dám bảo việc đó không gây cản trở đến các quyết định thuê nhân viên của các công ty và không ảnh hưởng đến tăng trưởng trên thị trường lao động? Thêm nữa, nếu ông Trump chiến thắng thì có thể Fed sẽ bị buộc phải nâng lãi suất nhanh hơn để phù hợp với tình trạng tài khóa khá dễ chịu trong các chính sách kinh tế và cải cách thuế của ứng viên này.
Tóm lại, Shapiro cho rằng Fed không thể làm gì khác hơn là phải tăng lãi suất trong tháng 12 tới, cho dù ai thắng trong cuộc đua hôm nay, vì một Tổng thống Trump là đại diện cho “bất ổn với chính sách công” và một Tổng thống Hillary Clinton sẽ “gỡ bỏ mối bất ổn lớn về các chính sách nội địa và ngoại giao”, đồng thời “nếu bà Yellen và các đồng nghiệp không hành động trong kỳ họp cuối cùng trong năm thì họ sẽ có rất ít chọn lựa nào khác ngoài chuyện theo đuổi chọn lựa không mấy thú vị là lãi suất âm”./.
|