‘Bóng đá còn xài tiền nhà nước thì không thể tiến’
Sau chuyến học hỏi bóng đá Tây Ban Nha trở về, ông chủ CLB Johor Darul Tazim (JDT, Malaysia) có những chia sẻ rất đáng suy ngẫm cho làng bóng Đông Nam Á.
Ông chủ CLB JDT, hoàng tử Ismail Sultan Ibrahim luôn có nhiều trăn trở về bóng đá Malaysia. Người kế vị vua Malaysia đang tìm mọi cách để giúp nền bóng đá nước này vượt lên. Chúng tôi xin trích đăng bài phỏng vấn mới nhất của ông trên báo Newstraits time.
Phóng viên: Thưa hoàng tử Ismail, ông vừa có chuyến đi đến Tây Ban Nha và sống trong thế giới bóng đá tại đó. Ông có những kinh nghiệm và bài học gì?
Hoàng tử Ismail: Tôi “mở mắt” ra rất nhiều. Tôi nhận ra nhiều thứ mà bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá Malaysia còn tụt hậu rất lớn. Đầu tiên là các CLB quá phụ thuộc vào LĐBĐ quốc gia. Nói chính xác là CLB quá ỷ lại LĐBĐ và quá thụ động. Họ thường chờ hướng phát triển từ liên đoàn. Điều này thật tệ hại. Lẽ ra các CLB phải mạnh dạn tự mình tìm hướng đi trong sự khoa học, cầu tiến và bứt phá thì mới tốt lên.
Mặt khác, bóng đá không thể lẫn lộn với chính trị. Điều tiên quyết là các CLB phải tự mình kiếm tiền nuôi bóng đá. Còn nếu sống bằng bầu sữa nhà nước, ngân sách địa phương thì tôi khẳng định CLB chẳng bao giờ khá nổi.
Nhưng kiếm tiền thì đến từ những nguồn nào, ngoài nhà nước?
Đó là mối quan hệ của giới chủ CLB với các nhà tài trợ. CLB đá hay, đá đẹp, đào tạo cầu thủ giỏi để đội có thành tích tốt thì nhà tài trợ sẽ đến. Chuyển nhượng cầu thủ cũng là một kênh tạo ngân quỹ nhiều. Đội JDT của tôi không sống bằng tiền nhà nước, vì tiền này là của nhân dân. Một khi dùng tiền nhà nước dễ dẫn đến cách tiêu pha không chính đáng, không minh bạch và tâm thế dựa dẫm vào nguồn tiền có sẵn. Điều này giết chết sự sáng tạo của mỗi CLB.
Theo hoàng tử, các CLB Malaysia nói riêng và làng bóng Đông Nam Á nói chung phải làm sao thay đổi để sống khỏe?
Trình độ bóng đá Đông Nam Á và Malaysia thấp không phải là nguyên nhân khiến khán giả dồn sang xem giải châu Âu. Vấn đề là tư cách cầu thủ ra sân thi đấu có chuyên nghiệp, có cống hiến, có vì khán giả hay không? 11 cầu thủ trên sân nhưng chỉ có vai trò chủ chốt của ba ngoại binh, còn lại thi đấu rất tệ hại, thậm chí móc ngoặc, bán độ thì làm sao có tài trợ, khán giả đến sân.
Các giải châu Âu trực tiếp qua tivi không giết chết bóng đá Đông Nam Á mà cái chính là các CLB tự giết mình. Chúng ta đang có một đội ngũ làm việc ở CLB không sáng tạo, còn cầu thủ nội ra sân thì có suy nghĩ thiếu đứng đắn. Hầu hết CLB không sống nổi bằng thu nhập từ bóng đá thì nên tự trách mình. Hãy nhìn vào sự phát triển của các CLB Thái Lan sẽ thấy.
Ông đã học hỏi gì từ bóng đá Tây Ban Nha và năm tới CLB JDT của ông sẽ phát triển theo chiều hướng mới?
Chuyến đi Tây Ban Nha vừa qua, tôi gặp được nhiều nhân vật như Peter Lim (tỉ phú Singapore, chủ nhân CLB Valencia của Tây Ban Nha), Peter Kenyon (cựu Giám đốc điều hành MU), nhà môi giới Jorge Mendes, Angel Gil Martin (chủ CLB Atletico)… Tôi đã thu hoạch rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Chung quy lại là công tác đào tạo trẻ bài bản là mấu chốt của thành công và giảm thiểu nguy cơ phá sản của CLB. Kế hoạch phát triển một CLB qua đào tạo trẻ ít nhất là năm năm, dài là 10 năm. Năm tới, JDT tiếp tục phát triển các đề án đào tạo trẻ căn cơ hơn...
http://plo.vn/the-thao/bong-da-con-xai-tien-nha-nuoc-thi-khong-the-tien-663538.html
|