Nhịp đập Thị trường 21/11: “Nốt trầm” thanh khoản
Một số Bluechip hồi phục khá trong phiên chiều giúp VN-Index giữ nhịp tăng nhẹ. Tuy nhiên, thanh khoản sụt giảm khiến động lực gia tăng không nhiều.
VN-Index kết phiên giao dịch tăng nhẹ hơn 1 điểm tương đương 0.15% dừng tại mức 674.29 điểm. HNX-Index cũng tăng nhẹ 0.16% neo tại 80.75 điểm.
Thanh khoản tiếp tục suy giảm với giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 2,019 tỷ đồng, giảm gần 10% so với phiên liền trước.
Dù tăng điểm nhưng VN-Index vẫn chịu cảnh giằng co mạnh trong phiên chiều. Sự đồng thuận trở lại của nhiều Bluechip như HSG, HNG, HAG, HNG, PVD… bên cạnh sự vững vàng của VNM, CTG, BID, STB… đã giúp chỉ số duy trì đà hồi phục cho đến cuối phiên. Tuy nhiên, sự suy yếu của dòng tiền đã khiến nhiều cổ phiếu Bluechip không thể có được sự bứt phá dù sắc xanh đã lan tỏa rộng hơn ở nhóm cổ phiếu này.
HNX-Index cũng rung lắc mạnh trong phiên chiều trước đà suy giảm của nhóm cổ phiếu lớn như SHB, VCS, DBC, NTP, BVS… Chỉ số chính kết phiên có được sắc xanh tích cực nhờ vào PHP, OCH, PTI… đều là các mã ngoài rổ HNX30 tăng khá.
Về khía cạnh Market-Cap, sự phân hóa khá mạnh khiến nhóm cổ phiếu Mid-Cap và Small-Cap vẫn chưa thể có sự đồng thuận. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Micro Cap nhanh chóng lấy lại sắc xanh với phiên tăng trần của DTA, JVC, KSH, LCM, TMT, TNT, TTF…
Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 118 tỷ đồng trên HOSE và hơn 12 tỷ đồng trên HNX.
Bluechip kéo chỉ số
Sau khi điều chỉnh khá mạnh, đặc biệt là vào cuối phiên sáng thì sắc xanh đang quay trở lại trên cả hai sàn.
Các cổ phiếu trụ như VNM, BID, CTG, VCB tiếp tục nới rộng đà tăng trong phiên chiều và là hỗ trợ vững chắc cho VN-Index. Đà tăng tích cực từ các mã này nhanh chóng lan sang các cổ phiếu khác khi rổ VN30 cũng đã xuất hiện nhiều mã tăng mạnh hoặc xanh điểm như HPG, HSG, HNG, HAG, PVD… Độ rộng của rổ này cũng khá tích cực với 18 mã tăng/ 8 mã giảm.
Về nhóm ngành,nhóm ngành Nông – Lâm - Ngư vẫn đang là nhóm ghi nhận đà tăng mạnh nhất (+2.85%). Trong đó, các cổ phiếu ngành Cao su như HNG, DPR, PHR, VHG… tiếp tục đóng góp tích cực nhất nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi khả quan của giá cao su. Tiếp đến là nhóm ngành Xây dựng (+2.53%) với đà tăng chủ yếu đến từ CTD, PXS, VNE…
Ở chiều ngược lại, việc giá cao su phục hồi lại tác động tiêu cực lên nhóm ngành Sản xuất cao su và vì vậy, không quá khó hiểu khi hầu hết các cổ phiếu trong nhóm đều đang điều chỉnh mạnh hoặc đứng giá như BRC, CSM, DRC, SRC… Nhóm cổ phiếu ngành Chăm sóc sức khỏe cũng giảm khá mạnh (-1.33%) với ảnh hưởng chủ yếu đến từ TRA (-0.87%), DHG (-2.13%), IMP (-3.51%).
Tính tới 14h, VN-Index hồi phục trở lại trên ngưỡng 674 điểm tương ứng mức tăng 0.13%, HNX-Index cũng tăng nhẹ 0.08% lên 80.69 điểm.
Phiên sáng: Vùng 670 – 672 điểm đang hỗ trợ tốt VN-Index
Thị trường điều chỉnh trở lại khi các mã trụ tiếp tục suy yếu. May mắn là VNM và các mã Ngân hàng vẫn nâng đỡ tốt cho chỉ số trong phiên sáng nay.
Kết phiên sáng, VN-Index xuống mức 673.03 điểm giảm nhẹ 0.03% so với tham chiếu; HNX-Index dừng tại mức 80.61 điểm, giảm 0.02%.
Độ rộng thị trường thu hẹp đáng kể về cuối phiên sáng với 210 mã giảm và 158 mã tăng. Trên HOSE, VNM cùng nhóm cổ phiếu Ngân hàng trụ được ở giá xanh vẫn đang là lực đỡ giúp VN-Index không giảm quá sâu. Trong khi đó, nhóm Large Cap đã suy yếu rõ nét hơn với BVH, VIC, MSN giảm nhẹ trong khi ROS điều chỉnh mạnh với mức giảm có lúc lên đến – 5,000 đồng/cp. Nhiều khả năng thông tin ROS dự kiến phát hành thêm đến 107.5 triệu cp trong thời gian tới đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra cổ phiếu này. Tuy vậy, điểm tích cực là lực cầu bắt đáy ở cổ phiếu này vẫn đang duy trì sự sôi động khi ghi nhận hơn 1.6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Trên sàn UPCoM, ACV vẫn đang là cổ phiếu nổi bật nhất khi ghi nhận mức tăng trần 35,000 đồng/cp. Bên cạnh đó là đà tăng trần của BSG cũng hỗ trợ tích cực cho UPCoM-Index khi hôm nay cũng là ngày đầu tiên lên sàn của cổ phiếu này.
Thanh khoản toàn thị trường vẫn duy trì ở mức thấp khi chỉ đạt 1,041 tỷ đồng khớp lệnh, suy giảm gần 22% so với phiên sáng liền trước.
Giao dịch thỏa thuận đáng chú ý có VNM đạt 300 nghìn cp, tương ứng giá trị chuyển nhượng gần 41.55 tỷ đồng.
Khối ngoại giao dịch khá cân bằng trên HOSE khi bán ròng chỉ 0.76 tỷ đồng. Trong đó, VNM vẫn là cổ phiếu có giá trị mua ròng cao nhất nhất với 16.4 tỷ đồng.
10h30: Phân hóa trở lại, ACV kịch trần khi lên sàn UPCoM
Cả hai chỉ số bắt đầu giảm tốc và thu hẹp đà tăng điểm. Đến 10h30, VN-Index chỉ còn cách tham chiếu 0.22 điểm, tạm dừng tại 673.47 điểm. Trong khi đó, HNX-Index đang tiệm cận mức giá đóng cửa ngày hôm qua, khi tạm dừng ở 80.65 điểm.
VNM cùng nhóm cổ phiếu Ngân hàng với BID, CTG, VCB… vẫn đang hỗ trợ tích cực cho VN-Index. Ở chiều ngược lại, ROS tiếp tục thể hiện tầm ảnh hưởng của mình khi trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên VN-Index. Ảnh hưởng từ đà giảm điểm của ROS theo đó cũng kéo theo nhiều mã có vốn hóa lớn khác đỏ điểm như BVH, VIC, MSN, DHG…
Độ mở toàn thị trường cũng thu hẹp trở lại với 98 mã tăng điểm và 105 mã giảm điểm. Đến thời điểm này đã có hơn 45 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công với giá trị hơn 727 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, hôm nay cũng là ngày giao dịch đầu tiên trên sàn UpCom của cổ phiếu ACV (TCT Cảng Hàng không Việt Nam). Giá cổ phiếu của công ty này theo đó cũng nhanh chóng chạm trần 35,000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 500,000 cp cùng lượng dư mua hơn 2 triệu cp tính đến thời điểm hiện tại.
Mở cửa: Lực cầu chiếm ưu thế
Hai sàn mở cửa trong sắc xanh với lực cầu đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên điều này chỉ giúp VN-Index tăng nhẹ chứ chưa hề có dấu hiệu của sự bứt phá, nhất là sau khi các chỉ số thị trường đã liên tục giằng co trong tuần giao dịch trước.
Đến 9h35, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1.62 điểm để giao dịch trên mốc 674 điểm, tương ứng tăng 0.24% so với mức giá đóng cửa phiên trước. Hỗ trợ chỉ số lúc này nằm ở một vài cổ phiếu lớn như VNM, BID, CTG, VCB, MWG… Song mức tăng ở những cổ phiếu này đến lúc này là không quá mạnh.
Trên sàn HNX, HNX-Index cũng đang tăng 0.38%, tạm dừng tại 80.93 điểm. Hỗ trợ chính cho HNX-Index đến vẫn đến từ các mã quen thuộc như ACB, VNR, NTP, PVS… Độ rộng trên sàn này vẫn khá cân bằng với 55 mã tăng/ 38 mã giảm. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến chỉ số này vẫn đang giằng co khá mạnh dù sắc xanh chiếm ưu thế, với SHB, PVX, SLS, DST… đang là những mã “ghìm cương” thị trường.
Đến thời điểm này, toàn thị trường có 157 mã xanh điểm và 112 mã giảm điểm. Thanh khoản thị trường vẫn chưa có dấu hiệu đột biến khi dòng tiền tham gia thị trường đang tạm dừng ở mức gần 253 tỷ đồng, tương đương với gần 19 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công.
|