HNX sẽ phòng tránh thao túng giá trên TTCK phái sinh ra sao?
Chứng khoán phái sinh vốn là một công cụ phòng ngừa rủi ro nhưng bản chất cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro không kém. Do vậy cả Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký cùng các đơn vị thành viên đều phải có cơ chế quản trị rủi ro cho thị trường chứng khoán phái sinh.
Hội thảo quản lý rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh
|
Phát biểu tại Hội thảo quản lý rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh sáng ngày 10/11, bà Thị Nguyễn Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ phụ trách HNX cho biết theo lộ trình thì tháng 12 sẽ phải báo cáo với Chính phủ về quá trình chuẩn bị và kết quả chạy thử thị trường chứng khoán phái sinh để nếu vận hành tốt thì quý 1/2017 chính thức ra mắt. Thị trường chứng khoán phái sinh tuy là công cụ phòng ngừa rủi ro nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Đồng quan điểm, ông Đặng Tài An Trang, Phó chánh văn phòng UBCKNN cho rằng rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh còn khó nhận diện hơn so với thị trường cơ sở. Do vậy, cần có cơ chế quản lý rủi ro nhằm bảo vệ nhà đầu tư, thị trường vận hành công bằng, hiệu quả, minh bạch và giảm thiểu rủi ro hệ thống. Bảo vệ nhà đầu tư bằng cách quản lý tách bạch tiền và chứng khoán, không thực hiện các nghĩa vụ thanh toán thành viên, giao dịch tự doanh tách bạch với giao dịch khách hàng, yêu cầu trình độ, đạo đức hành nghề của nhân viên, giảm thiểu khả năng đổ vỡ như yêu cầu về an toàn vốn, ký quỹ, chứng chỉ quỹ... Giảm rủi ro hệ thống bằng cách giám sát thường xuyên an toàn vốn, yêu cầu áp dụng các cơ chế quản trị rủi ro, bảo đảm khả năng chịu thua lỗ, kiểm soát giao dịch rủi ro quá mức, quy trình, hệ thống quản trị rủi ro thanh toán bù trừ, cơ chế xử lý đổ vỡ hiệu quả.
Hiện nay, Nghị định số 42 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh cùng Thông tư 11 hướng dẫn NĐ 42 đã nêu ra các quy định nhằm quản lý, quản trị rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh. Đó là gồm điều kiện kinh doanh đối với công ty chứng khoán về vốn, về sức khoẻ tài chính; điều kiện kinh doanh đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán; chỉ Sở giao dịch chứng khoán mới được phép tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh; Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam là đơn vị duy nhất tổ chức và chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động thanh toán bù trừ.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thị trường chứng khoán phái sinh chia sẻ có hai rủi ro mà HNX cần phòng tránh là nguy cơ thao túng giá và rủi ro vận hành.
Đối với nguy cơ thao túng giá thì có thao túng giá giao dịch và thao túng giá thanh toán (giá thanh toán hằng ngày và thanh toán cuối ngày). Trong đó, quan trọng là cơ chế xác định giá và các loại giá mà các bên tham gia đưa ra, việc xác định giá sao cho công bằng nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Một trong các biện pháp của HNX trong quản trị rủi ro là lựa chọn tài sản cơ sở và thiết kế sản phẩm tránh thao túng giá. Trong giai đoạn đầu của vận hành thị trường chứng khoán phái sinh sẽ có hai sản phẩm là hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số cổ phiếu (VN30, HNX30) và trái phiếu Chính phủ.
Với HĐTL chỉ số cổ phiếu, sản phẩm phải mang tính đại diện, phù hợp với thông lệ quốc tế, loại trừ ảnh hưởng cổ phiếu lớn, tính toán và công bố thông tin phải chính xác, minh bạch, kịp thời, điều chỉnh và xem xét định kỳ để đảm bảo phản ánh xu hướng cập nhật.
Với HĐTL trái phiếu Chính phủ (TPCP) thì là giả định TPCP chuẩn do kho bạc Nhà nước phát hành, kỳ hạn năm năm, mệnh giá 100,000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/ năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần và trả gốc một lần khi đáo hạn.
Phương thức thanh toán của hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu là bằng tiền và hợp đồng tương lai trái phiếu là thanh toán bằng chuyển giao vật chất (do trong quá trình nghiên cứu HNX nhận thấy việc thanh toán bằng tiền với trái phiếu rất dễ bị thao túng giá).
Biên độ dao động dự kiến 7% với HĐTL chỉ số VN30, 10% với HNX30 và 5% với TPCP 5 năm.
Quy định giao dịch là cấm sửa, huỷ trong phiên khớp lệnh định kỳ phòng tránh làm giá, giới hạn khối lượng đặt lệnh lớn phòng tránh lỗi và giới hạn vị thế.
Ngoài ra, HNX cũng có các giải pháp để phòng ngừa rủi ro là quản lý, giám sát thành viên; phòng ngừa rủi ro của hệ thống giao dịch; thống kê cảnh báo, giám sát, an ninh, an toàn trong vận hành.
Không nằm ngoài, VSD cũng xây dựng cơ chế quản lý rủi ro liên quan đến hoạt động mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP), trong đó có hình thành quỹ bù trừ từ các khoản đóng góp của thành viên bù trừ để bồi thường thiệt hại và hoàn tất việc thực hiện hợp đồng trong trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán./.
|