Những vấn đề còn vướng của Covered warrant
Covered warrant tuy đã tồn tại trên thị trường tài chính thế giới từ lâu nhưng lại là một sản phẩm chứng khoán mới ở Việt Nam, vì vậy hành lang pháp lý cũng như thông tin về hoạt động chào bán và giao dịch vẫn còn khá mông lung trong mắt nhà đầu tư và các công ty chứng khoán.
Covered warrant là một công cụ tài chính có tính chất như một quyền chọn được phát hành bởi một ngân hàng đầu tư hay một công ty chứng khoán cho phép người nắm giữ quyền được mua hoặc bán tài sản cơ sở - có thể là cổ phiếu, rổ cổ phiếu, chỉ số, chứng chỉ quỹ ETF… với một khối lượng xác định từ tổ chức phát hành tại một mức giá, vào hoặc trước thời điểm được xác định.
Bên cạnh những nét tương đồng thì covered warrant (chứng quyền có đảm bảo) có khá nhiều điểm khác biệt so với các sản phẩm như option (quyền chọn) hoặc company warrant (chứng quyền truyền thống).
Sự khác biệt đầu tiên là tổ chức phát hành của những công cụ này, nếu chứng quyền truyền thống được phát hành bởi chính công ty niêm yết và nhằm mục đích huy động vốn thì chứng quyền có đảm bảo do một công ty chứng khoán hoặc ngân hàng đầu tư phát hành và là công cụ đầu tư, quản trị rủi ro cho nhà đầu tư. Riêng quyền chọn lại là một sản phẩm được thiết kế và chuẩn hóa bởi Sở giao dịch chứng khoán.
Ngoài ra, chứng quyền có bảo đảm yêu cầu phải đạt được vị thế mua rồi mới có thể bán, trong khi quyền chọn có thể được thực hiện với một bên vị thế mua hoặc bán hoặc cả hai.
Hình thức thanh toán cũng có khá nhiều khác biệt, chứng quyền có đảm bảo có thể thanh toán bằng chứng khoán cơ sở hoặc bằng tiền trong khi chứng quyền truyền thống thì phải được thanh toán bằng cổ phiếu.
Chứng quyền có đảm bảo cũng là một sản phẩm có khá nhiều ưu điểm vượt trội khi được xem như một sản phẩm lợi nhuận không hạn chế, khoản lỗ tối đa cố định chính là giá chứng quyền tại thời điểm mua vào, có thể giao dịch và thanh toán dễ dàng, với tính thanh khoản cao và phí giao dịch thấp.
Vẫn còn nhiều khúc mắc
Song song với tâm lý khá hào hứng của các công ty chứng khoán về một sản phẩm mới sẽ làm đa dạng thị trường chứng khoán Việt Nam, vẫn còn đó những vấn đề quy định trong dự thảo là chưa rõ ràng hoặc chưa bám sát với những tình huống có thể xảy ra. Nhiều thắc mắc của các đơn vị thị trường đã được bày tỏ tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm diễn ra ngày 08/01/2016 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức.
Theo dự thảo thông tư thì tổ chức phát hành chứng quyền có đảm bảo không phải là người biết thông tin nội bộ của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở. Điều này một phần nhằm hạn chế tình trạng lũng loạn thị trường cũng như các hiệu ứng “lái” làm giá, gây ra những ảnh hưởng không tốt lên thị trường. Tuy nhiên vấn đề “biết thông tin nội bộ” lại là một định nghĩa gây nhiều tranh cãi. Nếu định nghĩa không phù hợp có thể sẽ gây không ít khó khăn cho các công ty chứng khoán khi muốn nộp hồ sơ để phát hành chứng quyền có đảm bảo.
Hạn mức chào bán chứng quyền có đảm bảo cũng là một vấn đề được khá nhiều công ty chứng khoán quan tâm. Theo như dự thảo công bố thì số lượng chứng khoán cơ sở quy đổi từ các loại chứng quyền đã phát hành, không tính số chứng quyền đã hủy niêm yết hoặc đáo hạn, không được vượt quá một con số tỷ lệ phần trăm tổng số chứng khoán cơ sở tự do chuyển nhượng theo quy chế của UBCK.
Đại diện của CTCK Sài Gòn (SSI) đã bày tỏ sự băn khoăn con số này có phải là 18% theo như quy định trong phần hủy niêm yết? Bên cạnh đó, cũng có ý kiến về trường hợp có nhiều tổ chức phát hành đăng ký phát hành chứng quyền cùng lúc và số lượng chứng khoán đăng ký vượt quá khung cho phép, thì đơn vị nào sẽ được ưu tiên phát hành? Cơ chế quy định sẽ như thế nào cho phù hợp?
Trong hội thảo, đại diện UBCK cho biết đây là những vấn đề mà cơ quan quản lý sẽ xem xét thêm và sau khi thống nhất sẽ đưa ra quyết định chính thức. Tuy nhiên, nếu có nhiều tổ chức phát hành cùng đăng ký và vượt quá khung cho phép, cơ quan quản lý sẽ có cơ chế và hướng giải quyết phù hợp, theo thứ tự thời gian, “first in first out”, ai đăng ký trước người đó được quyền phát hành, hoặc có thể là chia theo tỷ lệ… Khi xuất hiện vấn đề này, đã có công ty chứng khoán đề xuất thực hiện đấu thầu để giành quyền phát hành chứng quyền có đảm bảo. Nhưng nếu tổ chức đấu thầu thì quy định đấu thầu và lựa chọn người thắng thầu sẽ tuân theo tiêu chí nào cũng là vấn đề cần phải cân nhắc khá nhiều.
Cùng lúc, khá nhiều công ty chứng khoán bày tỏ những thắc mắc về vấn đề tài khoản tự doanh của tổ chức phát hành có được mua chứng quyền hay không. Theo đại diện của UBCK, nếu tài khoản tự doanh tách biệt với tài khoản tạo lập thị trường hoặc tài khoản phòng ngừa rủi ro thì không được phép mua chứng quyền có đảm bảo của chính đơn vị đó phát hành, nhưng sẽ được mua chứng quyền của các đơn vị khác phát hành.
Tuy nhiên, nếu hiểu tài khoản tạo lập thị trường là tài khoản con của tài khoản tự doanh thì tài khoản này sẽ nắm giữ số chứng quyền của công ty phát hành nhưng không bán hết trên thị trường nhằm mục đích tiếp tục bán ra cho hoạt động tạo lập thị trường. Như vậy tài khoản tạo lập thị trường sẽ được phép mua bán chứng quyền của chính đơn vị mình phát hành.
Vấn đề về thuế cũng là một chủ đề nóng tại buổi lấy ý kiến. CTCK VNDirect (VND) đã chia sẻ những khúc mắc như việc nhà đầu tư có cần phải đóng thuế khi giao dịch quyền trước thời hạn hoặc thực hiện quyền tại thời điểm đáo hạn hay không.
Bên cạnh đó, CTCK Phú Hưng (PHS) bày tỏ mối quan tâm về vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động phát hành chứng quyền có đảm bảo của công ty chứng khoán. Theo như gợi ý của lãnh đạo UBCK, đại diện Phú Hưng đã chia sẻ những kinh nghiệm và nhìn nhận của cá nhân ông tại thị trường Đài Loan khi chứng quyền mới có đảm bảo ra đời. Trong giai đoạn đầu chứng quyền được phép phát hành tại Đài Loan, mặc dù doanh thu phát hành được ghi nhận nhưng chi phí phát hành lại không được phép trừ ra khỏi doanh thu chịu thuế khiến cho CTCK thua lỗ khá nhiều. Sau đó, cơ quan quản lý phải thay đổi luật để giúp cho sản phẩm chứng quyền tiếp tục tồn tại. Đây chính là kinh nghiệm của các nước đi trước để lại mà các cơ quan quản lý Việt Nam cần phải cân nhắc để quyết định tỷ lệ thuế và phí sao cho hợp lý. Bởi với mức thuế và phí cao, sản phẩm sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư và các các tổ chức phát hành. Nếu vậy, sản phẩm sẽ chết yểu nhanh chóng./.
|