Chứng khoán phái sinh nhìn từ Thái Lan
Ông Ati Atikul – Giám đốc điều hành, Khối chứng khoán phái sinh Maybank Kim Eng Thailand cho biết trên thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) Thái Lan, 50-60% khối lượng giao dịch đến từ cá nhân, thông tin tại buổi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về chứng khoán phái sinh” do UBCKNN cùng Tập đoàn Maybank KimEng tổ chức vào ngày 12/11/2015.
Ông Ati Atikul – Giám đốc điều hành, Khối chứng khoán phái sinh Maybank Kim Eng Thailand
|
Dẫn số liệu thống kê từ FIA (Futures Industry Association), ông Ati Atikul cho biết trong năm 2014, khối lượng giao dịch của các hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn trên thị trường chứng khoán phái sinh toàn thế giới đạt khoảng 12.2 tỷ và 9.7 tỷ đơn vị, tăng lần lượt 0.3% và 3.1% so với năm 2013.
Trong đó, khối lượng giao dịch của chứng khoán phái sinh cổ phiếu lớn nhất với 6.5 tỷ đơn vị, kế tiếp là CKPS chỉ số đạt 5.8 tỷ đơn vị. Mặc dù ít hơn về khối lượng giao dịch nhưng CKPS chỉ số vẫn là sản phẩm quan trọng và phổ biến nhất.
Phân loại theo vùng địa lý, khối lượng giao dịch CKPS tương lai và quyền chọn lớn nhất tại Bắc Mỹ với 8.2 tỷ đơn vị, tại châu Á là 7.3 tỷ đơn vị lớn hơn châu Âu 4.5 tỷ đơn vị do nhà đầu tư trên thị trường châu Á thích đầu cơ hơn châu Âu.
Theo ông Ati Atikul, sản phẩm CKPS chỉ số có thể là khởi đầu tốt vì nhà đầu tư đã quen thuộc với các chỉ số chứng khoán. Riêng ở thị trường Thái Lan, CKPS hợp đồng tương lai còn có thị trường vàng (đối với thị trường kim loại thì vàng là tài sản cơ sở tốt nhất), ngoài ra còn có trái phiếu và lãi suất nhưng người dân chưa quen nhiều với những sản phẩm này (chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức). Ông cũng chia sẻ thêm, yếu tố kiên quyết để đưa sản phẩm CKPS thành công là tài sản cơ sở phải quen thuộc với nhà đầu tư.
Ông Ati Atikul cho biết thêm trên CKPS Thái Lan, 50-60% khối lượng giao dịch đến từ cá nhân, 20-30% là các tổ chức trong nước và nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 15-20% còn lại. Khi mới đi vào vận hành, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 80%. Sau đó nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức và việc gia tăng tài sản cơ sở đã giúp thúc đẩy khối lượng giao dịch trên thị trường CKPS nói chung và nhà đầu tư cá nhân nói riêng. Nhận định về hiện tượng tại Việt Nam khi chiếm tỷ trọng lớn là giao dịch của nhà đầu tư tổ chức, ông Ati Atikul cho rằng đây là điều tốt vì sẽ giúp tăng khối lượng giao dịch và nhà đầu tư cá nhân tham gia.
Đóng vai trò quan trọng trong thị trường CKPS cũng phải nhắc đến trung tâm thanh toán bù trừ (Clearing House). Tại Thái Lan, điều kiện để trở thành thành viên thanh toán bù trừ xét riêng về vốn chủ sở hữu phải đạt ít nhất 100 triệu THB (2.92 triệu USD) khi chỉ tiến hành giao dịch trên TFEX (Thailand Futures Exchange PCL) hoặc từ 500 triệu THB (7.37 triệu USD) khi giao dịch trên TFEX, thị trường tiền tệ và trái phiếu. Ông Ati Atikul cho biết tất cả các công ty chứng khoán tại Thái Lan đều đáp ứng điều kiện này (Thành viên giao dịch - môi giới tại TFEX đã tăng từ số lượng 20 lên 42 thành viên có giấy phép đầy đủ bao gồm các công ty chứng khoán và các tiệm vàng).
Còn tại Việt Nam, theo quy định tại Nghị định 42/2015/NĐ-CP, thành viên giao dịch CKPS là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán được thực hiện nghiệp vụ tự doanh và môi giới CKPS – tức là phải đáp ứng điều kiện vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ với hoạt động tự doanh và từ 800 tỷ đồng với hoạt động môi giới. Điều kiện đối với thành viên bù trừ trực tiếp là vốn chủ sở hữu từ 5,000 tỷ với ngân hàng thương mại hoặc 900 tỷ với công ty chứng khoán và thành viên bù trừ chung là 7,000 tỷ với ngân hàng thương mại, 1,200 tỷ đồng với công ty chứng khoán.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Long – Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết: “CKPS và thị trường CKPS là lĩnh vực hoàn toàn mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn vận hành thị trường này trong khi các quốc gia trong khu vực và thế giới đã hình thành khá lâu, vì vậy công tác xây dựng năng lực tổ chức thị trường CKPS phải được nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam trong việc thiết lập quản lý và vận hành thị trường. Cùng với công tác xây dựng khung pháp lý, UBCKNN còn tích cực thúc đẩy học tập kinh nghiệm quốc tế cũng như triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và mô hình dự kiến triển khai tới nhà đầu tư để các cá nhân và tổ chức có thể nắm bắt tiếp cận thị trường nhanh chóng và hiệu quả”.
Ông Nguyễn Thành Long
|
Về quy trình giao dịch CKPS, ông Long cho biết sản phẩm phái sinh đầu tiên được lựa chọn thử nghiệm đưa ra thị trường tại Việt Nam là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ và hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu. Trình bộ chỉ số có tương tác rõ rệt nhất lên cổ phiếu, không giới hạn riêng chỉ số VN30, việc sử dụng chỉ số ngành còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.
Ngày 05/05/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, Nghị định ban hành đã tạo hành lang pháp lý cơ bản cho việc hình thành thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Trên cơ sở Nghị định, Bộ tài chính (UBCK) đã xây dựng và hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký thực hiện xây dựng hệ thống, các quy trình, quy chế để triển khai tổ chức thị trường. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, công tác xây dựng khung pháp lý, chuẩn bị hệ thống cơ vật chất, kỹ thuật cho việc thiết lập, quản ký và vận hành thị trường chứng khoán khái sinh trong năm 2016 đang đi đúng tiến độ.
|
Minh Hằng
|