Hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường để thực thi Hiệp định TPP
Hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường để thực thi Hiệp định TPP là mục tiêu quan trọng, dành được rất nhiều sự quan tâm tại Hội thảo “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên hệ thống pháp luật môi trường của Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 14/09 tại Hà Nội.
Hội thảo “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên hệ thống pháp luật môi trường của Việt Nam”
|
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Hiệp định TPP là hiệp định thương mại đầu tiên đưa ra các cam kết về môi trường bên cạnh các cam kết truyền thống về thương mại và đầu tư. Cam kết về môi trường trong Hiệp định TPP có phạm vi khá rộng, bao gồm nhiều ngành, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của một số bộ, ngành khác nhau như: Bộ Tài nguyên và Môi trường (liên quan đến đa dạng sinh học, sinh vật ngoại lai xâm hại, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển, hàng hóa và dịch vụ môi trường), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (liên quan đến đánh bắt hải sản, buôn bán động vật hoang dã), Bộ Giao thông vận tải (ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển)….
“Cam kết trong Hiệp định không chỉ hướng tới sự tự do hóa thương mại sâu, rộng mà còn nhằm đạt mục tiêu bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững với nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường cũng như thực thi các quy định này ở mức cao nhất mà không cản trở thương mại giữa các nước. Để có cơ chế thực thi hiệu quả các cam kết của TPP, Hiệp định còn quy định thành lập Ủy ban môi trường giúp giám sát thực thi các cam kết về môi trường; thiếp lập cơ chế giải quyết tranh chấp về môi trường trong Hiệp định” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Cơ hội cho Việt Nam hoàn thiện và thúc đẩy tuân thủ, thực thi pháp luật môi trường
Để chủ động và sẵn sàng thực thi Hiệp định TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định thành lập Tổ công tác thực thi các cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định TPP và Hiệp định EVFTA (Vụ Pháp chế làm cơ quan đầu mối của Bộ).
Thời gian qua, Vụ Pháp chế đã triển khai rà soát các cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định TPP; tổ chức đánh giá tác động của Hiệp định TPP lên hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường của Việt Nam và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định TPP và Hiệp định EVFTA.
“Thực thi đầy đủ các cam kết môi trường trong Hiệp định TPP không chỉ là thực hiện nghĩa vụ mà còn là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, mà trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, thúc đẩy tuân thủ và thực thi pháp luật môi trường, qua đó góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ môi trường” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân kêu gọi sự hợp tác của các bên trong giải quyết các vấn đề môi trường của khu vực Châu Á Thái Bình Dương được thể hiện trong Hiệp định TPP. Thứ trưởng mong muốn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực từ các đối tác phát triển quốc tế, các quốc gia thành viên Hiệp định TPP và sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình chuẩn bị và thực thi các cam kết về môi trường trong Hiệp định TPP của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các cam kết về môi trường và các tác động của Hiệp định TPP đối với hệ thống pháp luật về môi trường của Việt Nam; qua đó đánh giá mức độ tương thích của pháp luật môi trường Việt Nam với Hiệp định TPP. Đồng thời, thảo luận về kế hoạch, lộ trình cụ thể và các ưu tiên sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường để thực thi Hiệp định TPP./.
|