Thứ Ba, 16/08/2016 09:13

Lý do nào khiến Apple không mang 200 tỷ USD về Mỹ đầu tư?

Trong buổi phỏng vấn với tờ Washington Post, CEO của Apple, Tim Cook, đã đáp trả lại những lời chỉ trích về chiến thuật “né” thuế ở Mỹ của nhà sản xuất iPhone này. Ông cho biết công ty mình sẽ không mang số tiền đó về Mỹ trừ khi có một “mức thuế vừa phải”.

Cùng với những công ty đa quốc gia khác, gã khổng lồ công nghệ này luôn là đối tượng bị chỉ trích về chuyện không chịu đóng thuế doanh nghiệp của Mỹ cho những lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài. Mức thuế này hiện tại là 35% và nằm trong nhóm cao nhất ở những nước phát triển.

Động thái trên cũng được xem như là câu trả lời dành cho một số người chỉ trích cho rằng Apple trốn thuế. Tổ chức phi lợi nhuận Citizens for Tax Justice ước tính những công ty lớn đã giữ lại hơn 2 ngàn tỷ USD ở nước ngoài, vốn có mức thuế dễ chịu hơn.

Trong khi một số người đề xuất mức thuế cao hơn cho rằng các công ty trốn thuế hay giữ lại thu nhập ở nước ngoài là “không yêu nước”, thì Cook lại tỏ ra không đồng ý: “Đó là do luật thuế hiện tại, không phải là vấn đề yêu nước hay không yêu nước. Làm gì có chuyện đóng thuế càng nhiều thì càng yêu nước”, ông nói.

Dẫu vậy, ông thừa nhận là Apple đang tận dụng một lỗ hồng lớn về thuế, và cho rằng điều đó là hoàn toàn hợp pháp. “Luật thuế hiện tại nói rằng chúng tôi có thể giữ lại lợi nhuận đó ở Ireland hoặc mang về Mỹ”.

Ông cũng nói thêm việc ban hành những cải cách về thuế là tùy thuộc vào Hạ viện và Tổng thống, và tỏ ra lạc quan rằng điều đó sẽ xảy ra trong năm tới.

Những bình luận của Cook gần như chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc tranh luận mới về thuế, vốn đã “nóng” trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ. Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump gần đây đã tiết lộ kế hoạch cải tổ toàn diện về thuế, và một trong số đó là hạ thuế doanh nghiệp xuống còn 15%.

Tuy nhiên, ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Rodham Clinton, người đang nhận được sự ủng hộ của Cook, Warren Buffett cùng nhiều tỷ phú khác – lại ủng hộ việc đánh thuế cao hơn dành cho giới giàu có, nhưng cũng đưa ra một loạt sửa đổi sẽ làm nản lòng các công ty muốn chuyển địa điểm ra nước ngoài hay trốn thuế của Mỹ .

Ở thời điểm hiện tại, dường như gã khổng lồ công nghệ này không bị ảnh hưởng gì về chuyện tiền bạc. Apple đang nắm trong tay ít nhất 200 tỷ USD tiền mặt, một con số khổng lồ khiến cho một số nhà đầu tư đã lên tiếng kêu gọi công ty này nên tái đầu tư nó.

Đáp lại lời kêu gọi đó, Cook nói “khi chúng tôi mang nó về lại Mỹ, chúng tôi sẽ trả 35% thuế liên bang và sau đó là nhiều loại thuế khác trên khắp các bang mà chúng tôi hiện đang có mặt, trung bình là khoảng 5%, vì thế coi như tổng cộng là 40%. Chúng tôi đã nói là ở mức 40% thì chúng tôi sẽ không mang nó về cho tới khi nào có một mức thuế vừa phải. Không tranh luận gì thêm về chuyện đó”.

Chiến lược tận dụng sự chênh lệch giữa các mức thuế?

Từ trước đến nay, thuế doanh nghiệp của Mỹ luôn là chủ đề của những cuộc tranh luận nảy lửa. Những người chỉ trích cho rằng chính sách thuế hiện tại làm nản lòng các công ty trong chuyện “hồi hương” nguồn vốn, và dẫn tới những chiến lược như trốn thuế, khuyến khích các công ty sáp nhập với các công ty nước ngoài, hay chuyển hoạt động ra nước ngoài để tránh bị đánh thuế cao hơn.

Cook khẳng định Apple không trốn thuế, và chỉ ra rằng công ty ông kiếm được phần lớn lợi nhuận là ở nước ngoài. “Chúng tôi đã đóng phần thuế của mình. Chúng tôi không tìm kiếm một ‘thiên đường thuế’ hay một nơi để cất tiền. Chúng tôi bán sản phẩm ở khắp nơi”.

Liên minh châu Âu (EU) trước giờ cũng đưa Apple vào “tầm ngắm” vì “tội” lợi dụng chính sách thuế rẻ của Ireland, hiện đang ở mức thấp nhất châu Âu, còn Ủy ban châu Âu (EC) đang điều tra những cáo buộc cho rằng gã khổng lồ công nghệ này đã đạt được “một thỏa thuận ưu ái về thuế” với quốc gia này.

Nhiều công ty đa quốc gia đã rủ nhau đến đảo Emerald cũng vì chuyện thuế. Cook cho biết là “Apple đã không làm bất cứ điều gì mà bất kỳ một công ty nào khác không làm, và sở dĩ có tranh luận là do chiến lược tận dụng sự chênh lệch giữa các mức thuế”.

Ông cho rằng “những quốc gia đang tranh giành nhau về chuyện bạn phân phát lợi nhuận như thế nào”, và “mọi người đang thật sự tranh luận rằng Apple nên đóng nhiều thuế hơn. Họ đang tranh luận về chuyện số thuế đó nên được trả cho ai”.

Ngoài chia sẻ thẳng thắn trên về thuế, trong buổi phỏng vấn ông cũng nhắc đến khả năng Apple sẽ nhảy vào lĩnh vực đang “hot” là tương tác thực tế (AR), công nghệ đang phổ biến trong thời gian gần đây với thành công vượt bậc của trò chơi Pokemon Go. “AR cực kỳ thú vị và Apple đang dành nhiều công sức cho nó”, ông tiết lộ./.

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng kinh tế Nhật đang bất động (15/08/2016)

>   Xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ sẽ đạt gần 6 tỷ USD trong 5 năm tới (14/08/2016)

>   Nhật Bản cung cấp 2,4 tỷ USD cho dự án đường sắt ở Philippines (13/08/2016)

>   Vì sao Australia từ chối bán mạng lưới điện cho Trung Quốc? (13/08/2016)

>   Tỷ lệ người Mỹ sở hữu nhà tụt xuống mức thấp kỷ lục trong 50 năm (11/08/2016)

>   LG bác tin đồn dừng kinh doanh điện thoại ở Việt Nam (11/08/2016)

>   Venezuela nhích dần tới trưng cầu dân ý phế truất Tổng thống (10/08/2016)

>   Trộm khoét nóc xe lửa lấy đi 750.000 USD ở Ấn Độ (10/08/2016)

>   Chỉ đầu tư trong nước không thì cũng giống như “đùa với lửa”? (10/08/2016)

>   Apple bị điều tra thao túng giá iPhone tại Nga (10/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật