Luật Xây dựng 2014: Chồng chéo vì… ôm đồm
Trao đổi với DĐDN, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của VCCI sửa đổi một số điều Luật Xây dựng 2014 bởi trong suốt thời gian vừa quan các nhà đầu tư BĐS đang phải chịu “khốn khổ” vì sự chồng chéo, không rõ ràng trong thực thi pháp luật.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, điều mà dự luận xã hội quan tâm lớn nhất trong những năm qua là Luật Xây dựng và các quy định liên quan chưa hạn chế được sự lãng phí, thất thoát đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Hệ quả là giới kinh doanh và nhà đầu tư sẽ vẫn phải chịu nỗi khổ vì sự chồng chéo, không rõ ràng trong thực thi pháp luật.
Vậy ông có đồng tình với quan điểm của VCCI khi cho rằng Luật Xây dựng dù đã sửa đổi nhưng vẫn chồng chéo và đang là rào cản gây khó khăn trong hoạt động đầu tư của DN?
Luật Xây dựng dù đã sửa đổi nhưng vẫn còn chồng chéo với nhiều luật khác có liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Tôi cho rằng, Luật có một số quy định không thích hợp cần được xem xét sửa đổi như Chương II về Quy hoạch xây dựng không còn cần thiết khi Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch mà Chính phủ đang trình lên Quốc hội, hoặc nhiều điều khoản về dự án đầu tư không thuộc chức năng ngành xây dựng.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng có liên quan đến nhiều luật, ngoài Luật Xây dựng còn Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công… Chẳng hạn Luật Xây dựng Trung Quốc chỉ quy định về Giấy phép xây dựng, Tư cách hành nghề, Đấu thầu, Quản lý và giám sát xây dựng, Quản lý an toàn xây dựng, Quản lý chất lượng công trình xây dựng mà thôi.
Theo tôi, Luật cần tách bạch, không ôm đồm và không thể ôm đồm tất cả.
Luật Xây dựng dù đã sửa đổi nhưng vẫn còn chồng chéo với nhiều luật khác có liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
|
Nhưng Luật Xây dựng đang ôm đồm những gì, thưa ông?
Nhiều chứ! Đơn cử, thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng trong giai đoạn hình thành dự án không tương thích giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư. Theo quy định của Luật Xây dựng, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho các nhà đầu tư khi có yêu cầu. Nhưng Luật Đầu tư trong hồ sơ thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư tại Điều 33 yêu cầu nhà đầu tư phải nộp ”Đề xuất dự án đầu tư trong đó có nội dung về địa điểm đầu tư”. Như vậy, nhà đầu tư phải có địa điểm đầu tư trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Nếu vậy, chẳng khác nào “đánh đố nhà đầu tư.
Đặc biệt, sự không tương thích này đã dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, gây lúng túng cho các nhà đầu tư. Có địa phương thực hiện thủ tục giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư trước thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, có địa phương lại thực hiện sau khi có quyết định chủ trương đầu tư. Có địa phương lồng ghép thủ tục giới thiệu địa điểm thực hiện dự án vào thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật Xây dựng 2014 vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình. Quy hoạch chậm trễ, xây dựng xong công trình mới hoàn thành quy hoạch khiến nhiều công trình sai vị trí, không gian hoặc sai quy hoạch, khi xây dựng xong không sử dụng được. Mặc dù Luật Xây dựng đã đưa ra các quy định về quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng đặc thù, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch theo xây dựng… nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm.
Không chỉ có vậy, mới đây trong đơn kiến nghị gửi VCCI, hàng loạt DN đề xuất áp dụng một cửa liên thông cho việc cấp phép xây dựng, và miễn giấy phép xây dựng khi đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Vậy theo ông đề xuất trên có hợp lý?
Cấp giấy phép xây dựng là khâu kiểm tra lần cuối việc tuân thủ mọi pháp luật (chứ không riêng Luật Xây dựng) trước khi khởi công xây dựng. Tôi hoàn toàn đồng ý đề xuất thể chế một cửa nhưng không đồng ý việc miễn giấy phép, trừ các trường hợp đã ghi trong Luật, vì cấp giấy phép xây dựng là nhằm đảm bảo lợi ích của người sử dụng công trình xây dựng.
Để Luật Xây dựng thực sự đi vào cuộc sống và là “bạn đồng hành” của DN, ông có chia sẻ nào dành cho các cơ quan quản lý?
Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề quan trọng trong việc sửa đổi Luật Xây dựng là: “Cần phải tư duy hệ thống và đừng ôm đồm vào một Luật”. Muốn sửa đổi, điều đầu tiên cơ quan soạn thảo phải tiến hành tổng kết đánh giá lại luật cũ một cách đầy đủ và kỹ lưỡng. Không chỉ với Luật Xây dựng mà nhiều luật và bộ luật khác nhằm tránh chồng chéo.
– Xin cảm ơn ông!
dđdn
|