Thứ Bảy, 20/08/2016 10:56

Tranh chấp nảy lửa từ một vụ mua bán trường

Một trường tiểu học ở TP.HCM đang bị bên mua và bên bán tranh chấp. Nhiều học sinh đã phải chuyển trường để đảm bảo không gián đoạn việc học.

Tình hình căng thẳng đang xảy ra tại Trường Tiểu học Lê Lợi, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM. Do trường học chưa được hoàn công, chủ trường chỉ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác chứ không bán ngôi trường. Sau đó, bên mua đã chiếm giữ trường. Bên bán bèn kiện ra tòa vì cho rằng bên mua chưa trả xong nợ, họ chỉ bán đất chứ chưa bán trường...

Chỉ làm hợp đồng chuyển nhượng đất

Năm 1999, ông Lê Văn Bé được UBND quận 12 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất diện tích 4.151 m2. Mục đích là xây dựng Trường Tiểu học bán trú dân lập Lê Lợi. Ông Bé xin phép xây dựng, xin phê duyệt dự án trên, sau đó thành lập Công ty TNHH Đại An Sinh do ông làm chủ tịch HĐQT để xin giấy phép thành lập trường. Công ty Đại An Sinh bỏ vốn xây trường nhưng trường chưa hoàn công.

Từ năm 2006 đến nay, Trường Tiểu học Lê Lợi hoạt động bình thường. Năm 2015, do kẹt tiền nên ông Bé cùng vợ (là đồng sử dụng) bán mảnh đất trên cho ông Trần Phi Hoàng. Do trường chưa được hoàn công nên các bên thống nhất bằng văn bản sẽ chuyển nhượng trước khu đất với giá 19,5 tỉ đồng. Sau đó, bên mua sẽ lo thủ tục hoàn công ngôi trường rồi hai bên ký lại hợp đồng chuyển nhượng đất lẫn trường với tổng giá trị gần 34 tỉ đồng.

Tháng 10-2015, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được một văn phòng công chứng (VPCC) chứng nhận. Ông Bé cho hay sau khi nhận hơn 14,3 tỉ đồng, ông giao hết giấy tờ cho bên mua để thực hiện các công việc tiếp theo như thỏa thuận. Sau đó, do khoản tiền còn lại không được trả đúng hẹn nên ông khởi kiện bên mua ra tòa. Lúc này ông mới hay khu đất đã được sang tên cho người mua từ tháng 4-2016.

Nhà của ông Lê Văn Bé trong khuôn viên trường bị đập phá, bể cửa kính vào khuya 9-8. Ảnh: CT

Bị chiếm giữ trường

Gần đây, bên mua cho rằng đây là tài sản của mình do đã đăng bộ nên cho người chiếm giữ ngôi trường, đập phá tài sản trên đất buộc bên bán phải cầu cứu chính quyền địa phương.

Theo ông Bé, ngày 12-7, một nhóm người của bên mua cắt khóa, xông vào chiếm giữ ngôi trường. Họ tháo bảng hiệu trường và thay thế bằng bảng hiệu một doanh nghiệp. Ít ngày sau, nhóm người này hàn cổng làm cho ba gia đình họ hàng của ông Bé đang sinh sống trong khuôn viên trường không thể ra vào. Tủ đựng tài liệu, con dấu của trường cũng bị cạy tung, chiếm giữ. Mới nhất, khoảng 23 giờ ngày 9-8, nhóm người này yêu cầu ông Bé và gia đình phải dọn ra khỏi nhà rồi dùng búa đập một số bức tường, tháo cánh cửa trước nhà.

Trưởng Công an phường Trung Mỹ Tây, Thượng tá Trần Văn Hải cho hay hiện có bốn người đang sống tại trường cùng gia đình ông Bé. Công an phường đã báo cáo danh sách cho công an quận và chưa giải quyết cho họ đăng ký tạm trú.

Ông Lương Văn Phương, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp - Công an quận 12, xác nhận đã nhận được báo cáo của công an phường. Đội đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc để báo cáo chủ tịch UBND quận.

Theo ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, trong quá trình chờ tòa án giải quyết, quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải đảm bảo an ninh trật tự tại đây. “Riêng hành vi của bên mua như tự động chiếm giữ trường, đập phá tài sản là hoàn toàn trái pháp luật. Công an quận 12 đang củng cố hồ sơ để xử lý. Trong lúc này các học sinh đã được chuyển trường để đảm bảo không gián đoạn việc học” - ông Hiếu nói.

Cơ quan đăng bộ cũng bị kiện

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận 12, ông Trần Thanh Ngoan, cho hay khi ông Hoàng nộp hồ sơ đăng bộ, UBND phường có báo cáo và Phòng TN&MT yêu cầu phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận do có một phần diện tích đất bị thu hồi theo quyết định của UBND quận. Ông Hoàng khiếu nại đến Sở TN&MT.

Sau đó, Sở TN&MT có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn ông Hoàng lập hồ sơ đăng ký biến động trên giấy chứng nhận. Phòng Pháp chế Sở TN&MT yêu cầu thời gian giải quyết là 24 giờ đối với những việc thuộc thẩm quyền của Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12. Trên cơ sở đó, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12 giải quyết đăng bộ cho bên mua mà không điều chỉnh lại giấy chứng nhận như yêu cầu của Phòng TN&MT trước đây. Hiện ông Bé đang khởi kiện Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12 do cho rằng có những sai sót trong thủ tục đăng bộ cho bên mua.

 

Chỉ bán đất, không bán nhà: Được không?

Vấn đề đặt ra, trường hợp trên đất có tài sản nhưng chưa được công nhận sở hữu thì chủ đất có được chỉ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không chuyển nhượng tài sản như vụ việc nói trên không?

Người bảo được

Công chứng viên (CCV) chứng nhận hợp đồng của ông Bé và ông Hoàng cho hay ông biết rõ trên đất có ngôi trường nhưng việc chứng nhận chỉ bán đất là không có gì sai. “Các bên có quyền mua bán quyền sử dụng đất mà không chuyển nhượng tài sản trên đất” - ông lý giải. Về việc hợp đồng ghi không có tài sản trên đất, ông cho hay đây là mẫu quy định sẵn.

Đồng tình, trưởng một phòng công chứng ở TP.HCM cho rằng trong trường hợp này, CCV phải giải thích rõ hậu quả pháp lý cho các bên, chẳng hạn bên mua sẽ không được công nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Nếu các bên đồng ý thì vẫn giải quyết bình thường.

Trưởng VPCC Gia Định, CCV Trần Quốc Phòng, cho rằng vẫn có thể giải quyết cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hợp đồng phải nêu rõ hồ sơ kèm theo về tài sản trên đất (như giấy phép xây dựng...). “Việc mô tả này không khẳng định quyền sở hữu. Không ai cấm hợp đồng không được thể hiện những nội dung này, trái lại nó còn cần thiết để đảm bảo tính xác thực và tránh rắc rối sau này về trách nhiệm của CCV nếu các bên có khiếu nại tranh chấp” - ông Phòng bày tỏ.

Người nói không

Trong khi đó, CCV Phan Văn Cheo (VPCC Sài Gòn) cho rằng nếu chứng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không đề cập đến tài sản trên đất (trong khi thực tế đã có) là chưa phù hợp Luật Công chứng. “Dù chưa hoàn công nhưng trên đất đã có tài sản mà hợp đồng chứng nhận thể hiện không có tài sản trên đất là không xác thực. Trong trường hợp đã có công trình, bên bán phải hoàn tất thủ tục hoàn công mới được chuyển nhượng” - ông phân tích.

Chung quan điểm, CCV Ngô Minh Hồng (VPCC Bảy Hiền) cho hay nếu đã có tài sản trên đất thì phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động, tức xin công nhận quyền sở hữu công trình trên đất trước khi chuyển nhượng. “Đó là quy định bắt buộc, không phải là vấn đề quan điểm” - bà nhấn mạnh.

Theo bà Hồng, việc hoàn tất đăng ký quyền sở hữu tài sản trên đất còn có ý nghĩa ngăn ngừa rủi ro cho các bên. “Nếu cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khi tài sản trên đất chưa được hoàn công thì bên mua sẽ không được đăng ký sở hữu tài sản trên đất. Do đó, nếu CCV biết rõ có tài sản này thì hướng dẫn các bên thực hiện” - bà lý giải./.

Nguyễn Hà

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Bất động… Quỹ đầu tư bất động sản (19/08/2016)

>   Sydney dẫn đầu thế giới về lợi suất văn phòng (20/08/2016)

>   Xu hướng M&A: Tiếp tục ngóng các thương vụ lớn từ bất động sản và bán lẻ (19/08/2016)

>   Hà Nội: Phê duyệt Quy hoạch Khu vực Miêu Nha tỷ lệ 1/500 (18/08/2016)

>   Nhà ở xã hội: Người dân, doanh nghiệp trong tâm thế “chờ đợi” (18/08/2016)

>   'Tồn kho' 16.000 tỷ đồng đất nền (18/08/2016)

>   Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa Kenmark (Đài Loan): Nghìn tỷ bỏ không (18/08/2016)

>   Môi giới địa ốc lại có đất sống (18/08/2016)

>   TPHCM bác đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm Thủ Thiêm (17/08/2016)

>   Bất động sản cao cấp đang khủng hoảng thừa (17/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật