Xu hướng M&A: Tiếp tục ngóng các thương vụ lớn từ bất động sản và bán lẻ
Tại diễn đàn Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2016 với chủ đề "M&A trong không gian kinh tế mở", các chuyên gia cho rằng xu hướng chính của M&A trong thời gian tới vẫn sẽ đến từ các lĩnh vực như bất động sản và bán lẻ.
Các diễn giả tại hội thảo
|
Cùng với sự sôi động của thị trường M&A khu vực và thế giới, thị trường M&A Việt Nam cũng có những ảnh hưởng tích cực. Tại Việt nam, hoạt động M&A năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5.2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Đặc biệt, chỉ tính riêng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015.
TS. Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết - IMAA Thụy Sỹ nhìn nhận, trong khi trên thế giới, M&A có vẻ như là cuộc chơi đang tàn, thì tại Việt Nam, hoạt động này đã lập mức kỷ lục mới vào năm ngoái. Số lượng và giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Tổng số lượng giao dịch có thể phá vỡ kỷ lục mới trong năm nay, đạt mức 600 giao dịch với tổng giá trị 6 tỷ USD.
Theo ông Kummer, có một vài yếu tố đã góp phần vào sự phát triển này như là việc các công ty tại Việt Nam tiếp tục sử dụng M&A để thực hiện bước phát triển chiến lược ở những thị trường tiềm năng. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nước có mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay cao nhất trên toàn thế giới. Mức tăng trưởng này thu hút rất nhiều công ty nước ngoài mở rộng thị trường và sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Việc Chính phủ Việt Nam đạt vị thế tốt trong các hiệp định thương mại cũng là nhân tố góp phần làm tăng sức hấp dẫn trong thị trường M&A Việt Nam.
Trong nước, cuối năm 2015 và đầu năm 2016 cũng là khởi đầu của một nhiệm kỳ mới cùng với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ về quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải cách một số luật lệ liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, môi trường vĩ mô ổn định cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A.
Tình hình hoạt động M&A Việt Nam từ năm 2006 đến 2016
Ngành bán lẻ hấp dẫn nhờ thị trường 90 triệu dân
Theo các diễn giả, lĩnh vực tiêu dùng và bất động sản hiện là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Đi đầu các thương vụ M&A trong năm qua là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, chiếm tới 38.46% tổng giá trị. Trong đó quy mô của 2 thương vụ M&A từ Thái Lan đã chiếm 24.8% giá trị M&A năm 2015 và nửa đầu năm 2016.
Tuy không có nhiều thương vụ diễn ra, nhưng ngành sản xuất thực phẩm và bán lẻ lại có những thương vụ tỷ đô với sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại. Trong ngành bán lẻ, thương vụ đáng chú ý nhất đó là Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1.14 tỷ USD hay thương vụ Vingroup (VIC) mua lại hệ thống siêu thị Maximark. Bên cạnh đó, thương vụ tỷ đô khác là Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1.1 tỷ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thời gian gần đây, ngành công nghiệp bán lẻ đang phát triển khá tốt, đặc biệt với thị trương 90 triệu dân, trong đó đa số là dân số trẻ, năng động và mức tăng trưởng ổn định, cao hơn so với các ngành công nghiệp khác, đã giúp lĩnh vực tiêu dùng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đâu tư nước ngoài.
Hơn nữa, quá trình đô thị hóa đã làm lớn hơn miếng báng thị phần cho các doanh nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, dư địa tăng trưởng của ngành bán lẻ còn khá lớn khi tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam tại các trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lơi… hiện nay rất thấp, chưa đạt tỷ lệ 30%.
Theo ông Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Tập đoàn Recof, các giao dịch đầu tư tại Việt Nam chiếm 80% gói đầu tư, cao hơn cả tại Nhật Bản. Thị trường bán lẻ mở cửa gần đây với nhiều kiểu đầu tư bán lẻ hiện đại, ngày càng có nhiều gói đầu tư từ Nhật Bản với điều kiện chính sách thông thoáng hơn.
Bất động sản tiếp tục đón đầu TPP
Đà phục hồi từ cuối năm 2014 kéo thị trường bất động sản năm 2015 tiếp tục khởi sắc với những tín hiệu tích cực của thị trường và đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Hoạt động M&A tiếp tục duy trì xu hướng từ năm 2015, với số lượng thương vụ giao dịch tăng lên trong những tháng đầu 2016 và có nhiều thương vụ đã giao dịch thành công trong thời gian này. Đặc biệt, lĩnh vực này tiếp tục giành được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Giao dịch đáng chú ý là thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư Dự án Empire City tại quận 2, TP.HCM, trong đó Keppel đã nhận chuyển nhượng 40% tương đương với 93.9 triệu USD. Ngoài ra, thị trường đã chứng kiến nhiều giao dịch tài sản đầu tư (các bất động sản chủ chốt đang hoạt động) như thương vụ A&B Tower (TP.HCM), Khu resort The Nam Hai (Quảng Nam), TNT Tower (Hà Nội) và khu resort Six Sense Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ở trong nước, các nhà phát triển dự án nội địa cũng không ngừng mở rộng và tìm mua các dự án tốt. Ví như, Bitexco cũng có những động thái mở rộng vào bất động sản du lịch, với thương vụ mua cổ phần Công ty Du lịch Hương Giang (Huế).
Một số thương vụ chuyển nhượng trong lĩnh vực bất động sản 2015 – 2016 (Đvt: Tỷ đồng)
Trong năm 2016 và những năm tới, thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động M&A. Nhờ AEC chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2016, TPP và các hiệp định thương mại song phương thế hệ mới khác đang và sắp có hiệu lực. Sự tăng trưởng nóng của bất động sản trong vài năm qua dẫn đến sự khan hiếm các vị trí đẹp tại các khu vực trung tâm, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và cả những khu vực đang được đẩy mạnh du lịch như Phú Quốc, Nha Trang…, nên các thương vụ chuyển nhượng sẽ tiếp tục diễn ra và người mua là những nhà đầu tư có tiềm lực và thực sự quyết tâm.
Các lĩnh vực được dự đoán sẽ có nhiều hoạt động M&A trong năm nay bao gồm thị trường nhà ở, thị trường khách sạn/du lịch, thị trường bán lẻ và thị trường khu công nghiệp, logistics.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, bất động sản đang chứng khiến sự cạnh tranh khốc liệt kể từ tháng 8/2014 và nếu không có cạnh tranh thì sẽ không có động lực để vươn lên. Nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Việt Nam thu hút nhà đầu tư, vì vị trị quan trọng, trong khi các thị trường khác ít hấp dẫn hơn.
“Tốc độ phát triển dân số và đô thị hóa sẽ không dừng lại là yếu tố giúp cho bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại”, ông Marc Townsend nói thêm.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Giám đốc điều hành CTCP Địa ốc Tiến Phước, thị trường bất động sản Việt Nam còn khá non trẻ vì vậy tiềm nắng còn lớn, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu giới trẻ, tỷ suất sinh lợi cao hơn so với một số thị trường trong khu vực.
Còn theo ông John Ditty, Phó Tổng giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Tư vấn Mua bán doanh nghiệp, Công ty KPMG Việt Nam, địa ốc và bán lẻ là hai lĩnh vực sẽ có nhiều hoạt động M&A hơn cả trong thời gian tới với các doanh nghiệp của Hàn Quốc và Nhật cũng đang rất quan tâm và muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam./.
|