Dệt may hoạt động cầm chừng
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, doanh nghiệp trong ngành phải đối diện với nhiều khó khăn về giá cả, năng suất, chất lượng, thị trường… Đặc biệt, doanh nghiệp dệt may đang thiếu đơn hàng trầm trọng, phải hoạt động cầm chừng.
Doanh nghiệp dệt may lo ngại đơn hàng giảm mạnh.
|
Áp lực cạnh tranh
Theo thống kê của Vitas, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt trên 12,6 triệu USD, tăng gần 5% so với cùng kì năm 2015, đạt 41% kế hoạch năm 2016.
Còn tính đến hết tháng 7, xuất khẩu của ngành chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng nhưng ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas quan ngại:“Đây mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thấp nhất trong 6 tháng đầu năm của ngành dệt may trong vòng trong 10 năm trở lại đây”.
Theo ông Vũ Đức Giang, 6 tháng đầu năm đầu năm nay ngành dệt may có sự giảm sút nghiêm trọng về kim ngạch xuất khẩu đối với tất cả các mặt hàng từ may mặc đến xơ, sợi, dệt. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khá ổn định trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Chính doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là thành phần đóng góp chính cho hoạt động xuất khẩu của ngành.
Riêng doanh nghiệp nội địa, đa số doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, như đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket.
Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty may quốc tế Thắng Lợi thông tin, quy luật sản xuất năm nay khác hẳn các năm bởi vì đơn hàng và đơn giá cùng giảm mạnh. Tình trạng thiếu hụt đơn hàng đáp ứng cho sản xuất từ thời điểm tháng 8 trở đi càng nặng nề. Công ty chúng tôi chỉ đủ đơn hàng hoạt động ổn hết tháng 8. Những tháng sau đó chưa thấy đơn hàng xuất hiện.
Cụm từ hoạt động “thoi thóp”, “cầm chừng” đang phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp may mặc nhằm “giữ chân” công nhân, một chủ doanh nghiệp may phân trần. Tính đến thời điểm hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai như: công ty may Hưng Đạt, Kỳ Lợi,… giảm hẳn tăng ca và chỉ sản xuất theo giờ hành chính.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh vì không được khách hàng đánh giá cao về năng lực, quy mô để giao đơn hàng.
Thực ra khó khăn về đơn hàng của doanh nghiệp dệt may đã được Vitas chú ý từ đầu năm. Ở thời điểm cuối tháng 4, trong buổi Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp tại TP HCM, ông Vũ Đức Giang khẳng định, ngành may đang gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ động dịch chuyển đơn hàng đi Trung Quốc, Myanmar, Lào…
Tạo ra động lực phát triển cho ngành dệt may
Nói về nguyên nhân sụt giảm đáng kể đơn hàng dệt may nhiều quan điểm nhận định, nước tại châu Á đã có những động thái thu hút đơn hàng như Banglades, Campuchia, Lào và Myanmar… do các nước này đã được hưởng các ưu đãi thuế quan từ các FTA với các thị trường nhập khẩu.
Trong khi hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải chịu thuế suất nhập khẩu từ 17% -18%. Đơn cử, đối với Myanmar và Lào - hai nước này có ưu đãi về thuế xuất khẩu hàng đi châu Âu và Mỹ.
Còn Việt Nam muốn tận dụng ưu đãi thuế quan xuất hàng sang thị trường các nước nói trên phải chờ đợi đến năm 2018. Đơn hàng dệt may không chỉ di chuyển sang Myanmar và Lào, Trung Quốc cũng được xem là thị trường lớn đang có sức hút lớn cho ngành hàng dệt may. Lý do, từ ngày 1/5, Trung Quốc tiến hàng điều chỉnh giảm bảo hiểm xã hội xuống còn 18%, thay vì 22% nhằm tăng tính cạnh tranh cao.
Song song các yếu tố thuận lợi về thuế quan, chế độ phúc lợi xã hội thì thì chi phí lao động của các nước này cũng thấp hơn Việt Nam khá nhiều. Đây chính là những nguyên nhân chính lôi kéo đơn hàng dệt may chuyển dịch khá lớn từ Việt Nam sang các nước láng giềng lân cận.
Nhiều doanh nghiệp quan ngại khả năng cạnh tranh trong thời gian tới vì hiện nay không ít doanh nghiệp đang phải hoạt động “cầm chừng” để “giữ chân” công nhân. Trước diễn biến của thị trường hiện tại, nhận định về tình hình xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, Vitas cho rằng, thách thức sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh.
Muốn duy trì sự tăng trưởng ổn định doanh nghiệp phải chủ động vượt qua thách thức của hội nhập và không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm mang tầm khu vực cũng như quốc tế. Các tỉnh – thành lớn nhận thức đúng tình hình để chủ động phát triển thông qua việc xây dựng trung tâm thời trang.
Cùng với đó, Hiệp hội Dệt may sẽ tiếp tục kiến nghị chính sách từ Chính phủ tạo ra sự ổn định hành lang pháp lý cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Đồng thời, Chính phủ cần tạo ra động lực phát triển dài hạn cho ngành dệt may thông qua việc quy hoạch những khu công nghiệp đủ khả năng kêu gọi đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước cho các dự án về dệt, sợi, nhuộm để đáp ứng nguồn cung thiếu hụt của ngành... Bởi vì trên thực tế hiện nay, Việt Nam mới chỉ sản xuất chủ yếu các loại vải cấp thấp và trung bình, còn vải cao cấp chưa có nên hầu hết phải nhập khẩu.
Tính đến thời điểm hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai chỉ hoạt động trong giờ hành chính, cầm chừng để giữ chân lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh vì không được khách hàng đánh giá cao về năng lực, quy mô để các đơn hàng lớn rơi về tay các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc.
|
Thanh Giang
đại đoàn kết
|