Thứ Năm, 18/08/2016 07:57

Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa Kenmark (Đài Loan): Nghìn tỷ bỏ không

Suốt sáu năm qua một khu công nghiệp được xây dựng hoàn thiện hạ tầng và nhà xưởng đã bị bỏ hoang tại Hải Dương, còn nhà đầu tư Đài Loan đã bỏ về nước cùng với khoảng nợ hơn 1.500 tỷ đồng vay được từ hai ngân hàng Việt mà chưa biết khi nào mới trả lại được.

Chính quyền tỉnh Hải Dương rất muốn xử lý nhanh trường hợp này để mời gọi nhà đầu tư khác. Mới tuần trước, UBND tỉnh Hải Dương đã họp với các ngân hàng và Kenmark và đưa ra thời hạn đến hết 31/8 nếu không có gì thay đổi sẽ tìm cách xử lý khác “tích cực” hơn.

Đi dọc theo tuyến đường quốc lộ 5 đoạn qua thành phố Hải Dương, rất dễ để thấy KCN Việt Hòa-Kenmark với hàng rào bao quanh và một tấm biển quảng cáo lớn mời gọi nhà đầu tư vào thuê đất. Bên trong là những khu nhà xưởng đã được xây dựng sẵn và những tuyến đường nội bộ được trải nhựa cùng hệ thống đường cấp nước, điện và đèn chiếu sáng. Nhưng, Việt Hòa-Kenmark lại mang một sự tĩnh lặng lạ thường không một bóng người.

Khu nhà hoang

Thực tế, khu công nghiệp Việt Hòa-Kenmark đã bị đóng cửa suốt sáu năm qua, kể từ năm 2010, sau khi chủ đầu tư bỏ về nước và không trả hết nợ cho các ngân hàng cho vay vốn là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank – nay đã sát nhập vào SHB). Hiện tại, khu công nghiệp này đã bị các ngân hàng niêm phong lại.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam như hiện tại, việc có một khu công nghiệp ở vị trí đắc địa như Việt Hòa-Kenmark bị bỏ hoang lại cản trở tới việc thu hút đầu tư của tỉnh Hải Dương. Quay trở lại thời điểm năm 2005 khi dự án này được cấp phép đầu tư, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Hải Dương lúc bấy giờ, Cty Kenmark hứa sẽ đầu tư 500 triệu USD vào khu công nghiệp này, bao gồm cả một khu đô thị, để thu hút nhiều nhà đầu tư khác. Trong giai đoạn một, Kenmark dự định đầu tư 98 triệu USD để xây khu công nghiệp và cũng đã giải ngân được 44 triệu USD, tính đến thời điểm giữa năm 2009 trước khi khu công nghiệp đóng cửa.

Ngoài ra cũng đã có hai DN đến từ Malaysia đầu tư vào khu công nghiệp này để sản xuất. Theo thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, hai DN Malaysia này cũng có vốn góp của Kenmark ở trong đó và chính những bất đồng giữa Kenmark và các cổ đông khác ở hai DN này đã khiến nhà đầu tư Malaysia rơi vào tình cảnh khó khăn buộc phải đóng cửa khu công nghiệp.

Các ngân hàng Việt gian nan đòi nợ?

Khi khu công nghiệp đóng cửa không còn hoạt động nữa, những người lo lắng nhất lại là các ngân hàng trong nước đã cho vay vốn. Theo thông tin từ BIDV, vào năm 2008 ba ngân hàng là BIDV, SHB và Habubank đã cho Kenmark vay tổng cộng 67,6 triệu USD, tương đương 2/3 tổng vốn đầu tư giai đoạn một của dự án. Trong đó, chi nhánh BIDV Thành Đô là chủ nợ lớn nhất khi cho vay 39,1 triệu USD, chi nhánh SHB Quảng Ninh cho vay 18,5 triệu USD và Habubank Bắc Ninh cho vay 10 triệu USD. Đến nay ngân hàng Habubank đã sát nhập vào ngân hàng SHB nên khoản nợ của Habubank cũng chuyển sang SHB. Đây quả là một số tiền không nhỏ và nếu không thu hồi được thì các ngân hàng sẽ bị thiệt nhiều nhất.

Có một điều may mắn là Kenmark không bỏ trốn nên các ngân hàng cũng vẫn biết tìm con nợ ở đâu. Ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, xác nhận Chủ tịch của Kenmark là ông Hwang Ding Kuo vẫn bay sang Việt Nam để tìm cách giải quyết vụ việc. Cách duy nhất được cả địa phương, nhà đầu tư và ngân hàng thống nhất là sẽ bán dự án này để ngân hàng thu hồi nợ.

Nhưng cho đến nay, đã qua sáu năm và nhiều cuộc thương thảo với các đối tác khác nhau, vẫn chưa có ai đồng ý mua lại Việt Hòa-Kenmark. Thực tế thì việc bán dự án này cho một nhà đầu tư mới trong bối cảnh này sẽ khó hơn nhiều bởi còn liên quan tới nhiều bên là ngân hàng và chủ đầu tư, và vướng mắc nhất chính là làm thế nào để thỏa mãn hết kỳ vọng của các bên. Một quan chức giấu tên tại Hải Dương cho biết nguyên nhân khiến Việt Hòa-Kenmark đến nay vẫn bỏ hoang là do giữa các bên chưa thống nhất được một mức giá chuyển nhượng.

“Việt Hòa-Kenmark được đang giữ một vị trí rất đắc địa trong thu hút đầu tư, nhưng lại là cục máu đông cần phải giải quyết nhanh để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác”, vị này nói.

Theo ông Đoan, chính quyền tỉnh Hải Dương cũng rất muốn xử lý nhanh trường hợp này để mời gọi nhà đầu tư khác. Mới tuần trước, UBND tỉnh Hải Dương đã họp với các ngân hàng và Kenmark và đưa ra thời hạn đến hết 31/8 nếu không có gì thay đổi sẽ tìm cách xử lý khác “tích cực” hơn. Nhưng cách xử lý như thế nào thì vẫn chưa được tiết lộ, và câu hỏi khi nào các ngân hàng BIDV và SHB mới có thể thu hồi lại hơn 68 triệu USD vẫn còn chưa có câu trả lời./.

dđdn

Các tin tức khác

>   Môi giới địa ốc lại có đất sống (18/08/2016)

>   TPHCM bác đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm Thủ Thiêm (17/08/2016)

>   Bất động sản cao cấp đang khủng hoảng thừa (17/08/2016)

>   Sẽ có cơ chế đặc thù cho sân bay Long Thành (17/08/2016)

>   Bộ Xây dựng gỡ vướng làm sổ đỏ cho nhà ở xã hội (17/08/2016)

>   Rà soát lại dự án BT xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (16/08/2016)

>   Dự án “cao ốc tro cốt” giữa lòng Hà Nội: Tiền - hậu bất nhất! (16/08/2016)

>   “Cấm cửa” doanh nghiệp trục lợi nhà ở xã hội (16/08/2016)

>   Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000 di dời nhà trên và ven kênh rạch quận 8 TPHCM trong tháng 10/2016 (16/08/2016)

>   Thu hồi 335 ha đất bị tái chiếm ở dự án Sài Gòn Safari (16/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật