Bà Theresa May có thể cứu nước Anh thoát khỏi khủng hoảng bằng cách nào?
Bà Theresa May đã trở thành Thủ tướng Anh vào hôm thứ Tư vừa qua, và sẽ phải điều hành một Chính phủ được xem là ở thời khắc “hỗn loạn nhất” trong lịch sử hậu chiến của quốc gia này.
Những bất ổn kinh tế và chính trị khổng lồ hiện đang lơ lửng trên đầu một quốc gia bị chia rẽ và cần có một nơi “trú ngụ” mới sau khi chọn lựa rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bà May từng muốn ở lại EU nhưng giờ đây sẽ phải tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. “Brexit nghĩa là ‘ra đi’”, bà chia sẻ.
Bà Theresa May
|
Việc đầu tiên của bà là bổ nhiệm một Chính phủ mới. Sau đó, theo CNNMoney, bà sẽ phải làm 3 việc sau đây rất nhanh nếu như không muốn để chúng kịp biến thành... một cuộc khủng hoảng.
1. Thỏa thuận một kế hoạch cho châu Âu
Các quan chức và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp EU hiện đang muốn bà May tiết lộ chiến lược tách nước Anh ra khỏi đối tác thương mại lớn nhất càng nhanh càng tốt.
Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì các công ty cần thời gian để lên kế hoạch trước. Khả năng tiếp cận thị trường châu Âu của họ trong tương lai cho đến giờ vẫn chưa được xác định có thể đồng nghĩa với việc họ phải hoãn lại các thương vụ đầu tư, thuê nhân sự hay thậm chí là chuyển hoạt động và nhân viên ra khỏi nước Anh.
Và theo giới phân tích, bà May hiện có 3 sự chọn lựa.
Một là, nước Anh có thể tham gia Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), một hiệp ước cho phép tiếp cận các thị trường EU dành cho một số quốc gia không phải là thành viên như Na Uy. Tuy vậy, bà có thể gặp khó khăn về mặt chính trị vì điều đó sẽ không mang lại quyền kiểm soát biên giới đầy đủ cho nước Anh như đòi hỏi của những người ủng hộ Brexit.
Hoặc là bà May có thể cố gắng thương lượng một thỏa thuận song phương, tương tự như những thỏa thuận tự do thương mại mà Canada và Mỹ đã và đang làm với EU. Điểm bất lợi là các cuộc thảo luận như vậy sẽ rất phức tạp và có thể kéo dài trong nhiều năm.
Thứ ba, nước Anh có thể dựa vào mối quan hệ với EU theo những quy định trong WTO. Những quốc gia như Brazil hiện giao thương với châu Âu dựa trên cơ sở này. Chọn lựa này sẽ gặp phải những rào cản quan trọng khi giao thương và có thể gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế nước Anh.
2. Ngăn chặn một cuộc suy thoái
Cho tới thời gian gần đây, nền kinh tế Anh vẫn đang suôn sẻ, tạo ra được việc làm và thu hút đầu tư từ mọi nơi trên khắp thế giới. Tuy nhiên, bức tranh đó đã thay đổi đáng kể từ sau cú sốc Brexit.
Niềm tin của người tiêu dùng đã sụp đổ và rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường GfK tiến hành đã cho thấy 60% người tham gia nghĩ rằng tình hình kinh tế sẽ tệ hơn trong 12 tháng tới.
Doanh nghiệp cũng trở nên bi quan hơn nhiều về tương lai. Một cuộc khảo sát dành cho giới CEO được Credit Suisse tiến hành trong tuần trước đã tiết lộ rằng 66% các công ty lớn ở châu Âu sẽ trì hoãn hoặc cắt giảm chi tiêu ở Anh trong 6 tháng tới.
Các dự báo tăng trưởng cho năm nay và năm tới đã bị cắt giảm. Sự trì trệ dường như là điều chắc chắn và một cuộc suy thoái là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ cắt giảm lãi suất và cung cấp nhiều gói kích thích hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên, nhiều tiền hơn cũng không thể đủ để ngăn được một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Bà May đã phát đi tín hiệu cho biết Chính phủ cũng có thể tung ra các gói kích thích, từ bỏ các kế hoạch nhằm đạt được một mức thặng dư ngân sách vào năm 2020. Có thể bà sẽ hoãn lại một số khoản chi tiêu và vay thêm để đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng hiện bà có quá ít chọn lựa để xoay sở – nước Anh đang bị thâm hụt ngân sách cao thứ hai trong số những quốc gia tiên tiến, sau Nhật Bản.
3. Trấn an giới đầu tư
Nếu bà May tiến hành hai điều trên, thì điều thứ ba này sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Giá cổ phiếu đang ở mức cao. Nước Anh có thể vay tiền từ nhà đầu tư để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, cũng như chênh lệch ngày càng lớn giữa kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu.
Chừng nào mà tiền nước ngoài còn đổ vào quốc gia này thì điều đó không phải là một vấn đề.
Đồng bảng Anh đã trải qua một giai đoạn mất giá lớn kể từ sự kiện Brexit, khoảng 12% so với đồng USD. Điều đó khiến cho các tài sản của nước Anh đang rẻ hơn đối với giới đầu tư nước ngoài, và sẽ giúp dòng tiền tiếp tục đổ vào quốc gia này, bằng chứng là đã có hai công ty Anh được giới đầu tư nước ngoài mua lại trong tuần này.
Tuy nhiên, những rủi ro vẫn còn đó, và giới đầu tư vẫn muốn thấy nhiều sự rõ ràng hơn nữa về tương lai của nền kinh tế Anh.
George Osborne, người giữ chức Bộ trưởng Tài chính Anh suốt 6 năm qua và vừa được thay thế bởi Philip Hammond, đã đến Mỹ trong tuần này để trấn an giới đầu tư rằng nước Anh vẫn “mở rộng vòng tay chào đón các doanh nghiệp”. Phát biểu với Wall Street Journal, ông đã nhắc lại mục tiêu cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống 15% hoặc thấp hơn của mình nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế hơn nữa. Tuy nhiên, lời hứa giảm thuế ấy sẽ là không đủ để một số công ty từ bỏ ý định xem lại các thương vụ đầu tư của họ.
“Tự do di chuyển lao động và tiếp cận thị trường EU được xem là điều quan trọng hơn so với chế độ thuế thấp của nước Anh”, các chuyên gia phân tích của Credit Suisse bày tỏ quan điểm./.
|