Thứ Tư, 13/07/2016 20:00

Phải chăng đây là dấu hiệu xấu cho nền kinh tế toàn cầu?

Đầu tư vào trái phiếu Chính phủ từng là một công việc khá... dễ dàng và nhàm chán, vì bạn chỉ cần mua trái phiếu rồi chờ đến lúc đáo hạn nhận lại cả vốn lẫn lời, thế là xong. Thậm chí là ngay cả những cụ ông, cụ bà vẫn có thể làm được.

Tuy nhiên, ngày nay, mọi chuyện không dễ dàng như thế: các thị trường nợ công đã “thoái hóa” thành một thế giới “lạ lùng” với những kỳ vọng... ngược đời. Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên toàn thế giới đã và đang lao dốc mạnh vì giới đầu tư đang đổ tiền vào đó để kiếm sự an toàn. (Lợi suất giảm khi giá trái phiếu tăng). Và trong nhiều trường hợp, lợi nhuận thu được đã rơi xuống mức âm. Theo các báo cáo hôm thứ Năm vừa qua, “khoảng 1/3 tổng nợ công của những nước phát triển (tương đương hơn 7 ngàn tỷ USD nếu tính theo giá trị thường) đang có lợi suất âm”, nghĩa là người mua sẵn sàng trả nhiều tiền hơn so với những gì mà họ sẽ thu được khi đáo hạn.

Đây là điều đáng chú ý. Những quốc gia như Đức trong thời gian qua đã bán trái phiếu ngắn và trung hạn với lợi suất âm, nhưng giờ đây điều đó lại đang xảy ra với trái phiếu có thời hạn lên đến 10 năm hoặc lâu hơn. Về cơ bản, giới đầu tư đang gõ cửa tìm kiếm sự bảo đảm rằng họ sẽ chỉ bị mất “chút ít” trong thập niên tới.

Ví dụ ấn tượng nhất của khuynh hướng này là Thụy Sĩ. Tuần trước, lợi suất của tất cả trái phiếu Chính phủ ở quốc gia này (với thời hạn lên đến... 50 năm) đã rơi về mức âm. Điều đó nghĩa là, giờ đây, giới đầu tư đang được mong chờ “móc hầu bao” ra để có được đặc quyền cho Thụy Sĩ mượn tiền trong nửa thế kỷ. Những quốc gia khác cũng đang có được các “thương vụ” hời như thế. Lợi suất trái phiếu 15 năm của Đức và Nhật Bản cũng đã được điều chỉnh xuống mức âm. Ngay cả quốc gia có nền kinh tế “què quặt” như Tây Ban Nha cũng có thể vay được tiền trong một vài năm, và trên lý thuyết là có được lợi nhuận, theo cách này.

Thế thì tại sao giới đầu tư lại đang chọn những cách này? Thứ nhất, họ không thấy nhiều lựa chọn an toàn khác. Nền kinh tế thế giới vẫn còn run sợ, đặc biệt là sau sự kiện Brexit, điều đã khiến cho lợi suất trái phiếu thậm chí thấp hơn. Trong khi đó, tiền trong két phải tốn nhiều chi phí và công sức để bảo đảm an toàn và cất giữ. Vì thế họ sẵn lòng trả tiền cho các Chính phủ giữ hộ. Lợi suất trái phiếu dài hạn đang ở mức âm cũng có nghĩa rằng các thị trường không mong đợi lạm phát tăng nhiều trong tương lai, nghĩa là họ cũng không mong tăng trưởng của kinh tế thế giới đạt mức cao hơn. Đó thậm chí có thể là dấu hiệu cho thấy rằng một số nhà đầu tư thấy được giảm phát đang đến, vì trên lý thuyết, trái phiếu có lợi suất âm có thể được xem là lời nếu giá cả ở một quốc gia giảm xuống đến một mức nào đó.

Tất cả những điều trên là để nói rằng: lợi suất trái phiếu âm của thời điểm hiện tại là một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đã trở nên bi quan thế nào đối với cả tương lai gần và tương lai xa. Và nếu cứ tiếp tục ở mức âm thì chúng có thể tạo ra một số vấn đề nguy hiểm. Chẳng hạn như, khi lãi suất dài hạn rơi xuống mức quá thấp, nó sẽ khiến cho các ngân hàng khó kiếm được lợi nhuận bằng cách huy động vốn và cho vay. Điều này đang có tác động ở khắp mọi nơi, nhưng ngay lúc này, mọi người đang hồi hộp theo dõi các ngân hàng Ý nói riêng, nơi đang “khát” lợi nhuận trong khi lại ngồi trên một đống nợ xấu. Như tác giả Matt O'Brien của tờ Washing Post lưu ý, lợi suất thấp trên toàn thế giới có thể khiến cho các ngân hàng trung ương khó tăng lãi suất, vì nếu họ làm thế thì giới đầu tư sẽ đổ xô mua trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, điều đó có thể đẩy giá trị của một loại tiền tệ lên, làm tổn thương xuất khẩu và tạo ra rủi ro giảm phát.

Dĩ nhiên, lợi suất trái phiếu thấp hiện đang có một khía cạnh tích cực: ngay thời điểm này, các Chính phủ có thể vay tiền với chi phí rẻ. Nhiều quốc gia như Thụy Sĩ và Đức thậm chí còn có thể kiếm được tiền nhờ điều này. Có vô số chuyện mà họ có thể làm với số tiền đó: ngồi trên chúng và xem lãi suất tăng, mở một quỹ tài sản công, tung ra một dự án công trình công cộng đầy tham vọng nào đó nhằm kích thích nền kinh tế của mình, hay phóng tàu không gian chở đầy tinh tinh lên sao Hỏa. Điều quan trọng là các thị trường đang “xin” được cho vay. Và nếu có đủ số lượng quốc gia mượn tiền để xài thì điều đó thật sự có thể kéo nền kinh tế thế giới ra khỏi tình trạng trì trệ từng đẩy lãi suất xuống mức âm./.

Các tin tức khác

>   IMF: Brexit không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế Mỹ (13/07/2016)

>   Quốc hội Anh sẽ bàn về tổ chức lại trưng cầu  (13/07/2016)

>   Bà Theresa May - "Angela Merkel" của nước Anh (13/07/2016)

>   Tổng thống Venezuela Maduro tố cáo Citibank "cấm vận tài chính" (13/07/2016)

>   Vàng “nắm tay” bạc lao dốc (13/07/2016)

>   Dầu tiến sát mức cao nhất trong 1 tuần (13/07/2016)

>   Vàng trượt dài 3 phiên liên tiếp khi thị trường chứng khoán tăng cao (12/07/2016)

>   Dầu xuống đáy 2 tháng khi sản lượng dầu từ OPEC tiến sát đỉnh 8 năm (12/07/2016)

>   Bộ trưởng Tài chính Anh: Brexit là cơ hội vàng cho nhà đầu tư Mỹ (11/07/2016)

>   London mất vị trí thành phố hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất (11/07/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật