London mất vị trí thành phố hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất
Thành phố New York (Mỹ) đã vượt qua London (Anh) trở thành thành phố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất vào năm 2016, theo kết quả cuộc khảo sát do OpinionWay (Pháp) thực hiện. Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh (Brexit) và hệ lụy là sự mất ổn định đã khiến thành phố này tụt xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay.
IMF hạ dự báo tăng trưởng eurozone sau quyết định Brexit. Ảnh: Reuters
|
Vị trí thứ 3 trong danh sách của năm 2016 thuộc về Thượng Hải (Trung Quốc). Paris (Pháp) xếp thứ 4 trong danh sách, đứng trên Hồng Kông (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Bắc Kinh (Trung Quốc) xếp ở vị trí thứ 10.
Về tiêu chí đánh giá, 90% nhà đầu tư chọn sự ổn định chính trị và an toàn về pháp lý làm tiêu chí xếp hạng các thành phố, 88% chọn cơ sở hạ tầng và 85% chọn tăng trưởng kinh tế. Tiếp theo là các tiêu chí về quy mô và sức mở của thị trường, nguồn nhân lực, phí tổn, lương và chính sách thuế. Các tiêu chí khác như giá bất động sản, nghiên cứu và chất lượng cuộc sống đều giảm tầm quan trọng.
Không chỉ mất vị trí thành phố hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất, vị thế trung tâm tài chính của London cũng đang bị đe dọa trong bối cảnh EU lên kế hoạch chuyển trụ sở Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu khỏi London, làm dấy lên những quan ngại về việc London có thể bị tách dần khỏi các quy chế tài chính hay thị trường vốn của châu Âu. Trong khi đó, một số doanh nghiệp tài chính trước đây đặt trụ sở chính tại London bày tỏ ý định sẽ rút một số hoạt động chính sang các thành phố khác của châu Âu. Tại London, cứ 3 việc làm được tạo ra thì có 1 việc làm trong lĩnh vực tài chính, lĩnh vực tài chính tạo ra khoảng 1,25 triệu việc làm tại thành phố này.
Trước đó, Reuters cho biết Pháp đã vượt Anh để giành vị trí số 5 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh bảng Anh suy yếu sau quyết định Brexit. Bằng cách tính dựa trên tỷ giá hối đoái hiện nay, Reuters nhận thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đã thấp hơn Pháp.
IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2016 và 2017 của eurozone
Reuters ngày 11-7 đưa tin do quan ngại về tác động tiêu cực của Brexit – Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2016 và 2017 của khu vực đồng euro (eurozone) và cảnh báo nếu tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính tiếp tục, tình hình có thể tồi tệ hơn.
IMF dự báo tăng trưởng năm 2016 và 2017 của eurozone sẽ lần lượt ở mức 1,6% và 1,4% - giảm từ mức dự báo 1,7% trước khi Anh diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.
Bên cạnh đó, IMF cũng nhấn mạnh tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng di cư và chủ nghĩa khủng bố có thể gây phương hại đến tốc độ tăng trưởng, kìm hãm những tiến triển trong chính sách và cải cách của eurozone.
Cuối tháng 6-2016, IMF đã cảnh báo nền kinh tế Anh, châu Âu và toàn cầu sẽ bị tác động đáng kể bởi tình trạng bất ổn sau Brexit.
Hiện, các nước thành viên EU đang hối thúc Anh đẩy nhanh tiến trình đàm phán rời EU, trong khi Anh dường như muốn thực thi quá trình này cẩn trọng.
Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Anh và EU cần đảm bảo Brexit diễn ra hợp lý và theo lộ trình trật tự nhất có thể. Ông Obama nói quyết định Brexit là điều không thể thay đổi nhưng tiến trình này diễn ra thế nào tùy thuộc vào hai bên và quan trọng là không bên nào có quan điểm cứng nhắc có thể gây thiệt hại kinh tế cho các bên và thế giới. Theo ông Obama, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ thân hữu và là đối tác thương mại với cả Anh và EU, và trong tình huống dù thuận lợi hay khó khăn châu Âu vẫn có thể trông cậy vào nước Mỹ.
Mỹ La-tin cũng chịu tác động tiêu cực từ Brexit
Trong khi đó, báo điện tử La Nacion của Argentine dẫn nhận định của nhà phân tích Andrés Oppenheimer cho rằng Brexit không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế mà còn kéo theo những tác động nguy hiểm tiềm tàng về mặt chính trị đối với khu vực Mỹ La-tin.
Về kinh tế, Brexit sẽ làm giảm kim ngạch thương mại, khiến giá nguyên liệu của Mỹ La-tin giảm mạnh; gây tâm lý lo ngại cho giới đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Mỹ La-tin; tổn hại các hoạt động đàm phán về tự do thương mại giữa Mỹ la-tin và EU trong bối cảnh EU đang “đau đầu” để giữ vững tính thống nhất của liên minh.
Trong dài hạn, tác động lớn nhất của Brexit đối với Mỹ La-tin là chính trị, vì nó có thể tiếp tay cho chủ nghĩa bảo hộ và ảnh hưởng đến quá trình toàn cầu hóa. Kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa của Mỹ Donald Trump đã cam kết đẩy mạnh việc tái đàm phán tất cả hiệp định thương mại tự do (FTA) của Mỹ với Mexico và châu Á.
Phúc Minh
TBKTSG
|