Vietinbank, BIDV nghe theo ai?
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sinh ra để làm gì là câu hỏi bật lên khi có tin Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm sao để hai ngân hàng thương mại mà nhà nước có cổ phần chi phối phải chia cổ tức bằng tiền mặt chứ không được giữ lợi nhuận lại để tăng vốn.
* Bộ Tài chính yêu cầu VietinBank, BIDV trả cổ tức tiền mặt
Nhưng trước hết, có lẽ phải tóm tắt tình hình: hai ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - BIDV (BID) và Ngân hàng TMCP Công thương - Vietinbank (CTG) trước đây đều là ngân hàng thương mại quốc doanh nhưng sau đó đã cổ phần hóa. Cho đến nay nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối: hơn 95% vốn tại BIDV và hơn 64% tại Vietinbank.
Năm ngoái hai ngân hàng này làm ăn có lãi, BIDV lãi 7.036 tỉ đồng và Vietinbank lãi 7.360 tỉ đồng (trước thuế) nhưng đại hội đồng cổ đông của Vietinbank họp và quyết định không chia cổ tức còn của BIDV thì quyết định chia nhưng bằng cổ phiếu (tỷ lệ 8,5%) chứ không bằng tiền mặt.
Đương nhiên người nắm hầu bao của nhà nước là Bộ Tài chính không đồng tình nhất là trong bối cảnh thu ngân sách đang rất vất vả và bội chi cao. Đó là lý do tại sao có chuyện Bộ Tài chính đề nghị như thế với NHNN.
Đến đây nảy sinh một số câu hỏi, thứ nhất là về mặt quản trị, ai là người có quyền ra lệnh cho DNNN hay doanh nghiệp có gốc nhà nước, cụ thể là các ngân hàng mà nhà nước có cổ phần chi phối? Có phải là Bộ Tài chính (là nơi đại diện cho Chính phủ để quản lý toàn bộ mọi công sản) hay NHNN (là nơi hiện nay được giao nhiệm vụ đại diện cho phần vốn nhà nước ở các ngân hàng này)?
Câu trả lời đúng đắn là không phải Bộ Tài chính cũng không phải NHNN; từ năm 2010 khi Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực, tất cả mọi loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chung thì nơi có thẩm quyền cao nhất với doanh nghiệp, kể cả các ngân hàng thương mại cổ phần như BIDV hay Vietinbank chính là đại hội đồng cổ đông. Bộ Tài chính hay NHNN muốn tác động gì đến các nơi này đều phải thông qua người đại diện cho phần vốn của nhà nước để họ có tiếng nói tại đại hội đồng.
Chính vì thế công văn của Bộ Tài chính viết rất chặt chẽ: “Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước tại hai ngân hàng trên vào ngân sách nhà nước”. Chỉ đạo thông qua người đại diện chứ không phải chỉ đạo cho hai ngân hàng một cách trực tiếp được!
Hai nơi này đã tổ chức đại hội đồng cổ đông, đã quyết định như nói ở trên, nên muốn thay đổi, tức chia cổ tức bằng tiền mặt thì phải được đại hội đồng cổ đông đồng ý, chứ không thể một mình người đại diện quyết định thay được. Mọi cách làm khác sẽ phá vỡ cấu trúc quyền lực của cơ cấu tổ chức doanh nghiệp, để lại những tiền lệ không hay.
Câu hỏi thứ hai, về mặt chính sách, DNNN hay doanh nghiệp mà nhà nước giữ cổ phần chi phối sinh ra để làm gì, có vai trò như thế nào? Nếu nhìn từ công văn của Bộ Tài chính thì DNNN chỉ nhằm đem tiền về cho ngân sách chăng?
Trong khi đó, nhìn từ phía các ngân hàng, quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu hay thậm chí không chia cũng nhằm nâng cao năng lực tài chính của các nơi này trong một tầm nhìn dài hạn hơn.
Vậy bên nào đúng bên nào sai?
Nên nhớ nếu sau này vì lý do nâng vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn, các ngân hàng phải phát hành thêm cổ phần mới, nhà nước không mua thì sẽ bị giảm tỷ lệ sở hữu, mua thì bỏ tiền ra tốn kém hơn cả khoản chia tiền mặt muốn nhận.
NHNN ở đây có hai vai trò: về mặt quản lý nhà nước, NHNN đã từng có chính sách kiểm soát chặt chẽ việc chia cổ tức ở các ngân hàng thương mại khác, tùy vào kết quả kinh doanh, trích lập dự phòng rủi ro và tiến độ xử lý nợ xấu. Với các ngân hàng mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, cách quản lý của NHNN càng phải chặt chẽ hơn để dùng chúng như nòng cốt đảm bảo sự bền vững của hệ thống ngân hàng, chưa kể phải “điều quân” giúp các ngân hàng khác giải quyết nợ xấu. Điều đó quan trọng hơn việc chia tiền mặt cho ngân sách nhiều lần.
Về mặt chủ sở hữu, dĩ nhiên NHNN cũng muốn có cổ tức bằng tiền mặt như bao nhiêu cổ đông khác nhưng mong muốn này sẽ mâu thuẫn với nhu cầu quản lý nhà nước nói trên.
Đó là lý do tại sao đã bao nhiêu năm nay rất nhiều lời kêu gọi cũng như chính sách chính thức của Nhà nước hướng đến việc bỏ cơ chế chủ quản, tức bỏ cái mâu thuẫn nói trên.
Giải pháp tốt nhất là Chính phủ nên để DNNN tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Người đại diện cho phần vốn nhà nước dĩ nhiên phải nghe theo chỉ đạo của NHNN phối hợp với Bộ Tài chính như văn bản đã quy định. Nhưng một khi chưa có một ủy ban hay một cơ quan ngang bộ để quản lý phần vốn nhà nước tại các DNNN nhằm duy trì sự khách quan, Bộ Tài chính và NHNN cũng cần phải có tầm nhìn dài hạn vì sự an toàn và bền vững của hệ thống ngân hàng. Lúc đó nguồn thu của ngân sách mới bền vững theo chứ chỉ chăm chăm vào cổ tức tiền mặt sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.
Nguyễn Vạn Phú
tbktsg
|