Thị trường: NHNN đã chọn GDP!
Nhận định ban đầu của các tổ chức tài chính, ngân hàng về Thông tư 06 và 07 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng NHNN với thống đốc mới đã chọn GDP thay vì tiếp tục tập trung trực diện vào sức khỏe hệ thống tổ chức tín dụng.
* Sửa Thông tư 36: Chính thức chọn giải pháp dung hòa
* Mở lại cho vay ngoại tệ trong 6 tháng cuối năm 2016
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh: Trường Nam
Các nhận định mới nhất của họ cũng cho thấy những dự báo lạc quan về kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam.
“Chúng tôi cho rằng NHNN đang ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn việc tái cơ cấu ngân hàng, đặc biệt sau khi công bố tăng trưởng GDP quý 1-2016 khá thất vọng cho thị trường và mức tăng trưởng tín dụng còn thấp. Việc NHNN nới lỏng các điểm sửa đổi giúp giảm bớt áp lực tâm lý lên ngành ngân hàng, cũng như tạo ra khả năng giảm lãi suất trong năm 2016 để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, đại diện một quỹ nước ngoài tại TPHCM chia sẻ với phóng viên.
Trò chuyện với phóng viên, một lãnh đạo ngân hàng thương mại không muốn nêu tên nhận định: “Sự tập trung của nhà điều hành dường như đã chuyển sang thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Thật vậy, nền kinh tế vĩ mô đã không thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1 và đó có thể là thách thức đối với Chính phủ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% so với năm ngoái. Nên sự sửa đổi (của Thông tư 06 và 07/NHNN) đem đến sự dễ dàng trong việc cho vay ngoại tệ, hay ít nghiêm ngặt hơn với dòng tiền ra thị trường và nới rộng vòng kim cô các nhà băng đang chuẩn bị thích nghi. Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chắc chắn sẽ được tích cực cải thiện trong quý 2 tới”.
Tuy nhiên, ông này lưu ý, các ngân hàng cổ phần được hưởng lợi nhiều hơn các ngân hàng bán quốc doanh theo thông tư mới này. Và đổi lại GDP, các ngân hàng đều dự báo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR của họ sẽ bị giảm đi vào cuối năm nay, như một sự “hy sinh” về chất lượng tài sản.
“Dự báo tăng trưởng GDP quý 2 đạt 6,0-6,2%. Theo đó tăng trưởng GDP 6 tháng là 5,7-5,8%. Tăng trưởng cả năm sẽ đạt 6,5-6,7%”, theo một báo cáo từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được phát hành sáng nay, 31-5.
Lý giải về nhận định này, báo cáo cho rằng dựa trên các yếu tố: quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ của Chính phủ, xuất khẩu tăng trưởng khả quan, FDI đăng ký và số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ, giá dầu thế giới có xu thế hồi phục, triển vọng tăng trưởng do các FTAs mang lại.
“Tín dụng trong quý 3-2016 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan với mức tăng xấp xỉ 10-11%. Lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu chính phủ, và diễn biến của lạm phát”, trích từ báo cáo trên.
“Trong 6 tháng đầu năm 2016, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tích cực với kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 82,5 tỉ đô la Mỹ, nhập khẩu đạt 80,5 tỉ đô la Mỹ, xuất siêu đạt 2 tỉ đô la Mỹ nhờ triển vọng tích cực của một số nền kinh tế lớn (như Mỹ, EU) cũng như cam kết hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong năm 2016”, theo báo cáo của BIDV.
Thị trường chứng khoán, theo các chuyên viên của BIDV, sẽ còn diễn biến tích cực. Nút thắt về nới room đang được dần tháo gỡ sẽ khiến khối ngoại tiếp tục mua ròng trong thời gian tới.
Cũng theo báo cáo này, tín dụng tăng trưởng khả quan và thấp hơn tăng trưởng huy động vốn, thị trường tiền tệ sẽ ổn định. Tính đến 27-4, tín dụng của toàn hệ thống đạt hơn 4,83 triệu tỉ đồng, tương đương với mức tăng 3,57% so với cuối năm 2015 (tăng trưởng tín dụng cùng kỳ đạt mức gần 4%). Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống có mức tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng và đạt 4,5% (dư nợ huy động vốn tính đến ngày 30-03-2016 đạt hơn 5,39 triệu tỉ đồng).
Bên cạnh đó, Thông tư 07 sửa đổi Thông tư số 24/2015/NHNN cho phép cho vay doanh nghiệp xuất khẩu từ ngày mai, 1-6, và điều này sẽ tăng thanh khoản ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo một báo cáo khác từ một quỹ đầu tư tại TPHCM, Thông tư 06 đã giúp xóa bỏ những nỗi lo ngại kéo dài về Thông tư 36 đối với các công ty bất động sản và ngân hàng. Cổ phiếu của hai nhóm này đã có diễn biến tích cực vào hôm qua 30-5 với VIC (+3,9%), DXG (+2,0%), KDH (+1,3%) của nhóm bất động sản và VCB (+3,3%), BID (+1,7%), MBB (+1,3%), CTG (+1,2%) của nhóm ngân hàng. Tâm lý tích cực đã lan tỏa trên thị trường cổ phiếu.
Tuy nhiên, theo báo cáo của BIDV, những việc NHNN nói riêng và Chính phủ nói chung cần tiếp tục tập trung giải quyết còn rất nhiều. Đó là chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ cần thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp theo hướng không làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 (2016-2020) tập trung vào những nội dung lớn như: tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém; nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt với các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh; xử lý dứt điểm nợ xấu; minh bạch hóa hoạt động tài chính ngân hàng theo thông lệ quốc tế…
Hồng Phúc
tbktsg
|