Bao giờ xua tan cơn “đói” vốn?
Dù các ngành ngân hàng có cố gắng nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện vẫn khiêm tốn. Đổi mới, đa dạng quy trình cho vay liệu có giúp xua tan cơn “đói” vốn?
Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận tín dụng ngân hàng vì không có tài sản bảo đảm. Ảnh: Lê Tiên
Mức vay còn khiêm tốn
Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến hết quý I/2016, dư nợ tín dụng cho các DNNVV đạt 1.070.810 tỷ đồng, tăng 1,76% so với 31/12/2015, thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng cho công nghệ cao là 30.419 tỷ đồng (tăng 7,81%) và dư nợ tín dụng cho xuất khẩu là 188.819 tỷ đồng (tăng 8,64% so với 31/12/2015), cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 3,04%.
Bà Hạnh nhận định, tuy các ngân hàng có nhiều nỗ lực nhưng mức cho vay đối với các DNNVV (chiếm 97% số doanh nghiệp cả nước) vẫn còn khiêm tốn, mặc dù mức tăng trưởng tín dụng đối với các DNNVV trong năm 2015 có tăng lên, nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Theo bà Hạnh, các DNNVV của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do thiếu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), chi phí sản xuất cao, hiệu quả SXKD thấp, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, năng lực cạnh tranh thấp.
Là một chủ DNNVV kinh doanh lĩnh vực thuỷ sản, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Long Biên than phiền rằng, thực tế hiện nay có nhiều DN nhỏ muốn tiếp cận nguồn vốn mới để đầu tư mở rộng SXKD cũng không được vì không còn tài sản gì để bảo đảm sau khi đã thế chấp hết các tài sản có giá trị cho ngân hàng.
Ông đặt vấn đề, nếu DN dùng “tài sản vô hình” như giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp để làm tài sản thế chấp thì có được chấp nhận hay không?
Theo ông Tuấn lý giải, quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ được pháp luật bảo vệ là nguồn tài nguyên vô giá của DN. Bởi vì tài sản trí tuệ đem lại thu nhập cho DN dưới các hình thức nguồn thu nhập (thông qua bán, chuyển nhượng, cho thuê quyền sở hữu tài sản trí tuệ) hoặc tài sản có giá trị (thông qua giữ riêng tài sản trí tuệ cho mình để sử dụng cho quá trình SXKD vì mục tiêu lợi nhuận).
Luật hóa chính sách bảo lãnh?
Để giải tỏa cơn “đói” vốn, các DNNVV nên huy động vốn từ nội lực của chính họ. Hoặc các DN dùng nghiệp vụ bao thanh toán để kịp thời có vốn SXKD, tạo điều kiện tăng vòng quay vốn lưu động, giảm chi phí vốn. Các DN cũng có thể sử dụng công cụ phái sinh để giảm thiểu rủi ro do biến động giá cả...
|
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty BeBoss Training phản ánh rằng, các khoản vay DN chưa đủ để mở rộng kinh doanh. Đôi khi, một số thời điểm đáo hạn vay, các DNNVV phải vay ngoài với lãi suất cao, kéo theo hệ lụy hoạt động kinh doanh không hiệu quả trong tương lai.
Là Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, tiếp xúc thường xuyên với gần 300 chủ DNNVV đang hoạt động tại Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, nên tạo điều kiện để các DNNVV thuê đất cụm công nghiệp 50 năm để có “sổ đỏ” thế chấp, vừa có vốn vay, lại vừa có mặt bằng sản xuất trong cụm công nghiệp.
Ông Tuấn cũng cho rằng, nên luật hoá một số chính sách bảo lãnh một số dự án kinh doanh hiệu quả của các DNNVV hoặc cho vay tín chấp đối với một số dự án khởi nghiệp đặc biệt có ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới trong SXKD hoặc dễ dàng tiếp cận vốn vay kịp thời.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh cho biết thêm, hiện nay các DN huy động vốn qua kênh thị trường vốn (gồm chứng khoán và thị trường trái phiếu) và thị trường tiền tệ (vốn tín dụng ngân hàng). Trong đó, vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh của các DNNVV.
Để giải toả cơn “đói” vốn, bà Hạnh khuyến nghị các DNNVV nên huy động vốn từ nội lực của chính họ. Hoặc các DN dùng nghiệp vụ bao thanh toán để kịp thời có vốn SXKD, tạo điều kiện tăng vòng quay vốn lưu động, giảm chi phí vốn. Các DN cũng có thể sử dụng công cụ phái sinh để giảm thiểu rủi ro do biến động giá cả...
Bà Hạnh đề nghị, các tổ chức tín dụng nên đổi mới quy trình cho vay với các DNNVV theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng không trái với quy định của pháp luật. Các ngân hàng cần nâng cao công tác kiểm soát rủi ro, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để giảm tải thủ tục xét duyệt cho vay, tạo điều kiện để xem xét cho vay đối với DN chất lượng tốt mà không cần dựa hoàn toàn vào tài sản bảo đảm.
Thế Vinh
Đấu thầu
|