Chính sách tiền tệ “lách” giữa muôn trùng vây
Đầu tháng này, sau khi Chính phủ ra nghị quyết với chỉ đạo chính thức về giảm lãi suất cho vay, VnEconomy đặt vấn đề với Thống đốc Lê Minh Hưng về các giải pháp thực hiện.
Nếu để ý trong chỉ thị Thống đốc vừa ban hành, “dự trữ ngoại hối” là cụm từ không thấy xuất hiện. Hẳn là nhà điều hành đã lường trước áp lực và khó khăn - Ảnh: Quang Phúc.
|
Từ chối trả lời các câu hỏi tại thời điểm chưa công bố các giải pháp, song ông Hưng nói rằng: “Với khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, phải tìm cách giảm được lãi suất cho vay thôi”.
Cuối tuần qua, câu trả lời chung đã chính thức đưa ra, Ngân hàng Nhà nước có loạt văn bản mới cùng chỉ thị khá toàn diện.
Hé mở cách giảm lãi suất
“Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay” có thêm những thực tế mới. Trước hết là hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu chậm lại, tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ trong một năm mà Chính phủ muốn đẩy cao hơn.
Hạn hán tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hạn hán, xâm mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, sự cố bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung… Những bất lợi này ảnh hưởng không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà tới cả các hộ dân tạo đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu.
Việc mở lại tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu đặt trong bối cảnh đó. Ngân hàng Nhà nước mở lại một kênh vốn có lãi vay thấp hơn nhiều so với vay VND, để hỗ trợ doanh nghiệp và gián tiếp là hỗ trợ cho các hộ dân trong chuỗi liên kết.
Rộng hơn, thêm nguồn tín dụng ngoại tệ, cung vốn chi phí thấp cũng tạo điều kiện để giảm bớt áp lực dồn vay VND, thêm thuận lợi để có thể giảm lãi suất cho vay nói chung.
Tương tự, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định không thu hẹp giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong năm nay, mà giãn theo từng bước dài ra trong hai năm tới. Áp lực các ngân hàng đẩy lãi suất cải thiện cơ cấu vốn huy động để đáp ứng tình huống thu hẹp giới hạn này, như đã thể hiện đầu năm nay, trước mắt được gỡ bỏ. Theo đó, mục tiêu giảm lãi suất cho vay cũng bớt đi một trở ngại.
Rõ nét hơn, trong chỉ thị Thống đốc vừa ban hành, biện pháp có sức nặng đối với mục tiêu giảm lãi suất cho vay đã được hé mở. Lần đầu tiên sau nhiều năm, nghiệp vụ tái cấp vốn được nhấn mạnh trong hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện tái cấp vốn với khối lượng, thời hạn và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho hệ thống.
Với định hướng trên, có thể liên hệ ngay đến một nguồn vốn lớn mà các ngân hàng thương mại có thể tái tạo để giảm chi phí huy động vốn, trực tiếp giảm được lãi suất cho vay. Đó là nguồn có thể được vay tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Năm trước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện tái cấp vốn cho một số nhu cầu qua kênh này, nhưng chưa bao giờ nó được nhấn mạnh, gợi mở một cách chính thức như trên. Theo đó, với ý đã đề cập trong chỉ thị của Thống đốc, từ nay kênh tái cấp vốn qua trái phiếu VAMC được chú trọng hơn, với mục đích hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nói trên.
Ước tính tương đối, với lượng nợ xấu các nhà băng đã bán cho VAMC, quy mô tái cấp vốn có thể lên tới trên dưới 150 nghìn tỷ đồng. Đó là khả năng lớn về nguồn. Dĩ nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ sự chặt chẽ trong khối lượng, thời hạn tái cấp vốn, vì phải dè chừng với diễn biến lạm phát đang trở lại.
Càng phải dè chừng
Phải dè chừng với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong khi tác động của yếu tố tiền tệ đối với lạm phát có độ trễ để đánh giá, thì lãi suất và tỷ giá có phản ứng nhạy hơn.
Từ trung tuần tháng 5/2016 đến nay, lãi suất trên liên ngân hàng liên tục giảm nhanh và sâu. Đến cuối tuần qua, lãi suất qua đêm ở đây đã xuống hẳn dưới 1%/năm, chỉ còn quanh 0,78%/năm. Diễn biến này cũng dần ngấm sang lãi suất huy động, bắt đầu có dấu hiệu giảm trên biểu niêm yết của một số ngân hàng thương mại.
Cũng nhạy và nhanh, tỷ giá USD/VND từ tuần qua, đặc biệt ngay sau khi có loạt chính sách trên, đã biến động khá mạnh. Sáng nay (30/5), giá USD bán ra cao nhất đã chính thức lập mốc 22.500 VND.
Liên quan, nếu để ý trong chỉ thị Thống đốc vừa ban hành, “dự trữ ngoại hối” là cụm từ không thấy xuất hiện. Hẳn là nhà điều hành đã lường trước áp lực và khó khăn nếu đưa mục tiêu tăng dự trữ ngoại hối.
Lường trước, vì tỷ giá trở nên nhạy cảm khi mở lại tín dụng ngoại tệ, khi lãi suất VND giảm và có định hướng giảm như trên. Cũng lưu ý rằng, những năm trước, bình ổn tỷ giá có thuận lợi rõ rệt do chênh lệch lãi suất “đô - đồng” ở mức cao, nhưng nay đã co hẹp về mức thấp.
Vậy nên, nhìn vào chỉ thị mới ban hành, có thể thấy chính sách tiền tệ đang tìm cách “lách” ở những khe, dư địa có thể để vừa giảm được lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, vừa phải dè chừng lạm phát và tỷ giá.
Như bài viết về “đơn hàng” đa mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước trên VnEconomy vừa qua, các yêu cầu và cân đối đang trở nên nhạy cảm; lệch hoặc quá ở một mục tiêu, cân đối nào đều có thể dẫn đến xung đột cân đối, mục tiêu khác.
Nói cách khác, chính sách tiền tệ đang ở giữa muôn trùng vây của các yêu cầu, mục tiêu phải thực hiện.
Ép nhiều thì dễ méo
Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5%, phải giảm được lãi suất cho vay, phải bình ổn được tỷ giá, gia tăng dự trữ ngoại hối, thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng GDP năm nay cao hơn, phối hợp và hỗ trợ chính sách tài khóa phát hành trái phiếu Chính phủ tốt để cân đối ngân sách…
Sau bài viết phản ánh về “đơn hàng” đa mục tiêu nói trên, VnEconomy nhận được phản hồi và thảo luận thêm từ ông Nguyễn Duy Hưng, người từng nhiều năm làm lãnh đạo cao cấp tại VietBank và ACB…
Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước và chính sách tiền tệ hiện chỉ có hai mục tiêu chính mà thôi: giữ ổn định giá trị đồng tiền và đảm bảo an toàn hệ thống.
Giữ ổn định giá trị đồng tiền gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Gần gũi hơn với người dân là làm sao thu nhập và đời sống của họ ít bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giá cả leo thang. Và thứ hai là không nhượng bộ an toàn hệ thống ngân hàng với các yêu cầu, mục tiêu chỉ đạo nào khác.
Ông Nguyễn Duy Hưng dẫn giải, 2/3 các nước phát triển trên thế giới, ngân hàng trung ương và việc điều hành chính sách tiền tệ được độc lập để đảm bảo được hai mục tiêu chính yếu đó. Thậm chí ở nhiều quốc gia, thống đốc ngân hàng không e ngại quyền lực của thủ tướng, tổng thống hay chính phủ.
“Còn với chính sách tiền tệ của chúng ta hiện nay, việc bị dồn ép phải thực hiện quá nhiều mục tiêu, yêu cầu cùng lúc dẫn tới mục tiêu chính có thể bị méo mó, thậm chí phải trả giá”, chuyên gia trên nêu quan điểm.
Đó là tăng trưởng kinh tế vẫn dựa quá nhiều vào tín dụng, an toàn hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm, nhiều khía cạnh vẫn phải nhượng bộ cho các chính sách chỉ đạo hỗ trợ chỗ này chỗ kia của Chính phủ, chính sách tiền tệ bị chính sách tài khóa lấn át hoặc nhiều chương trình phải làm thay chính sách tài khóa…
Không khó để nhìn lại những yêu cầu, khuyến nghị chính sách tiền tệ đi hỗ trợ công nghiệp đóng tàu, vận tải hàng hải, thủy sản…, để rồi sau đó chính sách tiền tệ là điểm trũng trách nhiệm khi rủi ro đổ vỡ xẩy ra; hay các gói cấp bù lãi suất, các gói tín dụng bất động sản khi có tiêu cực, rủi ro cũng gắn với chính sách tiền tệ; hay một thập kỷ tín dụng được kích thích quá mạnh để tăng trưởng kinh tế thăng hoa rồi đến sống chung với lạm phát khủng khiếp.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước và chính sách tiền tệ kiên trì và được chủ động, độc lập hơn trong theo đuổi hai mục tiêu chính là ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm an toàn hệ thống, thì mới có sự phát triển bền vững, lâu dài được. Nếu cứ bị dồn ép, nhượng bộ bởi quá nhiều mục tiêu, yêu cầu khác thì dễ bị méo mó”, ông Nguyễn Duy Hưng dẫn lại quan điểm trong phản hồi với VnEconmy.
Minh Đức
vneconomy
|