Tiền lại ứ đọng
Tiền dường như đang ứ đọng trong các ngân hàng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đến một tuần đã về mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Các ngân hàng lại “đổ xô” vào thị trường trái phiếu chính phủ.
Thanh khoản dâng lên
Lãi suất liên ngân hàng ở cả ba kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần bất ngờ có sự sụt giảm mạnh trong tuần qua. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 1,5 điểm phần trăm về mức 1,78%/năm. Kỳ hạn một tuần và hai tuần cũng giảm lần lượt 1,45% và 1,41% về mức 2,06% và 2,38%/năm. Đây là những mức lãi suất thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây.
Diễn biến hút ròng bốn tuần liên tiếp trên thị trường mở (OMO) của Ngân hàng Nhà nước cùng xu hướng giảm mạnh của lãi suất liên ngân hàng cho thấy sự cải thiện rõ rệt về thanh khoản của toàn hệ thống. Theo số liệu từ Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 8-5 đạt mức 3,69%, cao hơn hẳn so với mức 1,3% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng 4% vào thời điểm cuối tháng 4 thì mức tăng trên lại có sự sụt giảm nhẹ. BVSC cho rằng đây là một nguyên nhân giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng tăng.
Tiền đang dồi dào nên các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ của Kho bạc cũng sôi động. Các phiên đấu thầu trái phiếu kỳ hạn ba năm và năm năm bán nhanh với lãi suất giảm rõ rệt. Đón đầu nhu cầu của người mua và tận dụng thời cơ vay tiền về cho ngân sách, tuần này, Kho bạc tiếp tục gọi thầu trái phiếu tại bốn kỳ hạn, trong đó kỳ hạn năm năm có khối lượng đặc biệt lớn 12.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, hiện trái phiếu kỳ hạn năm năm đã phát hành được hơn 90.000 tỉ đồng (bằng 90% kế hoạch năm). Do vậy, nếu phát hành thành công 12.000 tỉ đồng trong tuần này thì kỳ hạn năm năm sẽ không những hoàn thành mà còn vượt mức kế hoạch phát hành cho cả năm 2016 (tối đa 30% tổng khối lượng trái phiếu Bộ Tài chính phát hành trong năm).
Tình hình này cũng đặt ra thách thức cho các phiên đấu thầu tới đây khi các kỳ hạn dài cần được tăng lãi suất để hấp dẫn thị trường hơn.
Trái phiếu có lấn át nguồn vốn cho doanh nghiệp?
Liệu các ngân hàng có ưu ái cho việc kiếm lời từ trái phiếu chính phủ hơn là cho doanh nghiệp vay?
“Đúng là các ngân hàng mua trái phiếu mạnh hơn nhưng phải khẳng định ngay việc này không chèn ép vốn cho doanh nghiệp. Tiền bỏ vào trái phiếu là hợp lý và tốt trong khi doanh nghiệp tốt thì quá ít”, phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói với TBKTSG.
Một vị tổng giám đốc ngân hàng TMCP giải thích thêm: ngân hàng bao giờ cũng có một phần dự trữ thanh khoản, thường là tiền mặt để đảm bảo khả năng chi trả sau bảy ngày với các nghĩa vụ nợ đến hạn, nhưng bên cạnh đó anh phải đủ khả năng dự trữ thanh khoản trong 30 ngày.
Ví dụ, tôi gửi tiết kiệm tại ngân hàng kỳ hạn một năm nhưng tôi tự nhiên muốn rút trước hạn vậy tôi đến ngân hàng thì hẳn nhiên ngân hàng không thể từ chối. Ngân hàng phải có sẵn tiền mặt cho các nhu cầu ngẫu nhiên như vậy và một phần khác cho những khoản phải thanh toán 30 ngày sắp tới trên sổ sách.
Nhưng số tiền để dành cho 30 ngày kia không nhất thiết phải để tất cả bằng tiền mặt nên trong 30 ngày đấy ngân hàng được mua tín phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ. Vì đây là loại hàng hóa sinh ra lợi nhuận nhất định và coi như không có rủi ro, ngay lập tức chuyển sang tiền mặt được ngay nên được coi như công cụ thanh khoản nhanh có lợi nhất mà ngân hàng có thể sử dụng để tối ưu hóa lợi nhuận kinh tế (không phải lợi nhuận kế toán).
Thứ hai, việc ngân hàng đang đổ xô mua trái phiếu chính phủ hiện nay chưa thể khẳng định đó là xu thế vì mới chỉ diễn ra tạm thời trong vài tuần gần đây. Có hai lý do dẫn đến hệ quả này.
Ngân hàng đang thừa nhiều tiền, một phần vì từ đầu năm đến nay vốn FDI giải ngân tăng rất mạnh, kiều hối về khoảng vài ba tỉ đô la Mỹ. “Nhưng con sóng này không phải nằm đó mãi, chỉ là dư thừa tạm thời nên ngân hàng phải mua trái phiếu để tận dụng vốn nhàn rỗi, khi cần bán ngay trái phiếu lầy tiền mặt”, vị tổng giám đốc ngân hàng nói.
“Bên cạnh đó, có tiền nhưng chúng tôi không thể cho vay ồ ạt vì không tìm đủ doanh nghiệp tốt để cho vay”, lãnh đạo một ngân hàng nói.
Ông kể, có những doanh nghiệp sáng đầu ngày gửi e-mail cho ngân hàng, “tuyên bố” hôm nay tôi muốn giải ngân mấy trăm tỉ, các ông (ngân hàng) “đấu giá” đi ông nào giá tốt tôi lấy. Vì họ là doanh nghiệp quá tốt, ngân hàng biết tiền vào chắc chắn có tiền về để trả ngân hàng nên mới tự tin làm thế. Còn có những đơn vị đến xin ngân hàng từ chối vì không thấy đường tiền về. Và sâu xa hơn, thấp thoáng phía sau câu chuyện này vẫn là hình bóng nợ xấu.
Ngân hàng đang dư thanh khoản tạm thời và không có lựa chọn nào tốt và thuận tiện hơn trái phiếu chính phủ mặc dù có thời điểm tín phiếu và lãi suất trái phiếu được mua đi bán lại với giá rất thấp.
Tuy nhiên khi mua trái phiếu các ngân hàng đã chấp nhận rủi ro kỳ hạn. Lãi suất trái phiếu ba năm là 5,32%/năm chỉ cao hơn 35 điểm so với tiền vay kỳ hạn một tuần trên OMO và nhỏ hơn lãi suất tái chiết khấu là 6%. Tức là các ngân hàng nếu lấy tiền đi vay trên OMO hay huy động từ dân cư (6-6,5%/năm) mà mua trái phiếu chính phủ tức anh đã đánh đổi rủi ro kỳ hạn để “ăn” mức chênh lệch không nhiều.
Bên cạnh đó, ở thời điểm này thị trường trái phiếu chính phủ đang rất dễ dàng. Bộ Tài chính cũng phải chạy gấp rút để đạt chỉ tiêu huy động vốn cho ngân sách đang eo hẹp của mình và cố gắng tạo ra kênh huy động hấp dẫn nhất có thể. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt như mong đợi nên sức hấp thu của doanh nghiệp và thị trường giảm nhẹ, thiếu doanh nghiệp đủ chuẩn để ngân hàng cho vay nên ngân hàng buộc phải tập trung hơn vào kênh trái phiếu để tiêu thụ vốn dư thừa. Đến khi sức hấp thụ tín dụng cao trở lại thì ngay lập tức nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ sẽ giảm. Nhưng khả năng tự dưng nền kinh tế thẩm thấu vốn mạnh thì sẽ không đến ngay.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), vào cuối tháng 4-2016, tổng giá trị lưu hành của trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương là 801.625 tỉ đồng, trong đó, giá trị lưu hành của trái phiếu chính phủ đạt 641.555 tỉ đồng, chiếm 80,03%.Con số này cho thấy sự gia tăng khá nhanh so với tỷ lệ 75,19%, tương đương 497.614 tỉ đồng, tổng giá trị lưu hành của trái phiếu chính phủ tại thời điểm cuối tháng 12-2014.
|
|
Hồng Phúc
TBKTSG
|