VCCI thiếu hiểu biết hay cố tình ra văn bản sai?
Câu chuyện của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng xin hoãn việc thanh tra cho con trai vừa ầm ĩ trên truyền thông chưa dứt, thì ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chỉ dựa vào ý kiến cá nhân, lợi dụng danh nghĩa hội nhà thầu vội vàng có văn bản đề nghị Thủ tướng hủy bỏ một số dự án mà Thanh tra Bộ Xây dựng đang tiến hành thanh tra. Ra văn bản kiểu này, liệu ông Vũ Tiến Lộc có hiểu được pháp luật về thanh tra hay cố tình vi phạm Khoản 7 Điều 13 của Luật Thanh tra là can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra?
Ông Vũ Tiến Lộc có hiểu được pháp luật về thanh tra khi ra văn bản số 1321 gửi Thủ tướng Chính phủ?
|
Liên quan đến văn bản số 1321/PTM-VPHH ngày 6/6/2016 của VCCI gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung đề nghị Thủ tướng hủy bỏ một số dự án có sự chồng chéo trong chương trình thanh tra năm 2016 của Bộ Xây dựng, cụ thể như một số dự án tại Sở GTVT Tuyên Quang và một số dự án khác được dẫn chiếu theo văn bản 1195/BGTVT-TTr ngày 28/1/2016 của Bộ GTVT gửi Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Xây dựng về nội dung văn bản 1321 của ông Vũ Tiến Lộc thì thấy như sau:
Ngày 31/12/2015, Bộ GTVT đã có bản số 17534/BGTVT-TTr, trong đó có đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại một số dự án thanh tra theo kế hoạch năm 2016 vì có sự chồng chéo trong công tác thanh tra với một số ngành. Ngày 24/2/2016, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 296/BXD-TTr trả lời Bộ GTVT về việc thanh tra những dự án thuộc lĩnh vực này.
Đối với văn bản 976/TTCP-KHTCTH ngày 5/5/2016 của Thanh tra Chính phủ thì văn bản này hầu hết có tên các dự án trùng với văn bản của Bộ GTVT, Thanh tra Bộ Xây dựng đã trực tiếp gặp và giải trình với Thanh tra Chính phủ, đồng thời, thống nhất phần việc mà kiểm toán và thanh tra các Bộ, ngành khác đã thực hiện thì thanh tra Bộ Xây dựng sẽ không thực hiện nữa. Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ thanh tra phần việc mà các đơn vị khác chưa thanh tra.
Như vậy, những thắc mắc của Bộ Giao thông Vận tải và Thanh tra Chính phủ đã được Bộ Xây dựng trả lời và giải quyết tương đối ổn thỏa. Bởi theo Khoản 2 Điều 7 Luật Thanh tra thì công tác thanh tra được gọi là chồng chéo khi có sự trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Do vậy, các dự án được nêu trong văn bản của Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ trong chương trình thanh tra của Bộ Xây dựng không thể coi là việc thanh tra chồng chéo.
Mặt khác, văn bản mà ông Vũ Tiến Lộc ký ngày 6/6/2016 trong khi Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra được 25 ngày, điều này cũng được nêu rõ tại biên bản công bố Quyết định thanh tra ngày 11/5/2016.
Để rộng đường dư luận, nhóm phóng viên cũng đã tìm đến BQL Xây dựng tỉnh Tuyên Quang. Qua tìm hiểu cho thấy, sau khi nhận được văn bản 1321 gửi Thủ tướng Chính phủ thì Sở GTVT Tuyên Quang đã có văn bản số 886/SGTVT –QLDA ngày 17/6/2016 gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trong đó khẳng định: Hiện tại, Sở GTVT Tuyên Quang được Thanh tra Bộ Xây dựng thanh tra, kiểm tra 4 dự án theo kế hoạch là đúng với quy định của Luật Xây dựng và Luật Thanh tra. Quá trình làm việc của Đoàn thanh tra đã và đang thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra. Sở GTVT Tuyên Quang thấy rằng không có sự chồng chéo về thời gian giữa các đoàn thanh tra, kiểm toán và chưa thấy chồng chéo về nội dung thanh, kiểm tra.
Kể từ ngày Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra tại Sở GTVT Tuyên Quang chỉ làm việc với chủ đầu tư, chứ không làm trực tiếp với các doanh nghiệp thi công nào. Tại buổi họp công bố Quyết định thanh tra, Sở cũng đã mời các thành phần liên quan tới dự, trong đó có đại diện các cơ quan đơn vị tư vấn, giám sát, thiết kế.
Công văn cũng khẳng định: “Ý kiến mà VCCI nói trong văn bản 1321/PTM-VCCI ngày 6/6/2016 là không đúng thực tế mà đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đang làm việc tại Sở GTVT Tuyên Quang”. Lãnh đạo sở này cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Bộ tiếp tục cho thanh tra.
Như vậy, vô tình hay cố ý hoặc do tác động của cá nhân nào đó, vì một lý do nào đó, mà ông Vũ Tiến Lộc đã vi phạm Khoản 7 Điều 13 của Luật Thanh tra về các hành vi bị nghiêm cấm là: “Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra”.
Được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 15/6/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhưng trong công tác quản lý thì không thể không thanh tra. Mặt khác, cũng không vì lợi dụng những văn bản của Thủ tướng mà cho phép ai đó dùng quyền với tư cách cá nhân cản trở quyền thanh tra theo pháp luật./.
báo xây dựng
|