Thị trường tỷ đô trên internet: Doanh nghiệp Việt hững hờ
Khi con người đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ số và mạng internet, kinh doanh online cũng đang mang về những khoản lợi nhuận khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên với doanh nghiệp Việt Nam thì hầu hết lại đang bỏ quên mỏ vàng này.
Năm 2008, anh Phạm Minh Tuấn đã sáng lập ra Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica và giữ chức Tổng Giám đốc. Anh Tuấn kể lại rằng, khi đó Topica chỉ có 12 nhân sự và thực sự vất vả khi không thu hút được nhiều học viên, dù đã tổ chức nhiều buổi tuyển sinh trực tiếp và quảng cáo trên truyền hình, báo chí.
Làm giàu nhờ công nghệ số
Nhưng đến nay, Topica đã trở thành tổ hợp công nghệ giáo dục lớn nhất ở Đông Nam Á, có mặt trên nhiều quốc gia trong khu vực. Tổ hợp giáo dục này có tới 1.000 giảng viên toàn thời gian và 1.400 giảng viên bán thời gian. Topica cũng đã cấp bằng đại học cho 4.600 học viên và hầu hết họ đều đã tìm kiếm việc làm thành công.
Anh Tuấn chia sẻ, mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2010, khi Topica sử dụng sự trợ giúp của các ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng. Nhờ áp dụng các biện pháp kinh doanh trên mạng internet, số học viên tiềm năng đã tăng 10 lần, doanh số của Topica tăng tới 80% và tỷ suất hoàn vốn là 30%, và đặc biệt là hơn 80% khách hàng của Topica đến từ kênh internet, anh Tuấn cho biết.
Áp dụng các biện pháp kinh doanh trên internet cũng đã giúp doanh nghiệp du lịch Unique Tours ở khu vực Đông Dương tăng trưởng nhanh chóng. Được thành lập vào năm 2012 chỉ với bốn nhân viên và một văn phòng, hiện nay Unique Tours đã có 3 văn phòng đại diện, 20 nhân viên toàn thời gian và 100 nhà thầu. Mỗi tháng Unique Tours phục vụ 200 đoàn khách du lịch. Đại diện của Unique Tours cho biết 80%-90% lợi nhuận của doanh nghiệp là đến từ việc quảng cáo trên Google Adwords.
“Ở Việt Nam hiện mới chỉ 20% công ty vừa và nhỏ có website hỗ trợ mua bán trực tuyến” Tammy Phan – Giám đốc Chiến lược và Kênh bán hàng Google APAC
Bỏ rơi mỏ vàng
Công nghệ số, hay mạng internet, thực sự đã trở thành một công cụ kinh doanh hữu hiệu trên toàn cầu trong những năm nay, và doanh nghiệp nào biết tận dụng công nghệ số thì sẽ càng có cơ hội tăng trưởng nhanh hơn như Topica và Unique Tours. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp biết tận dụng mạng internet để kinh doanh như Topica và Unique Tours lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng các doanh nghiệp đang tồn tại trong nền kinh tế.
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với hơn 10.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cũng cho thấy khả năng ứng dụng công nghệ chưa thực sự cao. Cụ thể, có tới 60% doanh nghiệp trên cả nước chưa sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả, thường mới chỉ dừng ở mức sử dụng email hoặc cao hơn là có trang web riêng. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang tiếp thị bán hàng theo cách truyền thống, trong bối cảnh công nghệ số đang thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng hàng ngày.
Sẽ còn tiếc hơn nếu như nhìn vào tốc độ sử dụng internet ở Việt Nam và sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng nhờ vào internet. Theo thống kê của Google, có tới một nửa dân số đang dùng internet. Bà Tammy Phan – Giám đốc Chiến lược và Kênh bán hàng Google APAC, cho biết Việt Nam đang là quốc gia đứng hàng đầu về điện thoại di động, và đến năm 2020 thì cứ 10 người sẽ có 8 người sử dụng điện thoại di động.
Một người trung bình thường kiểm tra điện thoại 150 lần mỗi ngày, dành hơn 4 giờ để online. Một nửa số người sử dụng internet là truy cập qua điện thoại và 65% giao dịch bắt đầu bằng điện thoại di động. Hai phần ba người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm thông tin trước khi mua hàng.
Có thể nói tốc độ sử dụng điện thoại để truy cập internet ở Việt Nam đã tăng chóng mặt trong những năm qua, và đã tạo ra một nền tảng thị trường có sẵn để các doanh nghiệp khai thác. Unique Tours có thể được coi là ví dụ điển hình biết khai thác thói quen sử dụng điện thoại để truy cập internet của người tiêu dùng.
“Thành công phần lớn là nhờ điện thoại di động. Unique Tour nhận được 40% yêu cầu thông tin qua các trang web trên điện thoại di động và một phần tư đơn hàng đến từ điện thoại di động” – đại diện của Unique Tours nói.
Theo Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, sẽ có khoảng 30% dân số mua sắm trên mạng internet vào năm 2020, và doanh số hằng năm đối với loại hình này có thể đạt trung bình 350 USD trên một đầu người. Nếu nhân với số dân khoảng 30 triệu người, thì đây sẽ là thị trường hàng chục tỷ USD để doanh nghiệp khai thác. Thực tế con số này có thể còn lớn hơn nếu như nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường thương mại điện tử hơn và mở rộng quy mô thị trường.
Ông Kevin O’Kane – Giám đốc điều hành khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Google châu Á, Thái Bình Dương cho rằng, mỗi doanh nghiệp dù hoạt động ở bất cứ ngành nghề nào đều có thể trở thành doanh nghiệp thương mại điện tử vì Việt Nam đã có sẵn lượng khách hàng kết nối trực tuyến và trên nền tảng di động.
Lợi thế và quy mô thị trường trên internet là rất lớn, ấy vậy mà ở Việt Nam hiện mới chỉ 20% công ty vừa và nhỏ có website hỗ trợ mua bán trực tuyến, theo bà Tammy Phan. Đó là còn chưa nói đến 70% người được hỏi cho biết gặp trục trặc khi truy cập các trang web trên điện thoại di động. Dường như hầu hết các doanh nghiệp trong nước vẫn còn tách biệt với xu hướng công nghệ thời đại.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Thế giới nhỏ lại, doanh nghiệp lớn lên
Làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ này là cách thức đi tắt, đón đầu đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bản thân các cơ quan Nhà nước cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng một thể chế chính sách tốt nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Với một nền kinh tế số, thế giới đang nhỏ lại và doanh nghiệp nhỏ thì lớn lên. Công nghệ số cũng tạo nên nền tảng cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường. Khoảng 98% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, giải quyết 51% việc làm và 40% GDP. Internet sẽ mở ra cơ hội cực kỳ rộng lớn cho họ, vượt khỏi biên giới và sự tích hợp giữa tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam với tri thức kinh doanh và làn sóng kinh tế số sẽ làm nên một đội ngũ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Hy vọng trong tương lai các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ cưỡi lên làn sóng kinh tế số để ra khơi giành thắng lợi. Và sự tích hợp giữa tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam với tri thức kinh doanh và làn sóng kinh tế số sẽ làm nên một đội ngũ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Ông Kevin O’Kane – Giám đốc mảng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tập đoàn Google châu Á – Thái Bình Dương:Sống trên mạng
Chìa khóa thành công cho thương mại điện tử nằm ở nền tảng kết nối di động. Không giống những nước khác như Mỹ, Việt Nam là nước có kết nối di động cao, với 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh, trong khi chỉ có 46% sở hữu máy tính cá nhân.
Người Việt sử dụng điện thoại thông minh cho nhiều hoạt động khác nhau như tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông và quản lý danh sách mua hàng. Điện thoại thông minh đã làm thay đổi mọi thứ. Nó đã biến đổi cách thức mà chúng ta kết nối với bạn bè và gia đình, cách chúng ta giải trí và mua sắm.
Trong thời đại Internet cố định, chúng ta thường hay hay dùng từ “lên mạng”. Tuy nhiên, đặc biệt ở Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng mới là điện thoại thông minh được sử dụng liên tục suốt cả ngày. Bây giờ người ta không còn “lên mạng” nữa, mà người ta “sống trên mạng”. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng cần biết cách thức để tiếp cận cách sống mới này của khách hàng.
|
Ninh Kiều
Diễn đàn doanh nghiệp
|