Hàn Quốc dự kiến dành cho Việt Nam 1,5 tỷ USD vốn vay ODA
Chiều 8/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp Đối thoại chính sách Việt Nam-Hàn Quốc về vốn vay ODA.
Dự án cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng, nối thị xã Sơn Tây của Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc trên Quốc lộ 2C (thuộc vành đai 5) là vốn vay ODA của Hàn Quốc. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
|
Tại buổi đối thoại, phía Việt Nam đã trao đổi về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Nghị định 16; Luật Ngân sách, dự thảo quy định cho vay lại chính quyền địa phương.
Trong khi đó, đại diện phía Hàn Quốc cũng đưa ra những chính sách, quy định mới của Hàn Quốc trong hợp tác phát triển và ODA.
Ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hợp tác tài chính sẽ đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian tới. Chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam mà Hàn Quốc đang được thực hiện thông qua hợp tác tài chính.
Theo ông Lê Quang Mạnh, để hợp tác với Hàn Quốc có hiệu quả cao nhất, Việt Nam cần tận dụng những nguồn hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc, cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)...; tiếp tục vận động tài trợ của Hàn Quốc vào những lĩnh vực mà họ có kinh nghiệm, thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu cao như giao thông, y tế, môi trường, công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chủ động trong việc đưa ra và quyết định các đề xuất dự án, tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn có ý nghĩa, hiệu quả kinh tế-xã hội cao nhất, phù hợp với các chủ trương, chính sách, quy hoạch phát triển hàng năm, trung và dài hạn của Việt Nam.
Ông Sang Kyu Lee, đại diện Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc cho biết Việt Nam là đối tác quan trọng đối với Hàn Quốc. Hàn Quốc luôn thúc đẩy sự giao lưu hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, lĩnh vực về hợp tác phát triển được Chính phủ Hàn Quốc coi trọng và đặt lên hàng đầu. Hợp tác phát triển Việt Nam-Hàn Quốc được ưu tiên cho các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, đô thị; y tế; giáo dục, đào tạo; môi trường; năng lượng sạch, công nghệ thông tin.
Viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam gồm 2 nguồn chính là viện trợ không hoàn lại và vốn vay ODA. Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang xây dựng Chiến lược đối tác phát triển (CPS) với Việt Nam cho thời kỳ tới nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.
Từ năm 1992 đến hết năm 2015 đã có gần 60 dự án, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD đã được Chính phủ Hàn Quốc ký hiệp định vay hoặc cam kết cung cấp tín dụng cho Việt Nam. Hiện nay, Hàn Quốc đang có 34 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn cam kết 1,7 tỷ USD được triển khai thực hiện và giải ngân hơn 0,9 tỷ USD.
Hai bên đang trao đổi chuẩn bị đàm phán Hiệp định tín dụng khung cho giai đoạn 2016-2020 trong bối cảnh có nhiều thay đổi về quy định, luật lệ trong nước; tình hình nợ công tăng cao; sự xuất hiện của hợp tác tài chính Việt Nam-Hàn Quốc.
Qua dự thảo và thông báo sơ bộ phía Hàn Quốc dự kiến cho Việt Nam vay 1,5 tỷ USD vốn ODA giai đoạn 2016-2020; trong đó khoảng 0,9 tỷ USD sẽ dành cho hợp tác tài chính. Những lĩnh vực ưu tiên gồm: hạ tầng quy mô lớn, đường sắt, y tế, công nghệ thông tin./.
Thúy Hiền
vietnam+
|