Sẽ chấm điểm công khai báo cáo tài chính các tập đoàn, tổng công ty
Một trong những giải pháp để thúc quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang được cơ quan chức năng tính tới là chấm điểm mức độ công khai, minh bạch của báo cáo tài chính các doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Mời tổ chức độc lập đánh giá
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cơ quan này đang phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán và một số cơ quan liên quan để có cơ chế bình bầu, đánh giá báo cáo tài chính tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Cách đánh giá theo dự tính của cơ quan chức năng là sẽ mời thêm tổ chức độc lập để chấm điểm. Các cơ quan liên quan khác bao gồm Bộ Tài chính hay chính các cơ quan báo chí cũng sẽ có quyền cùng bỏ phiếu đánh giá báo cáo tài chính các doanh nghiệp.
Ông Tiến cho rằng, điều này nhằm khẳng định doanh nghiệp Nhà nước cũng bình đẳng với các doanh nghiệp khác và công khai, minh bạch thông tin, từ đó thúc đẩy quá trình cổ phần hóa.
"Nếu thông tin mù mờ thì nhà đầu tư không thể yên tâm được," đại diện Bộ Tài chính nói.
Việc công khai ở đây được ông Tiến khẳng định phải có những tiêu chí cơ bản để người dân cùng biết. Tuy nhiên, điều này theo ông không đồng nghĩa là các đơn vị phải công khải cả những "bí quyết" của từng nơi.
Những vấn đề cụ thể theo ông Tiến đang được cơ quan chức năng nghiên cứu và nếu hoàn thành trong năm nay thì sẽ áp dụng xếp loại ngay với các tập đoàn, tổng công ty.
"Cơ chế này hy vọng sẽ tạo đà đột phá, đổi mới trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước," ông Đặng Quyết Tiến nói.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Có thể không cần đặt ra lộ trình
Nói thêm về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước những tháng đầu năm nay, ông Tiến cho rằng, vẫn còn tư tưởng ở một số bộ muốn nắm giữ tỷ lệ lớn chi phối doanh nghiệp.
Ví dụ được lãnh đạo ngành tài chính đưa ra như với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama). Ở đơn vị này, Bộ Xây dựng hiện vẫn nắm giữ tỷ lệ vốn lên tới 90% trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn.
Theo ông, doanh nghiệp khi bỏ tiền đầu tư vào các doanh nghiệp thì đều muốn làm chủ "mặt trận" của mình. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm "mất cơ hội" cổ phần hóa.
Lắp máy theo ông Tiến là ngành được Chính phủ quan tâm nhưng vị lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, nếu không thay đổi quản trị doah nghiệp, không tạo ra "năng lượng mới" thì sẽ khó cạnh tranh khi hội nhập.
Thừa nhận chủ trương ra sao là quyền của bộ và gắn với hướng phát triển của doanh nghiệp nhưng ông Tiến cho rằng, tới đây, có thể không cần đặt ra lộ trình.
"Với từng phương án, ta không tính hiệu quả của việc thay đổi, cơ hội phát triển cho doanh nghiệp thì dẫn tới phương án cổ phẩn hóa không hiệu quả và sau cổ phần hóa không thay đổi gì," lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nói.
Điều quan trọng được ông Tiến nhấn mạnh là chất lượng phương án cổ phần hóa. Bởi vậy, theo ông, nếu phương án cổ phần hóa được các nhà đầu tư quan tâm thì các bộ "nên có thay đổi."
"Chính phủ cũng đồng ý cho phép các bộ đề xuất điều chỉnh lại lộ trình," ông Tiến nói./.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2016 đã có 37 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong đó có 6 Tổng công ty là: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp; Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam; Tổng công ty 36 Bộ Quốc Phòng; Tổng công ty Lâm nghiệp; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp
|
Xuân Dũng
Vietnam +
|