Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có phải "cứu cánh" cho DNNVV?
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVV) ra đời với mục tiêu là đưa ra các biện pháp hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy đây có phải là “cứu cánh” thực sự cho khối doanh nghiệp này?
Dự Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hi vọng sẽ mang lại nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
|
Thực trạng các chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Tuy vậy, lâu nay, khu vực doanh nghiệp này còn chưa có được sự hỗ trợ đúng mực để đạt được sự phát triển tối ưu.
Cụ thể, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỷ lệ Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp.
Mặc dù, công tác hỗ trợ khối doanh nghiệp này đã bắt đầu triển khai từ năm 2001, với sự ra đời của Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (đã được thay thế bởi Nghị định số 56/2009/NĐ-CP), nhưng hiệu quả thực sự chưa rõ rệt.
Những điều mà các doanh nghiệp cần là những quy định hỗ trợ cụ thể về: mặt bằng sản xuất, tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công…nhưng nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích và chung chung, chưa có những quy định hỗ trợ rõ ràng.
Đây là lý do chỉ có 30% Doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Số còn lại hầu như không biết và không tiếp cận được chính sách này.
Thêm nữa, sự phân tán quản lý và thực thi ở nhiều bộ, ngành trong thực thi các chính sách liên quan khiến thủ tục tiếp cận hỗ trợ mang nặng tính xin – cho, doanh nghiệp nhiều khi không có đủ lực để theo đến cùng.
Chính thực trạng này, khiến khối các Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất mong chờ vào “cứu cánh” mới – Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Những ‘điểm sáng’ của Dự Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bàn về hiệu quả của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, dự luật này sẽ là khung khổ pháp lý cao nhất và mang tính liên tục, nhất quán, toàn diện cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dự Luật mới này sẽ giúp phát triển doanh nghiệp gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp này, thông qua việc thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia.
Đặc biệt, dự Luật này sẽ xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Trung ương đến địa phương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trả lời trên báo Đầu tư cho hay, những sự hỗ trợ của luật này không tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi trong dự thảo có phân chia các nhóm doanh nghiệp ở các mức hỗ trợ khác nhau, không tạo ra sự bao cấp cho các doanh nghiệp thiếu năng lực, không có khả năng phát triển và có nguy cơ giải thể, phá sản.
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có tiềm năng được nhận sự hỗ trợ tốt nhất để phát triển, tránh đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp nguy cơ “chết”.
Còn theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Kinh tế chỉ ra rằng, Luật này sẽ cải thiện tỷ suất lợi nhuận của Doanh nghiệp nhỏ và vừa qua chính sách thuế khi giảm tới 4.000 – 5.000 tỷ đồng mỗi năm từ giảm chi phí thuế; nâng số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp từ 52.000 doanh nghiệp hiện nay lên hơn 100.000 doanh nghiệp trong 10 năm tới.
Luật còn giúp mở rộng thị trường và nâng cao cơ hội cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa về khả năng cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước trị giá gần 21 tỷ USD; sẽ có khoảng 40.000 Doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội được cung cấp dịch vụ, sản phẩm qua các hợp đồng mua sắm công trị giá 4,2 tỷ USD.
Ngoài ra, Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tiếp cận thêm ít nhất 397.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và 7.560 tỷ đồng thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng…
Cũng theo ông Bình, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo ra những lợi ích xã hội. Cụ thể, sẽ có khoảng 8,5 triệu việc làm mới, trong đó có khoảng 7,5 triệu việc làm mới từ các doanh nghiệp mới thành lập.
Từ đó sẽ tăng độ che phủ bảo hiểm y tế từ 70 triệu người lên 78,2 triệu người, đạt độ bao phủ 85,5% (so với mức 76,5% hiện nay), tăng độ che phủ bảo hiểm xã hội lên 50% lực lượng lao động và tăng độ che phủ bảo hiểm thất nghiệp lên 35%… Tổng thu nhập tăng thêm của người dân sẽ là 32.600 tỷ đồng…
Liệu có phải là “cứu cánh” thực sự?
Bên cạnh những mong muốn mang lại hiệu quả, dự Luật này cũng mang đến nhiều băn khoăn, lo ngại về quá trình hiện thực hóa, cũng như quan ngại việc ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ vi phạm các cam kết quốc tế tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Như đã nói ở trên, Việt Nam đã triển khai những chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm 2001, nhưng chỉ có 20% được thực hiện có hiệu quả nhất định. Vậy dự Luật mới này liệu có đi vào “vết xe đổ” đó?
Theo ông Châu Minh Nguyện, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, hiện đang có một thực trạng là lãnh đạo và quan chức “xa lánh” những doanh nghiệp ít tiền. Chính điều này gây khó khăn cho thực hiện hóa dự Luật.
Còn theo ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, thì các nội dung hỗ trợ đã được biên soạn khá kỹ nhưng không nên dàn trải mà cần tập trung vào 4 nhóm chính là: Tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường.
Về hỗ trợ tín dụng không phải chỉ liên quan đến ngân hàng mà là quỹ tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa và quỹ bảo lãnh tín dụng. Trong đó, quỹ bảo lãnh phải vận hành với tính chất bảo lãnh chứ không buộc các doanh nghiệp phải thế chấp như chính sách TP Hồ Chí Minh đang vận hành, khiến quỹ hoạt động không hiệu quả.
Kinh nghiệm ở nhiều nước hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công thì tín dụng địa phương đóng vai trò chính trong hỗ trợ tín dụng, vì vậy nên quy định và chế định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do đó, đề nghị đưa thêm vị trí vai trò của Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa để quỹ thành chỗ dựa của doanh nghiệp.
Xoay quanh vấn đề quan ngại việc ban hành Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ vi phạm các cam kết quốc tế tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, ông Lịch khẳng định, việc hỗ trợ hoàn toàn hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, ở đây là hỗ trợ chứ không phải trợ cấp nên không lo bị kiện bán phá giá…
Liệu những cản trở này có được khắc phục, để những đổi mới trong dự Luật hỗ trợ thực sự hỗ trợ hiệu quả cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa có 7 chương với 49 điều. Các nội dung hỗ trợ, gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ năng lực công nghệ; đào tạo, tư vấn và thông tin; mua sắm công; xúc tiến mở rộng thị trường…
Ngoài ra, dự thảo cũng xác định các biện pháp hỗ trợ mang tính chuyên biệt hướng tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng phát triển trong một số ngành, lĩnh vực là lợi thế của Việt Nam…
Có 5 chương trình hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp; tư vấn nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển liên kết ngành và chuỗi giá trị; đổi mới sáng tạo và hỗ trợ hội nhập./.
|
dđdn
|