Chi 20.000 tỷ đồng để làm sống lại các dòng sông
Đó là lời khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại cuộc gặp mặt các đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức hôm nay 11-6.
Trao đổi tại cuộc gặp mặt, có nhiều ý kiến đề cập tới vấn đề môi trường của Hà Nội. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam khẳng định: “Hà Nội có tính đa dạng sinh học rất cao, có những nguồn gen độc đáo mà thế giới không có. Đây chính là nền tảng để Hà Nội phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Tôi đề nghị thành phố là dứt khoát tất cả các hồ ao phải giữ nguyên vẹn, không được lấp cái nào nữa. Hiện nay Hà Nội đã thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có rừng quốc gia Ba Vì và 6 khu bảo tồn bảo vệ nguồn gen. Những nơi này chúng ta không được đụng đến, dù có nghèo đến đâu.”
KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Hà Nội có quy mô dân số 10 triệu người, nhưng Dự án Thoát nước Hà Nội hiện nay chỉ phù hợp với quy mô đô thị 2 triệu dân, nên thành phố phải tính toán với tầm nhìn rộng hơn, nhất là phải khơi thông các dòng sông vành đai như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích. Đồng tình với định hướng xây dựng đô thị xanh của Hà Nội, ông cho rằng đây là xu thế chung của thế giới. Nhưng để thực hiện chủ trương này, thành phố nên ban hành sớm những chính sách khuyến khích cụ thể đối với các dự án, công trình theo xu hướng này.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định rằng, việc thành phố cho xây dựng các công viên tầm cỡ là rất cần thiết, nhưng cũng cần thiết không kém là phải chăm lo cho những vườn hoa, sân chơi nhỏ phục vụ từng khu dân cư. Một ý kiến rất hay của KTS Đào Ngọc Nghiêm là không lâu nữa nhiều vừng ngoại thành như Chương Mỹ, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thường Tín sẽ phát triển thành đô thị, vậy nên các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở những vùng này cũng nên có tính đặc thù riêng.
Đề cập tới những ý kiến góp ý nói trên, trong phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hoàng Trong Hải cho biết, trong kế hoạch sắp tới, thành phố sẽ khắc phục ô nhiễm của 7 hồ chứa và phát triển thêm 25 hồ chứa mới. Cùng với việc xây dựng các công viên lớn gấp 4-6 lần công viên Thống Nhất (200-300 ha), thành phố xác định tận dụng mọi quỹ đất có thể để phát triển khu vui chơi, khu sinh hoạt của người dân. Bí thư Thành ủy nói: “Chúng ta đều biết là nếu không làm thì vĩnh viễn chúng ta sẽ mất những khoảng không gian đó.”
Đặc biệt, theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội sẽ chủ động làm sống lại 9 dòng sông trên địa bàn với nguồn kinh phí dự kiến cho cho việc này khoảng 20.000 tỷ đồng. “Trung ương đã đầu tư tiến hành khắc phục ô nhiễm sông Nhuệ- sông Đáy. Nhưng quan điểm của lãnh đạo thành phố là Hà Nội phải chủ động làm.” Cũng theo Bí thư Thành ủy, quy hoạch thoát nước của thành phố sắp tới cũng sẽ được tính toán với khả năng đáp ứng cao hơn, đối với với những trận mưa lớn hơn thời gian qua.
Võ Lâm
hà nội mới
|