Giá vé máy bay nội địa sắp tăng sau đề xuất của ACV?
Với lý do mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay quốc nội, phí phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh đang thấp hơn tàu bay quốc tế, ACV đã đề xuất điều chỉnh khung giá thu đối với hành khách đi tuyến quốc nội. Nếu đề xuất này được chấp thuận, rất có thể giá vé máy bay tuyến nội địa sẽ tăng.
* Các cảng hàng không ưu tiên cần được đầu tư hơn 26.200 tỷ đồng
* Hé lộ hàng loạt “góc khuất” trước cổ phần hoá của “ông lớn” cảng hàng không
Một cảng hàng không do ACV quản lý.
|
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty Cổ phần (ACV), về cơ cấu, số lượt vận chuyển và sản lượng hành khách quốc nội chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng phục vụ.
Tuy nhiên theo Quyết định số 1992/QĐ-BTC ngày 15/08/2014 ban hành mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam, mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay quốc nội thấp hơn khoảng 2.5 lần tàu bay quốc tế, mức phí phục vụ hành khách cũng thấp hơn từ 2.5 đên 8 lần tùy theo từng sân bay, mức phí soi chiếu an ninh cũng thấp hơn 6 lần.
Trong khi đó, về mặt chi phí đầu tư cảng quốc tế và quốc nội chỉ chênh lệch nhau từ 20- 30%.
Do đó, ACV đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét về việc phê duyệt lộ trình điều chỉnh khung giá thu đối với hành khách đi tuyến quốc nội hiện nay theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa quốc nội và quốc tế xuống từ 2 - 4 lần trong vòng 5 năm sau cổ phần hóa để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư và khai thác tài sản.
Trước mắt, ACV đề xuất xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh khung giá thu theo lộ trình từ 2015-2020 đối với hành khách đi tuyến quốc nội tại một số cảng mới đầu tư, thuộc các địa bàn có kinh tế phát triển, phục vụ khách du lịch có điều kiện về kinh tế nhất định như cảng Nội Bài, Đà Nắng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh, Phú Bài.
Bên cạnh đó, ACV cũng đề xuất Bộ xem xét điều chỉnh cơ chế chiết khấu giá hiện tại, phù hợp với năng lực khai thác của các hãng hàng không nội địa sau khi ACV đã trở thành công ty cổ phần...
Ngoài ra, ACV cũng có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải thông báo về kế hoạch đầu tư các dự án trong giai đoạn 2016 - 2018.
ACV đang chịu trách nhiệm quản lý, khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không, sân bay bao gồm 21 cảng hàng không, sân bay đang hoạt động khai thác và Cảng hàng không Nà Sản đang dừng khai thác.
Trong số các cảng hàng không, sân bay do ACV quản lý có 9 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Vinh) và 13 cảng hàng không nội địa (Điện Biên, Đồng Hới, Thọ Xuân, Tuy Hoà, Phù Cát, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn, Chu Lai, Nà Sản).
Tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không tính đến 31/12/2015 là 80 triệu khách/năm.
Theo ACV, trong giai đoạn 2016 -2018 sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho các cảng hàng không có lượng khách tăng trưởng cao, có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, khai thác hiệu quả, có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn này theo báo cáo của ACV lên tới hơn 26.200 tỷ đồng, trong đó dành khoảng hơn 7,770 tỷ đồng đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thuộc khu bay và hơn 18,430 tỷ đồng đầu tư nâng cấp công trình nhà ga, sân đậu…
Khôi Minh
Vneconomy
|