Doanh nghiệp VN “không dám” lớn lên
Nhiều DN VN hiện nay dù rất thiếu vốn nhưng cái họ sợ nhất là sợ bị kiểm tra như kiểm tra môi trường, kiểm tra lao động... trong khi các chương trình hỗ trợ của Chính phủ thì nhiều nhưng rất khó tiếp cận, thiếu thực tiễn.
Tại hội thảo “Khát vọng VN 2035: phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” do World Bank, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ở TP.HCM ngày 16-6, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp (DN) VN không dám... lớn bởi quy mô càng lớn càng dễ bị thanh tra, kiểm tra càng cao.
Ông Mai Hữu Tín, chủ tịch Tập đoàn U&I, cho rằng không chỉ sợ kiểm tra, các DN nhỏ VN còn sợ DN nhà nước, DN có vốn nước ngoài vì cạnh tranh không bình đẳng, thậm chí giữa các DN nhỏ cũng đang sợ lẫn nhau, đó là lý do làm cho môi trường kinh doanh VN luôn đội sổ trong các cuộc khảo sát gần đây. Nỗi sợ này ám ảnh đến mức dù có thể tích lũy phát triển, phát triển cũng không dám bung hết mình bởi càng lớn càng khổ.
“DN VN phần lớn có quy mô nhỏ do xuất phát điểm thấp, trong khi đó càng nhỏ càng khó hút vốn và nhân sự giỏi. Họ cần thời gian dài để tích lũy vốn, quản trị. Vừa nhỏ, vừa hay sợ, vừa lẻ loi làm sao phát triển khỏe mạnh, bền vững được”, ông Tín nói.
Đồng quan điểm này, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao TP.HCM, nói bản thân DN VN không tin nhau, không kết nối được với nhau, trong khi khả năng, trình độ để bắt kịp hội nhập quốc tế lại hạn chế.
Cũng theo bà Hạnh, nhiều DN VN hiện nay dù rất thiếu vốn nhưng cái họ sợ nhất là sợ bị kiểm tra như kiểm tra môi trường, kiểm tra lao động... trong khi các chương trình hỗ trợ của Chính phủ thì nhiều nhưng rất khó tiếp cận, thiếu thực tiễn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng phòng pháp chế VCCI, cho rằng đây cũng chính là kết quả khảo sát mà VCCI thực hiện năm 2015 về sự hài lòng của DN với cải cách thủ tục hành chính. “Các DN có quy mô doanh thu càng lớn càng dễ bị thanh tra, kiểm tra thuế, điều này khiến DN VN càng ngày càng có nguy cơ bị teo lại”, ông Tuấn nói.
Đại diện một DN kinh doanh nữ trang cho biết khi đi xin giấy phép kinh doanh ở Gia Lai, cơ quan quản lý yêu cầu phải có hợp đồng thuê mặt bằng trong trung tâm thương mại, ra Hà Tĩnh mở chi nhánh thì bị yêu cầu cần phải có biên bản họp đại hội cổ đông! Kinh doanh nữ trang không cần dùng cân vì tính theo món nhưng khi đoàn kiểm tra cho rằng cửa hàng không có cân nên phạt 2,5 triệu đồng. Cơ quan khác bảo vậy là sai, kiện đi!
“Chúng ta cải cách để có luật thông thoáng nhưng con người thực thi không đổi thì môi trường kinh doanh vẫn không thể khá hơn”, ông này nói. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tinh thần kinh doanh VN hiện thụt lùi rất nhiều so với nhiều năm trước. “Nhiều DN muốn phát triển bằng thực lực, nhưng đến khi lớn lên ở một mức nào đó họ lại đem bán đi vì không muốn đi qua con đường thân hữu”, bà Lan nhận định.
N.BÌNH
Tuổi trẻ
|