Nghị sĩ Đài Loan hối thúc điều tra Formosa và cá chết ở VN
Các nghị sĩ Đài Loan yêu cầu chính quyền Đài Loan điều tra về trách nhiệm liên đới của Formosa trong vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam.
* Cá chết – nhìn từ góc độ khác
* Nhà máy Formosa Hà Tĩnh hoãn khánh thành, chưa hoạt động
Một người dân chìa ra con cá chết ông nhặt được trên bờ biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Dailymail
|
Theo AFP, yêu cầu này được các nghị sĩ trong cơ quan lập pháp của Đài Loan đưa ra hôm qua, 16-6, trong bối cảnh các nhà hoạt động môi trường cho rằng, việc xả thải công nghiệp từ nhà máy thép của Formosa rất có thể đã gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung Việt Nam.
Theo đó, các nghị sĩ khuyến cáo nếu Formosa là nguyên nhân gây ra việc hàng tấn cá chết dạt vào bờ biển miền Trung Việt Nam hai tháng trước sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chính sách thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á để giảm dần lệ thuộc nền kinh tế Đài Loan vào Trung Quốc của bà Thái Anh Văn, tân lãnh đạo Đài Loan.
Nghị sĩ cao cấp Su Chih-feng của đảng Dân Tiến cho rằng, nếu chính phủ mới của Đài Loan không giải quyết một cách thận trọng trước những bức xúc lan rộng của cộng đồng người Việt Nam về sự việc sẽ không thể khép lại những rắc rối này.
Formosa là tập đoàn từng dính đến nhiều vụ bê bối môi trường toàn cầu, từ Texas (Mỹ) cho tới Sihanoukville của Campuchia. Tập đoàn này cũng từng bị cáo buộc gây ô nhiễm ngay tại Đài Loan, trong đó có vụ liên quan tới một tổ hợp nhà máy hóa dầu tại vùng Yunlin phía nam Đài Loan.
Chủ tịch Hội luật gia môi trường Chang Yu-yin cho rằng chính quyền tại Đài Loan cần vào cuộc và buộc Formosa phải tuân thủ “các tiêu chuẩn về lao động, nhân quyền và môi trường theo thông lệ quốc tế”.
Ông Peter Nguyen, một mục sư người Việt Nam cư trú tại Đài Loan, cho rằng chính quyền của bà Thái Anh Văn cần phải đảm bảo rằng nếu thực sự Formosa gây ra vụ việc, họ phải có trách nhiệm giải quyết thảm họa môi trường và đền bù thiệt hại đầy đủ cho những người bị ảnh hưởng tại Việt Nam.
“Việt Nam cần đầu tư nước ngoài nhưng sự đầu tư đó phải có lợi cho cả hai phía. Nếu môi trường và người dân của chúng tôi bị ảnh hưởng, điều đó sẽ tạo ra những thách thức và rắc rối cho các dự án đầu tư khác của Đài Loan vào Việt Nam”, ông Peter Nguyen nói.
Đài Loan và Việt Nam tuy không có các quan hệ ngoại giao chính thức nhưng vẫn là những đối tác thương mại gần gũi của nhau. Hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Đài Loan, hoặc theo diện kết hôn hoặc theo diện lao động xuất khẩu.
D. KIM THOA
tuổi trẻ
|