Chuyển động cổ phiếu tuần 09-13/05:
TTF đổi chủ và “nốt thăng” của STB
Trong tuần giao dịch từ 09-13/05, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn góp mặt trong top đầu về tăng điểm nhưng dòng tiền thì vẫn tăng trưởng ở chủ yếu là nhóm cổ phiếu thị giá thấp.
Tuần giao dịch qua khép lại với sự thành công dành cho chỉ số HNX-Index khi đóng cửa tuần tăng 1.11%, dừng ở 81.27 điểm. Trong khi đó, chỉ số VN-Index chỉ tăng 0.71% đứng tại 610.82 điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với tuần trước, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt 102.1 triệu đơn vị/phiên, giảm mạnh 16.21% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 37.9 triệu cổ phiếu/phiên giảm 6.9%.
Đáng chú ý, giao dịch sôi động trong tuần chủ yếu tập trung ở cổ phiếu thị giá thấp, chẳng hạn như SAM, PTL, UDC, TSC, PPI, ITA, VIP, IDI…và một vài cổ phiếu Mid Cap như DCM, STB, TTF, SSI, SBT… Trong đó, dòng tiền tăng mạnh nhất ở cổ phiếu SAM với mức tăng hơn 272%, từ 330,000 đơn vị để lên mức trung bình hơn 1.2 triệu đơn vị/phiên. Thông tin đáng chú ý của SAM trong giai đoạn này đến từ giao dịch các cổ đông nội bộ như CTCK Phố Wall (WSS) đã thoái hết 4.53% vốn trong khi Chủ tịch đã mua vào 1.7 triệu cp để nâng sở hữu lên hơn 5%. Về kết quả kinh doanh của SAM thì thực sự không như mong đợi khi hợp nhất quý 1 lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu Mid Cap bị dòng tiền rời bỏ nhiều nhất, phải kể đến như NBB, HAG, HBC, DLG, KDC, PPC, CSM, DRC hay cả ông lớn MBB và MSN.
Trong đó, giảm mạnh nhất thuộc về NBB khi khối lượng giao dịch trung bình chỉ còn gần 107,000 cp/phiên, giảm 79% so với tuần trước đó là hơn 505,000 cp/phiên. NBB là một đơn vị có cơ cấu cổ đông khá cô đặc với 6 cổ đông lớn đã nắm gần 73% vốn, trong đó CII nắm gần 20% vốn. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, một vấn đề nổi cộm của NBB chính là câu chuyện trở thành CII Land vẫn chưa được hai bên NBB và CII thống nhất, do đó phải đến năm 2017 mới quyết định tiếp.
Song, câu chuyện nổi bật nhất trong tuần qua lại đến từ một ông lớn ngân là STB. Theo đó, STB có thanh khoản tăng vọt từ hơn 510,000 đơn vị/phiên lên mức trung bình 1.1 triệu đơn vị/phiên. Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 12 và 13/05, khối lượng giao dịch khớp lệnh của STB lên đến gần 2 triệu và 2.7 triệu đơn vị/phiên cùng với giá tăng kịch trần.
Theo đó, STB kết thúc tuần trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất toàn thị trường tuần qua với mức tăng gần 14%, lên mức gần 11,700 đồng/cp sau thời gian dài giao dịch trên ngưỡng 10,000 đồng/cp. Và trong khoảng thời gian này thì STB chỉ có thông tin hỗ trợ là cùng ba ngân hàng Resona Bank Ltd., Saitama Resona Bank Ltd. và The Kinki Osaka Bank Ltd. (trực thuộc Resona Holdings – Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác nhằm phát triển hệ khách hàng của các bên trong thời gian sắp tới.
Một câu chuyện khác không thể bỏ qua trong tuần rồi chính là TTF khi thanh khoản tăng 60% (chỉ tính giao dịch khớp lệnh) và giá cổ phiếu tăng hơn 8%. Giao dịch của TTF trong tuần nổi bật với hai phiên có thỏa thuận khủng gần 73 triệu đơn vị (ngày 09/05 gần 31 triệu cp và ngày 11/09 có gần 42 triệu cp) được sang tay, tương ứng khoảng 50% vốn điều lệ hiện tại của TTF. Tổng giá trị giao dịch thỏa thuận 2 phiên này đạt hơn 1,830 tỷ đồng.
Đây chính là giao dịch của CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát - công ty con của VIC. Theo đó, Tân Liên Phát vừa công bố đã mua hơn 72 triệu cp TTF, qua đó nắm giữ 49.9% vốn TTF.
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của TTF, cổ đông đã thông qua việc chuyển nhượng vốn của 12 cá nhân cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (TLP) - công ty con 100% vốn thuộc Tập đoàn Vingroup (VIC) với tổng khối lượng khoảng 79 triệu cp, ứng với 56.4% vốn hiện tại (140 triệu cp).
Còn nếu xét về giá trị tuyệt đối, TSC, FLC, HQC, HPG và BID là 5 mã có thanh khoản cao nhất sàn HOSE. Trong đó, TSC đột biến nhờ thông tin CTCP Đầu tư F.I.T (HOSE: FIT) đã quyết định mua vào từ 10 đến 30 triệu cổ phiếu.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Trên HNX chỉ có HKB có khối lượng giao dịch tăng đột biến trên 100%. Và cũng như sàn HOSE, dòng tiền tăng chủ yếu thuộc nhóm đầu cơ như APS, ASA, ACM, DCS, ITQPVL, LIG… Trong khi SVN, TNG, S99, CEO, PVX, SGO… lại bị dòng tiền rút ra khá mạnh.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
Đối với giao dịch khối ngoại, họ bán ròng trên HOSE với 232 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với 64.7 tỷ đồng. Tuy nhiên loại bỏ giao dịch thỏa thuận ròng đột biến ở HPG và VIC thì khối ngoại vẫn mua ròng gần 322 tỷ đồng trên HOSE. Lực mua của khối ngoại phân bổ khá đều ở nhóm cổ phiếu bluechip và trụ cột. Dù không tạo ảnh hưởng mạnh lên chỉ số thị trường nhưng lực mua của khối ngoại cũng đã hỗ trợ đáng kể cho tâm lý giới đầu tư.
Trên HOSE, lực bán ròng tập trung mạnh nhất là ở HPG với 302 tỷ đồng, tiếp theo là VIC với 206 tỷ đồng, KSB với 64.6 tỷ đồng, SSI với 27.8 tỷ… Về phía mua ròng là các mã như GAS với gần 69 tỷ đồng, tiếp theo là MSN với 53.6 tỷ, CII với 42.4 tỷ đồng...
Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVS với 34 tỷ đồng, PLC với 11 tỷ đồng và NET với gần 7.3 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở KLS và VCG với 3.2 tỷ và 1.9 tỷ đồng.
Tuần qua, các cổ phiếu tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là STB, KPF, DHM, TSC và PTL.
|