Thứ Bảy, 14/05/2016 10:35

Vì sao thị trường chứng khoán chưa phát huy vai trò huy động vốn?

Vì sao thị trường chứng khoán (TTCK) được đánh giá là kênh huy động vốn trung và dài hạn chính cho nền kinh tế nhưng lại chưa phát huy được hết vai trò này?

Tại buổi thảo luận với chủ đề “Thị trường tài chính & Huy động vốn” do diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2016 tổ chức diễn ra ngày 12/05/2016, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến TTCK chưa phát huy vai trò huy động vốn vẫn nằm ở câu chuyện thanh khoản thấp, khiến nhà đầu tư (NĐT) chưa thể đặt niềm tin lớn hơn tại thị trường này.

Theo thống kê có được thì vốn hóa TTCK Việt Nam khoảng 60-65 tỷ USD, so với GDP 200 tỷ USD thì được xem là nhỏ bé. Ông Johan Nyvene - TGĐ CTCK TP HCM (HCM) đánh giá, tại các nền kinh tế phát triển thì vốn hóa thị trường phải bằng ít nhất 100% hoặc hơn so với GDP.

Mặc dù TTCK đã phát triển, đáp ứng được phần nào nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp nhưng trong khoảng 3-5 năm gần đây, chứng khoán Việt Nam khá ì ạch, thanh khoản chưa dồi dào, vốn hóa còn thấp. Cụ thể, năm 2014, giá trị giao dịch bình quân/ngày khoảng 3,000 tỷ đồng, tương đương 150 triệu USD; năm 2015 là 2,600 tỷ đồng, khoảng 130 triệu USD; từ đầu năm 2016 đến nay, bình quân khoảng 2,700 tỷ đồng. Nếu so sánh 130 triệu USD giá trị giao dịch bình quân/ngày với vốn hóa TTCK 65 tỷ USD là rất nhỏ. Chính vì vậy, các NĐT khi tham gia thị trường họ có “nghi ngờ”, không đặt niềm tin lớn hơn tại TTCK Việt Nam, bởi họ tạm gọi TTCK là chợ chứng khoán, chỉ với vài món đồ chưa phong phú, ít người mua, ít người bán thì khó có thể thuyết phục NĐT tham gia giao dịch.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng như UBCK NN và các Sở GDCK đã và đang có những hành động giúp thị trường đa dạng hơn, trong đó có việc đưa ra các sản phẩm mới, chuẩn bị cho giao dịch trong ngày, các sản phẩm chứng khoán phái sinh… Tuy nhiên, theo ông Johan, đó mới chỉ là công cụ hỗ trợ, còn bản chất của riêng thị trường cổ phiếu hiện nay vẫn đang ít người mua và người bán, do đó dễ dẫn đến sự chênh lệch giá lớn. Người bán thì sợ bán giá thấp còn người mua sợ giá đang cao, vì thế thanh khoản thị trường không thể cải thiện được.

Theo thống kê của HCM, tại Việt Nam, trung bình năm qua chỉ có 15-17% sự tham gia của tổ chức (và là tổ chức nước ngoài), còn lại là các NĐT trong nước (chủ yếu là cá nhân). Vậy tìm kiếm người mua và người bán ở đâu? Người mua ở đây phải được hiểu là những tổ chức lớn, là các quỹ như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu cơ… Trong khi đó, tại thị trường trong nước, hiện quỹ hưu trí bắt buộc thuộc quản lý Nhà nước, quỹ hưu trí tự nguyện chưa hình thành, các quỹ bảo hiểm gần như không chấp nhận rủi ro để đầu tư vào cổ phiếu….

Điều đó cũng đối nghĩa với việc dù cho nguồn tiền nhàn rỗi trong dân được đánh giá là đang rất lớn, chỉ cần nhìn vào lượng kiều hối chính thức gửi về hàng năm là 10-12 tỷ USD, lượng vàng dự trữ trong dân ước đoán cả ngàn tấn… nhưng vẫn chưa có cách nào để chảy vào TTCK.

Tại buổi thảo luận, một đại diện từ quỹ đầu tư cho biết, vốn huy động từ 3 kênh ngân hàng, trái phiếu và TTCK đều có sự liên hệ đến nhau và việc phân bổ vốn trong xã hội vẫn còn bất cập, môi trường hiện tại không khuyến khích NĐT chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Chẳng hạn khi đầu tư cổ phiếu, mục tiêu ban đầu là dài hạn nhưng khi cổ phiếu tăng đến tỷ lệ nào đó, lợi thế so sánh của công ty không thể duy trì lâu dài nên cũng không khuyến khích được NĐT tiếp tục nắm giữ. Có những DN định hướng phát triển 5 năm, nhưng khi được hỏi 5 năm sau công ty sẽ phát triển ra sao cũng không rõ thì không thể thuyết phục NĐT. Do vậy, có quỹ đầu tư có thể huy động được 600 tỷ đồng nhưng chưa chắc đầu tư quá 5% vào cổ phiếu.

Về dòng tiền khối ngoại, thường những tháng đầu năm rót vào TTCK cao, nhưng chỉ khoảng tháng 6-7, khi đạt tỷ lệ lợi nhuận nhất định thì họ rút vốn. Các năm sau cũng lặp lại chu kỳ như vậy, vì theo họ, nếu để tiền ở thị trường Việt Nam không chắc lợi thế được duy trì lâu dài. Do vậy, điều cần cho thị trường bây giờ là chính sách phân bổ nguồn vốn như thế nào để giúp DN phát triển, tạo môi trường đầu tư, khuyến khích để NĐT có thể chấp nhận rủi ro hơn.

Song, không phải doanh nghiệp nào cũng bế tắc trong chuyện huy động vốn trên TTCK. Ông Nguyễn Văn Sang – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư F.I.T (HOSE: FIT) cho biết, giai đoạn mới thành lập Công ty cũng gõ cửa nhiều nhà băng để xin tài trợ cho các dự án nhưng không được quan tâm.

Mặc dù vậy, FIT vẫn kiên trì và tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Công ty, thực hiện minh bạch hóa thông tin… Kết quả công ty huy động hơn 3,000 tỷ đồng, vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng, VCSH 200 tỷ đồng thì nay tổng tài sản hơn 4,300 tỷ đồng, VCSH hơn 2,000 tỷ đồng./.

Các tin tức khác

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 16/05 (16/05/2016)

>   Tích lũy và Phân phối: Từ lý thuyết đến thực tế (13/05/2016)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 13/05/2016: Test vùng 615-620 điểm (13/05/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 13/05: VN-Index giữ vững mốc 610 (13/05/2016)

>   HNG chia tay MSCI Frontier Markets Index, vào rổ tính chỉ số vốn hóa nhỏ cùng SBT (13/05/2016)

>   13/05: Bản tin 20 giờ qua (13/05/2016)

>   CTCK Quốc tế Việt Nam cho vay margin khi chưa báo cáo lên UBCK (12/05/2016)

>   1 nhà đầu tư bị phạt 550 triệu đồng vì sử dụng 9 tài khoản để thao túng giá VID (12/05/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 13/05 (13/05/2016)

>   DDV: Chấp thuận hợp đồng ủy thác xuất khẩu 1,000 tấn DAP với XNK Quảng Bình (12/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật