Thứ Bảy, 21/05/2016 18:58

Trò chơi tài chính và chuyện kẻ ăn ốc – người đổ vỏ tại Eximbank: Tiếng nói người trong cuộc

Bầu cử nhân sự cấp cao Eximbank (EIB) chưa bao giờ nóng như lúc này, khi thời điểm tổ chức lại ĐHĐCĐ thường niên 2016 lần 2 chỉ còn đếm từng ngày. Một lần nữa, người trong cuộc vẫn khẳng định EIB hiện tại không hề khủng hoảng nhận sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao.

“Chúng tôi không che đậy, bới móc vấn đề của HĐQT cũ”

Ngày 21/05/2015, chia sẻ với báo chí trước khi diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2016 lần 2 (ngày 24/05), ông Ngô Thanh Tùng-Thành viên HĐQT EIB đề cập khá nhiều vấn đề xoay quanh nhân sự mới và cũ của EIB trong thời gian qua.

Câu hỏi do đại diện của chính EIB, ông Ngô Thanh Tùng – Thành viên HĐQT đặt ra và khẳng định lại “Liệu đây có phải là cuộc đấu tranh quyền lực giữ ghế của tất cả thành viên HĐQT không? Tôi xin chia sẻ là không hề có chuyện đấy”.

“Việc cải cách EIB để trở lại quỹ đạo phát triển cũ sẽ phải mất nhiều năm nữa, không phải một sớm một chiều nên đây không phải là điều thú vị. Việc thay đổi tư duy cũ và mới trong từng con người đã khó huống chi là thay đổi nếp cũ của một tổ chức lớn sang nếp mới”.

“Chúng tôi có những minh bạch trong quá khứ, chúng tôi không che đậy, bới móc vấn đề của HĐQT cũ”, ông Tùng chia sẻ.

Cùng với đó, việc sa thải nhân viên, hạ lương trong thời gian qua theo ông Tùng là do EIB mong muốn người có năng lực tham gia vào Ngân hàng. Môi trường làm việc trong quá khứ khiến nhân viên sợ trách nhiệm, không thể phát triển khả năng. Lằn ranh quyết định đúng hay sai không dễ dàng, sai thì bị trách nhiệm cá nhân trong khi đúng chưa chắc được ghi nhận.

* Cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo do lỗ lũy kế hơn 817 tỷ đồng

Nhóm cổ đông lớn mua phiếu bầu trước đại hội lần 2?

Còn 3 ngày nữa (24/05) EIB sẽ tổ chức đại hội thường niên 2016 lần 2, ông Tùng cho biết, hôm qua (20/05) một số cổ đông sáng lập đã về hưu cho hay hiện có một số nhóm cổ đông tiến hành mua phiếu bầu đại hội bằng nhiều cách từ thuyết phục đến hăm dọa. Trước sự việc này, đại diện EIB cho biết sẽ nhờ đến cơ quan pháp luật giám sát. “Yếu tố pháp luật, phương cách làm đúng hay sai thì cơ quan chức năng sẽ có đủ phương tiện thẩm tra. Bên cạnh đó là việc xác định quá trình tiến hành này có ngay tình hay không. Với cách hành sự bỏ tiền mua quyền biểu quyết rẻ hơn so với mua cổ phiếu; nếu tiến hành nhiều tiểu tiết, thủ thuật như vậy thì đây là điều đáng quan ngại về mặt hành xử và đạo đức nghề nghiệp”.

EIB đã bất thành trong ĐHĐCĐ thường niên 2016 lần 1 khi tỷ lệ tham dự chỉ đạt 50.08%. Một trong những nguyên nhân chính là việc có 2 nhóm cổ đông lớn, đại diện là bà Nguyễn Thị Xuân Loan (nguyên là Chủ tịch NamABank) và ông Phạm Hữu Phương (nguyên Trưởng VPĐD NHNN tại TPHCM) đã có mặt nhưng lại không đăng ký tham dự. Tuy nhiên, nhiều tin đồn bên ngoài cho rằng nhóm cổ đông của ông Phương đã có đăng ký tham dự và liệu tỷ lệ 50.19% là do sự thiếu hụt từ nhóm cổ đông lớn khác không? Trả lời điều này, ông Tùng xác nhận là nhóm cổ đông của ông Phương hoàn toàn không đăng ký tham dự, kết quả kiểm tra được công bố rõ ràng, công khai và minh bạch.

Một câu hỏi được đặt ra trong buổi gặp mặt, liệu NamABank (một ngân hàng quy mô nhỏ hơn EIB) có thâu tóm EIB hay không? Trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng có trường hợp ngân hàng nhỏ thâu tóm ngân hàng lớn, ông Tùng cho biết. NamABank nhận cổ phần EIB do ông Trầm Bê chuyển nhượng, sau khi nhận thì ông Nguyễn Quốc Toàn đã ủy quyền cho bà Loan tham gia vào EIB.

EIB có làm đúng theo nghị quyết đại hội?

Một điểm đáng chú ý khác là việc HĐQT EIB có thực hiện đúng theo nghị quyết của ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào ngày 15/12/2015 hay không, khi mà đến ngày ĐHĐCĐ thường niên 2016, EIB vẫn chưa quyết định được số lượng thành viên HĐQT là 9 hay 11 người?

Ông Tùng cho biết, vấn đề ở đây là phần quy chế tổ chức đại hội bất thường tháng 12/2015 có một câu là “số lượng thành viên HĐQT sẽ được bầu bổ sung trong đại hội gần nhất”, nhưng có yếu tố kỹ thuật là nghị quyết đại hội bất thường đã không có câu như vậy. Tuy nhiên việc này không thể nói là đại hội bất thường không có nghị quyết 11 thành viên HĐQT và không có yêu cầu bầu trong thời gian gần nhất. Ông Tùng giải thích, ngay cả khi có một nghị quyết rõ ràng như vậy thì HĐQT phải có cách hành sự cẩn trọng!

“Chúng tôi được bầu sau đại hội bất thường tháng 12/2015”. “Chúng tôi không phải là người tham dự đại hội đấy. Chúng tôi chỉ nhận được thông tin như vậy!”, ông Tùng cho biết thêm.

Kẻ ăn ốc – Người đổ vỏ?

Ông Tùng đánh giá HĐQT hiện tại đang làm việc hiệu quả và phù hợp với thông lệ. Hai lá thư của nhóm cổ đông bà Loan và ông Phương đề nghị bổ sung 2 thành viên HĐQT (vào ngày 24/03/2016) là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, ngay khi nhận được hồ sơ của bà Loan về thành viên được đề cử vào HĐQT thì HĐQT EIB đã họp vào ngày 15/02/2016 để bàn vấn đề này. Qua đó, HĐQT đánh giá việc bầu cử không hề đơn giản, phải xem xét, đánh giá, sau đó chọn lựa để trình NHNN.

Khó khăn ở đây là tình hình tài chính hiện tại của EIB không được dư giả và các thành viên HĐQT đang làm việc không có thù lao. Nếu kéo dài như vậy sẽ bất ổn. Trường hợp chi trả xứng đáng và số lượng thành viên tăng lên sẽ gia tăng gánh nặng tài chính cho Ngân hàng, giảm đi sự bù đắp thỏa đáng cho ban điều hành. Bên cạnh đó, trong quá trình cải cách, EIB mong muốn tìm những thành viên HĐQT có chung tầm nhìn và quyết tâm. “Vì chỉ cần đụng đến 1 cán bộ làm việc không hiệu quả và phản ánh lên 1 thành viên HĐQT nào đó thì HĐQT phải loay hoay giải quyết những mối quan hệ nội tại với nhau, rất mệt mỏi”, ông Tùng chia sẻ.

Số lượng thành viên HĐQT là 9 hay 11, điều này do ĐHĐCĐ quyết định nhưng trách nhiệm của HĐQT là phải đưa ra đánh giá số lượng bao nhiêu là đủ.

Mặt khác, theo ông Tùng, nhóm cổ đông đại diện cho ai không quan trọng, “chúng tôi không đi theo nhóm cổ đông nào, chúng tôi hành động vì lợi ích của ngân hàng và minh bạch. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận việc kẻ ăn ốc - người đổ vỏ, làm công cụ cho bất kỳ nhóm cổ đông nào”.

* Eximbank: Còn tồn tại, sai sót từ 2015 và trước 2014 chưa khắc phục

Vừa qua, với khoản lỗ lũy kế và cổ phiếu EIB bị đưa vào cảnh báo, giải thích về khoản lỗ, Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính EIB cho hay, trước đây khi mới thành lập, tài sản EIB mua có giá trị rất thấp. Đến năm 2010, EIB có ý định đầu tư xây dựng và tiến hành hợp tác với một số tổ chức, công ty liên kết. Vì vậy, EIB phải định giá lại tài sản theo giá thị trường và đã bán cho Eximland. Việc bán này đều có các chứng từ rõ ràng, mục tiêu bán là để định giá lại tài sản, chuẩn bị cho những dự án liên kết. Theo đó, khoản lỗ xuất hiện trong năm 2015 được xác định là điều chỉnh hồi tố khoản thu nhập do bán tài sản những năm 2010-2013. Đợt thanh tra năm 2015 có kết luận bán tài sản này đã không được ghi nhận đúng chuẩn mực, yêu cầu EIB ghi nhận lại cho đúng. Do đó, EIB làm việc với công ty kiểm toán và hạch toán khoản lỗ lũy kế, đây là khoản điều chỉnh thu nhập được ghi nhận từ trước chứ không phải lỗ trong năm 2015./.

 

Các tin tức khác

>   OCB tài trợ 300 tỷ đồng cho dự án Gemek Premium của Geleximco (20/05/2016)

>   NHTW Nga chính thức công nhận văn phòng đại diện BIDV tại Nga (20/05/2016)

>   Những ngày giáp hạt (20/05/2016)

>   Hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm nguy? (20/05/2016)

>   Agribank Phú Thọ bán đấu giá nhiều tài sản triệu USD (20/05/2016)

>   Giá vàng và tỷ giá trung tâm đều tăng (20/05/2016)

>   Ngân hàng bị tấn công mạng, tệ hơn vướng nợ xấu (20/05/2016)

>   Lãi suất cho vay sẽ giảm nhờ... VAMC? (20/05/2016)

>   Vẫn tiềm ẩn rủi ro thanh khoản ngân hàng (19/05/2016)

>   VietinBank bán đấu giá gần 17 triệu cp Saigonbank trong quý 2 (19/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật