Những ngày giáp hạt
1. Trong một hội nghị, gặp chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp, ông nói như than: “Hồi nào tới giờ chúng tôi chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất cho ngân hàng để vay ngoại tệ, lãi suất 3%/năm. Khi khách hàng thanh toán, ngoại tệ về, chúng tôi bán ngoại tệ cho ngân hàng. Nay ngân hàng nói theo quy định mới không được vay ngoại tệ, công ty phải chuyển sang vay tiền đồng lãi suất 6%/năm. Chi phí trả lãi của chúng tôi bỗng nhiên tăng gấp đôi”.
Công ty ông xuất khẩu thủy sản, nguyên liệu nuôi trồng và thu mua trong nước. Khi vay ngoại tệ, ông bán cho ngân hàng lấy tiền đồng, trả lương công nhân, mua nguyên liệu chế biến. Doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ, vay ngoại tệ trước cũng giống như được ứng tiền trước vậy, nhưng phải trả lãi. Không biết giá thành một ký lô tôm hay cá hay hải sản xuất ra nước ngoài của những doanh nghiệp như trên nay tăng thêm bao nhiêu vì không được vay ngoại tệ nữa.
Doanh nghiệp tất tả thế, ngân hàng cũng đâu có vui. Buổi chiều lân la với một cô nhân viên quầy giao dịch một tổ chức tín dụng cổ phần, cô thở ngắn thở dài: “Tụi em thuyết phục cách nào khách hàng cũng không chịu gửi tiết kiệm ngoại tệ kỳ hạn. Gửi một tháng cũng không. Mà tiền gửi toàn không kỳ hạn, áp lực với ngân hàng lớn lắm. Lúc nào cũng phải để một khoản to đùng đảm bảo thanh khoản. Họ bảo “cô cứ để không kỳ hạn cho tôi. Lãi suất có đâu mà gửi mấy tháng cho mệt, mất công quá!”. Quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là gửi tiết kiệm ngoại tệ lãi suất 0%, ngân hàng nào dám làm sai?
Đòi hỏi giảm lãi suất ngày càng cấp thiết do tăng trưởng GDP quí 1 năm nay thấp hơn cùng kỳ.
|
2. Chính sách tiền tệ của Việt Nam đang có hai cái nhất. Thứ nhất lãi suất cho vay đồng nội tệ thuộc nhóm cao nhất thế giới. Thứ hai gửi tiết kiệm ngoại tệ lãi suất 0%. Đây là một trong những giải pháp chống đô la hóa của cơ quan quản lý. Nghe thế, một doanh nhân rút ví tiền lấy ra tờ 50 đô la Singapore. Ông kể: “Tôi vừa đi công tác Singapore về, mua bán bất kể thứ gì phải xài đồng đô la Singapore này, đô la Mỹ ở bển coi như thua. Nhưng người Singapore mở tài khoản đô la Mỹ ở ngân hàng thì vẫn có lãi, ít nhiều gì đấy, nhưng có lãi”. “Thiệt không vậy ông?”. “Tôi đã vào ngân hàng hỏi kỹ rồi mà”. Ông thêm: “Chủ trương chống đô la hóa là đúng, tuy nhiên phải có lộ trình để nâng cao giá trị đồng tiền Việt và biến tiền Việt thành đồng tiền chuyển đổi được. Chúng ta đang cần huy động nội lực trong dân, lãi suất 0% làm sao huy động được?”.
Mới đây báo chí tốn bao giấy mực quanh chuyện 7,3 tỉ đô la Mỹ gửi ở nước ngoài. Một quan chức cấp cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng “bật mí” con số ngoại tệ mà các ngân hàng Việt đang gửi ở nước ngoài lớn hơn thế nhiều. Ông tính toán hiện tổng vốn huy động ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khoảng 27-28 tỉ đô la Mỹ, các tổ chức tín dụng vay của nước ngoài tầm 6-7 tỉ đô la Mỹ, cộng với ngoại tệ liên ngân hàng và một số khoản khác, vốn ngoại tệ ở mức đâu đó 39-40 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng dư nợ ngoại tệ hiện còn khoảng 20 tỉ đô la Mỹ, giảm khá so với mức dư nợ 25-27 tỉ đô la Mỹ vài năm trước. Phần ngoại tệ còn lại các ngân hàng gửi ở nước ngoài, trong đó có một phần để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Như vậy, số ngoại tệ các ngân hàng gửi ở nước ngoài phải mười mấy tỉ đô la Mỹ. Chưa kể phần lớn dự trữ ngoại hối của Việt Nam (đang ở mức khoảng 35 tỉ đô la Mỹ theo số liệu mới nhất của NHNN) cũng đang được gửi ở nước ngoài. Liệu có thể sử dụng những khoản ngoại tệ “nhàn rỗi” gửi ở nước ngoài đó để xử lý phần nào câu chuyện trần nợ công không? Xa hơn, số ngoại tệ đó có thể tận dụng cho doanh nghiệp trong nước vay theo một mức hợp lý để nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, đồng thời góp phần vào việc giảm lãi suất vốn đang là gánh nặng cho nền kinh tế?
3. Hai ngày cuối tuần rồi, tỷ giá đô la Mỹ niêm yết bán ra của các ngân hàng tăng 20-30 đồng/đô la Mỹ, lên 22.350 đồng. Một số ngân hàng cho biết nguyên nhân là vì một số ngân hàng cộng với doanh nghiệp mua lại (cover) lượng ngoại tệ đã bán, chẳng là mấy tuần trước lãi suất tiền đồng liên ngân hàng cao, có ngày lãi suất qua đêm gần chạm 4,5-5%/năm. Giờ lãi suất tiền đồng qua đêm liên ngân hàng đã hạ, còn 2%/năm, họ chuyển qua mua ngoại tệ. Kinh doanh ngoại tệ, ngân quỹ của các ngân hàng dạo này giống như thời điểm giáp hạt, lợi nhuận thấp.
Lãi suất - tỷ giá bám nhau, rượt đuổi trên từng cây số. Đòi hỏi giảm lãi suất ngày càng cấp thiết do tăng trưởng GDP quí 1 năm nay thấp hơn cùng kỳ. NHNN còn đang thận trọng cân nhắc có nên giảm dự trữ bắt buộc, có nên tái cấp vốn cho trái phiếu đặc biệt của VAMC. Có nhiều lý do, mà một trong những lý do quan trọng là lạm phát. Chỉ số CPI bốn tháng đầu năm đã tăng 1,44% so với cuối năm ngoái. Những đợt tăng giá xăng, giá dịch vụ y tế và giáo dục đã đẩy CPI tháng 4 cao nhất so với các tháng 4 của nhiều năm. Những lo ngại “bóng ma” lạm phát trở lại không phải không có.
Nhưng cho dù thận trọng tới mức nào, NHNN cũng không thể không phát đi tín hiệu. Chỉ cần dự trữ bắt buộc bước đầu giảm nhẹ 0,5% và tái cấp vốn khoảng 10-20% trong tổng số 207.000 tỉ đồng trái phiếu VAMC mà các ngân hàng đang sở hữu cũng đủ để ánh sáng le lói cuối đường hầm, khơi dậy niềm tin cho doanh nghiệp và nhất là cho người tiêu dùng. Lạm phát của Việt Nam dù muốn hay không vẫn đang chịu tác động trong tầm ảnh hưởng và vận động của lạm phát thế giới với sự xuống dốc của giá hàng hóa, nguyên liệu quốc tế. Lo xa không thừa. Tuy nhiên lo xa quá mức sẽ làm vuột đi những cơ hội sống còn với nền kinh tế.
Hải Lý
TBKTSG
|