Thứ Ba, 31/05/2016 09:54

Thái Lan không lo nợ

Cách đây 18 năm, Thái Lan như muốn chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính “không đáy” cùng với các “con hổ châu Á” khác nhưng cuối cùng cũng đã vượt qua! Các nguyên nhân cũng như các bài học đã được rút ra.

 

Ở bãi xuất khẩu lúa gạo tại tỉnh Chinat. Thái Lan vừa tung tin sẽ xả kho gạo trữ đến 11,4 triệu tấn - Ảnh: Reuters

Chúng ta chẳng vướng nợ nước ngoài là bao, cả bên nhà nước lẫn tư nhân. Chẳng việc gì phải lo lắng...

Veerathai Santiprabhob (thống đốc Ngân hàng Nhà nước Thái Lan)


Trước những lo lắng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ điều chỉnh lãi suất vào ngày 1-6 và sẽ tác động bất lợi đến các thị trường tài chính thế giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Thái Lan Veerathai Santiprabhob đã quả quyết: “Thái Lan thừa sức vượt bão toàn cầu trong khi nhiều nước - thị trường mới nổi đang nhạy cảm hơn trước những diễn biến trong các thị trường tài chính và vốn toàn cầu”.

Ông cũng quả quyết “không có vấn đề gì về thanh khoản", tức Thái Lan dư tiền để trả nợ!

Không vay ODA

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Thái Lan không nói quá: nợ nước ngoài của Thái Lan tính đến cuối năm ngoái, theo Ngân hàng Nhà nước Thái, là hơn 129 tỉ USD, tương đương 32% GDP (thấp hơn nhiều so với Việt Nam), trong đó nợ ngắn hạn là 51,3 tỉ USD, còn nợ dài hạn 78,1 tỉ USD.

Dò trên cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới sẽ thấy phần nợ của Chính phủ Thái cộng các khoản vay được nhà nước bảo lãnh cũng chỉ mới 33,4 tỉ USD trên tổng số hơn 129 tỉ USD nợ nước ngoài, tức chưa đầy 1/4.

Mặt khác, Thái Lan không còn thói quen vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) để chi tiêu ngân sách: năm 2014 chỉ nhận ODA có 351 triệu USD, trong khi Việt Nam nhận 4,2 tỉ USD (nguồn: http://data.worldbank.org/indicator/DT.ODA.ALLD.CD).

Cách đây 18 năm, Thái Lan như muốn chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính “không đáy” cùng với các “con hổ châu Á” khác nhưng cuối cùng cũng đã vượt qua! Các nguyên nhân cũng như các bài học đã được rút ra.

Có lẽ chỉ cần nêu lại một trong những khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau vụ này: "Quản trị phải được cải thiện trong các lĩnh vực công và doanh nghiệp, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nhiều khó khăn gần đây nảy sinh từ sự can thiệp sâu rộng của chính phủ vào nền kinh tế, cũng như nạn “bảo kê” chính trị rộng rãi, nạn gia đình trị và thông lệ kế toán lỏng lẻo.

Để niềm tin được khôi phục, các nhà lãnh đạo chính trị phải phát ra tín hiệu rõ ràng rằng sự lạm dụng như vậy sẽ không còn được dung thứ” (Nguồn: The Asian Crisis: Causes and Cures - IMF Staff).

Chi tiêu minh bạch

Cho dù trong thực tế, khuyến cáo trên của IMF chưa được thực thi đầy đủ, đặc biệt dưới trào gia đình Shinawatra nhưng trong một mức độ nào đó, chi tiêu ngân sách của chính quyền Bangkok cũng có thể được đánh giá là có công khai, minh bạch.

“Độ mở của ngân sách” được Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) cho điểm 42/100 kèm nhận xét “có mở đôi chút” (so với nhận xét “ít ỏi hoặc không chút nào” ở vài nước Đông Nam Á khác), cùng vị trí 76/168 trên bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng.

Tối thiểu, các chi tiêu ngân sách cũng được bàn cãi trong một quốc hội vốn dĩ quen “không ai nhường ai” giữa các đảng phái đối nghịch.

Tất nhiên, ở Thái cũng có một số tập đoàn nhà nước như điện, hàng không, thuốc lá, rượu, cảng hàng không và hàng hải, ngân hàng... nhưng không tràn lan đến tận từng bộ cũng như đã được cổ phần hóa, nên ít rơi vào tình trạng “con thuyền không đáy”.

Kết quả là việc kiểm soát ngân sách ở Thái Lan được đánh giá là “tuyệt vời”: nợ công của Thái Lan là thấp so với các chuẩn của thế giới (Public administration in Southeast Asia: Thailand, Philippines, Malaysia, Hong Kong and Macao, edited by Evan M. Berman).

Mặt khác, ngân sách ở Thái Lan không phải gánh vác những chi tiêu đoàn thể, hội đoàn, cũng như những khoản chi lễ lạt địa phương, cục bộ vô bổ, ngoại trừ các lễ lạt hoàng gia...

Việc xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách hằng năm được tính toán bởi bốn cơ quan là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Hội đồng Kinh tế và phát triển xã hội quốc gia cùng Tổng cục Ngân sách, dựa trên Kế hoạch phát triển quốc gia, sau đó khung ngân sách phải được quốc hội phê duyệt, rồi được dùng làm văn kiện hướng dẫn việc chi tiêu của chính phủ.

Các bộ trưởng không những không thể chi vượt trần đã được thỏa thuận, mà còn phải thương thuyết với các đảng cùng liên minh cầm quyền xem chi ngân sách đã được quốc hội duyệt như thế nào... (Nguồn: “Political Determinants of Government Budget Allocation in Thailand” - School of Development Economics, National Institute of Development Administration).

Đó chính là lý do Thái Lan không sợ vỡ nợ nước ngoài. Và đó cũng là lý do tại sao thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vốn có chân trong bộ máy thiết kế ngân sách, đứng ra trấn an thị trường tài chính.

DANH ĐỨC

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Vàng sắp ghi nhận tháng sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2015 (31/05/2016)

>   Bà Tymoshenko cáo buộc Chính phủ Ukraine "đi đêm" với IMF (31/05/2016)

>   Kỷ nguyên mới cho các công ty đa quốc gia siêu nhỏ (31/05/2016)

>   Hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh ngừng các chuyến bay tới Venezuela (31/05/2016)

>   Ukraine nêu các lý do khước từ trả khoản nợ 3 tỷ USD cho Nga (31/05/2016)

>   Những yếu tố giúp Chile tránh được "bẫy thu nhập trung bình" (30/05/2016)

>   Hàn Quốc dự định cấp ODA trị giá gần 2,3 tỷ USD năm tới (30/05/2016)

>   Vì sao Moody’s dự báo Hillary Clinton sẽ đánh bại Donald Trump? (30/05/2016)

>   Quan chức Fed: Thế giới sẵn sàng đón nhận làn sóng tăng lãi suất (30/05/2016)

>   Đồng nhân dân tệ chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm (30/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật