Những yếu tố giúp Chile tránh được "bẫy thu nhập trung bình"
Chile không có lợi thế đặc biệt về địa lý hay tài nguyên thiên nhiên, nhưng là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh tránh được "bẫy thu nhập trung bình."
Các cải cách từng bước theo hướng thị trường dưới sự giám sát phù hợp của chính phủ, một bộ máy hành chính và hệ thống tư pháp minh bạch và hữu hiệu, hệ thống an sinh xã hội hiệu quả và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phát triển mạnh, cùng với ngoại thương đã giúp Chile đạt mục tiêu trên.
Chile là nước đầu tiên ở Nam Mỹ gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, với nhiều chỉ số, như thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ và tỷ lệ tử vong ở trẻ em, gần đạt mức tương ứng của các quốc gia phát triển.
Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng mà ở đó tăng trưởng kinh tế của một quốc gia giảm tốc và cuối cùng là trì trệ. Theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đạt GDP bình quân đầu người trên 12.000 USD và duy trì sự phát triển bền vững sẽ thoát khỏi cái gọi là "bẫy thu nhập trung bình."
WB cho biết GDP bình quân đầu người của Chile tăng từ mức 1.415 USD năm 1978 lên 14.000 USD năm 2014 và nước này có tên trong danh sách các quốc gia thu nhập cao vào năm 2013.
Chìa khóa thành công của Chile được cho là ở sự cân đối giữa cải cách và kiểm soát kinh tế vĩ mô của chính phủ. Chile trung thành với các cải cách định hướng thị trường và kiên định các chính sách mở cửa để nâng cấp mô hình phát triển ở một thời điểm thích hợp. Trong khi đó, chính phủ nước này kiểm soát tốc độ thực hiện các cải cách, đảm bảo sự liên tục và nhất quán của các chính sách kinh tế vĩ mô và tiếp tục các chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng.
Kể từ những năm 1980, Chile đã từng bước thực hiện các cải cách tài chính. Nước này đã chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế có kiểm soát sang nền kinh tế thị trường, từ giai đoạn kiểm soát tài chính sang giai đoạn củng cố tài chính, trong khi cũng dần dần chuyển tỷ giá cố định thành tỷ giá thả nổi.
Chile đã trở thành một trong những nền kinh tế được thị trường hóa nhất ở Mỹ Latinh, với hệ thống tài chính mở nhất. Sự can thiệp vào nền kinh tế của nhà nước ở Chile được thực hiện thận trọng - điều giúp xây dựng một nền kinh tế quốc gia vững mạnh.
Về quản lý nhà nước và quản lý xã hội, Chile đã xây dựng một hệ thống chống tham nhũng hiệu quả và thiết lập một hệ thống an sinh xã hội có hiệu lực. Từ những bài học về tham nhũng trước đây, Chile đã phát triển một hệ thống chống tham nhũng với một bộ phận kiểm toán độc lập và quyền lực. Chính phủ nước này cũng trả lương cao cho công chức và cảnh sát. Nếu họ bị phát hiện nhận hối lộ, lương và các bổng lộc hấp dẫn sẽ bị tước đi.
Chile bắt đầu tư nhân hóa quỹ hưu trí vào những năm 1980. Một loạt chính sách quản lý nhà nước và quản lý xã hội hiệu quả đã đưa đến các kết quả tích cực như gia tăng các nhóm thu nhập trung bình và giảm tỷ lệ người dưới mức nghèo.
Chile cũng thúc đẩy tự do thương mại và ký các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, với chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp Chile cạnh tranh trên trường quốc tế. Giảm thuế để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, giảm số doanh nghiệp lớn và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các chính sách tạo thuận lợi là điều nổi bật trong cách Chile tạo điều kiện cho sự phát triển của lĩnh vực kinh doanh.
Năm 2010, Chính phủ Chile đã đưa vào thực hiện một loạt chương trình, bao gồm việc hoàn thiện hệ thống thu mua công và cải thiện môi trường tài chính cho các SME./.
Lê Minh
Vietnam+
|