Vì sao các NHTW giờ đây không thể “đơn thương độc mã” được nữa?
Qua những tín hiệu từ cuộc họp của nhóm G7 và kết quả của vòng đàm phán mới nhất tại châu Âu về vấn đề Hy Lạp, quan chức của các nước tiên tiến ngày càng hiểu rằng những vấn đề mà nền kinh tế của họ đang đối mặt đòi hỏi cần phải có một phản ứng mới hơn so với những công cụ ngắn hạn được sử dụng lâu nay.
Trước khi các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau ở Nhật Bản, một vài quốc gia thành viên đã cho thấy họ hiểu rằng những ý kiến về chính sách chung và riêng của mình cần thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại. Nước Đức cảnh báo về chuyện quá lệ thuộc vào các Ngân hàng Trung ương (NHTW), đồng thời nhấn mạnh về sự cần thiết phải cải tổ cơ cấu. Trong khi đó, Canada và Nhật Bản hối thúc việc sử dụng một chính sách tài chính sáng tạo và mạnh mẽ hơn. Còn Mỹ thì cảnh báo Nhật Bản cần phải cưỡng lại sự “cám dỗ” của việc can thiệp phá giá đồng JPY.
Đầu tuần này, các đối tác châu Âu của Hy Lạp kết luận rằng họ cần có một sự tập trung hơn vào chuyện giảm nợ cho nền kinh tế bị nhiều chỉ trích ấy. Trong một cuộc điện đàm với phóng viên Bloomberg, một quan chức giấu tên của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cho biết các bên liên quan đều đồng tình rằng món nợ của Hy Lạp là “rất không bền vững” và cần phải được giảm nợ. Ngoài ra, quan chức này còn nói rằng các đảng phái hiện tại đã “chấp nhận phương thức sẽ được dùng để xác định mức giảm nợ cần thiết. Họ chấp nhận các mục tiêu về nhu cầu tài chính tổng quát trong ngắn hạn và dài hạn. Họ thậm chí còn chấp nhận các quãng thời gian rất dài mà theo đó món nợ này phải được thanh toán đầy đủ cho đến năm 2060”.
Những điều trên cho thấy sự tiến triển quan trọng trong tư duy của họ. Họ đang thay đổi một cách quyết đoán hơn, hướng về tình hình hiện thực và cấu trúc, và tránh xa khỏi một sự tập trung quá mức vào những chuyện có tính chu kỳ. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi ba điều: i) đà tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng đang tái diễn, mặc cho các chính sách kích thích tiền tệ phi thường, và trong trường hợp của Hy Lạp là các gói giải cứu; ii) lo ngại rằng những lợi ích của việc phát triển NHTW phi truyền thống đang bị thu hẹp bởi nguy cơ thất thoát từ các khoản thế chấp đang tăng cao và những hậu quả không chủ ý; iii) nhận thức được rằng bối cảnh chính trị đang trở nên phức tạp hơn khi những phong trào chống Chính phủ đang đạt được ủng hộ nhất định khi sự mất lòng tin về “những người ưu tú” cả trong Chính phủ lẫn bộ phận tư nhân ngày càng gia tăng.
Người ta hy vọng rằng lối suy nghĩ như thế sẽ dẫn đến việc thực thi những cải tổ cơ cấu có lợi cho đà tăng trưởng, cải cách thuế cùng với việc cắt giảm “thắt lưng buộc bụng”; giảm nợ cho những phân khúc đang vật lộn với món nợ treo lơ lửng; và hợp tác chính sách toàn cầu hiệu quả.
Tuy nhiên, việc biến ý thức tập thể vĩ đại hơn thành những hành động có thể tin được vẫn còn khá rời rạc.
Hãy lấy trường hợp Hy Lạp làm ví dụ. Mặc dù biết rằng nợ đã quá hạn, rằng việc giảm nợ là một điều kiện cần thiết (mặc dù là không đủ) để Hy Lạp có cơ hội khôi phục sức sống tài chính và kinh tế bền vững, nhưng sự nhận thức đó đã không được biến thành hành động rõ ràng.
Kết quả là, IMF không sẵn lòng ủng hộ bằng những khoản vay. Trong khi đó, không thể có chuyện G7 sẽ thực thi một chính sách khác khi các quan chức trở về đất nước họ. Kết quả là, sự “chuyển mình” quan trọng từ những lời lẽ trấn an đến các biện pháp hiệu quả hiện tại sẽ một lần nữa không thành hiện thực.
Nhưng ý thức lớn hơn là một thành phần quan trọng của sự chấp nhận tư duy lâu bền và những lần sửa sai có liên quan, vì thế vẫn có hy vọng rằng các quốc gia tiên tiến đang tiến gần hơn đến việc đưa vào hành động một phản ứng chính sách toàn diện cần thiết hơn nhiều. Vì vậy, nếu không phải là lần này thì có thể là lần khác. Tuy nhiên, họ không thể cứ lần lữa mãi./.
|