Vì sao Phố Wall đang bị... ghét?
Trong một nỗ lực nhằm chỉ ra chính xác kinh tế toàn cầu đang gặp trục trặc gì – vì sao nhu cầu lại yếu đi, vì sao tăng trưởng chậm lại, vì sao nỗi lo sợ từ một khu vực có thể trở thành cơn hoảng loạn trên toàn cầu – CEO Goldman Sachs, Lloyd Blankfein, đã vô tình tiết lộ vì sao Phố Wall lại bị ghét đến thế.
Theo Business Insider, Blankfein cho biết những gì mà thế giới đang cần là niềm tin. Trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, khi người ta có niềm tin thì sẽ có “nhiều tiền hơn, cổ phiếu tăng trưởng hơn, vì người ta đổ tiền vào doanh nghiệp của họ nhiều hơn khi họ có niềm tin”.
Giải thích này nghe có vẻ đúng. Khi người ta nghĩ rằng họ có thể kiếm tiền thì họ đổ tiền vào chuyện làm ăn.
Vấn đề là “niềm tin” hiện không đạt đủ mức cần thiết. Với giới đầu tư trên thế giới, ngoài niềm tin thì họ phải tin tưởng tuyệt đối vào những hệ thống và con người điều khiển chúng.
Và điều này đã giải thích chính xác vì sao mọi người ghét Phố Wall.
Hậu quả là gì?
Cuộc khủng hoảng tài chính, những vụ lùm xùm và gian lận đã làm xói mòn sự tin tưởng đó. Và chính sự thiếu tin tưởng ấy là những gì đang kéo lùi thế giới.
Trong tuần này, Andrew G. Haldane, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), đã có một bài phát biểu về những bất ổn với nền kinh tế toàn cầu. Không giống như Blankfein, ông đã chỉ ra đúng vấn đề. Bài phát biểu có tựa là “Sự khác biệt vĩ đại”, và ông tranh luận rằng cách duy nhất để khép lại sự khác biệt ấy chính là sự tin cậy.
“Chứng cứ, cả vi mô lẫn vĩ mô, đã cho thấy rằng sự tin tưởng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị. Ở mức độ vi mô, hiện có nhiều bằng chứng cho thấy độ tin cậy, hay vốn xã hội trong một công ty, đóng góp tích cực đến khả năng tạo ra giá trị của công ty ấy”, Haldane nói.
“Ở mức độ vĩ mô, có nhiều bằng chứng rõ ràng, ở các nước và qua suốt nhiều thời kỳ, cho thấy rằng các mức độ tin cậy và hợp tác cao là có liên hệ với đà tăng trưởng kinh tế cao hơn. Nói cách khác, sự thiếu tin tưởng gây nguy hiểm cho một trong những chức năng xã hội chủ chốt của tài chính”, ông nói thêm.
Haldane không phải là người duy nhất nghĩ rằng chính sự thiếu tin tưởng đang kéo lùi nền kinh tế toàn cầu.
Vào năm 2014, khi thị trường đang tăng trưởng mạnh và mọi người nghĩ rằng chúng ta đang trên đà hồi phục thì Dylan Grice, Giám đốc danh mục đầu tư tại Aeris Capital, đã có ý nghĩ tương tự. Ông đã thấy được trong các mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Nga và thế giới, giữa người dân và các tập đoàn những gì có thể được xem là “một sự sụt giảm mức độ tin cậy”.
Và như ông chỉ ra, tín dụng – một trong những nguồn lực chính để luân chuyển tiền từ nơi này sang nơi khác – là xuất phát từ danh từ “tin cậy” trong tiếng Latin.
Stephen King, Chuyên gia kinh tế cao cấp tại HSBC, cũng cho rằng kinh tế toàn cầu có thể thật sự được cứu khá dễ dàng nếu chúng ta tin tưởng lẫn nhau. Nếu những quốc gia mà có thể cứu chúng ta – như Mỹ, Trung Quốc và Đức – không hành động một cách ích kỷ và hợp tác với nhau thì mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách đơn giản.
Nhưng họ sẽ không làm thế vì không có sự tin tưởng.
Và vì điều ấy, một số người hiện không tin, hay không đổ tiền, vào thị trường.
Và vì điều ấy, thị trường hiện không... “nhúc nhích”.
Haldane xem nỗi sợ này như là một sự thất thoát vốn xã hội phát sinh từ cuộc khủng hoảng. Và ông nghĩ rằng việc tái xây dựng các ngân hàng địa phương là một phần của giải pháp ấy. Tuy nhiên, ngành ngân hàng lại không đang đi theo hướng đó. Hàng ngày chúng ta chỉ toàn được nghe những chuyện như là làm thế nào để tự động hóa nhiều hơn.
Nhưng xét cho cùng, sửa theo cách gì không quan trọng. Quan trọng là chúng ta phải sửa nó, vì tạo dựng điều gì đó thì mất nhiều công sức và thời gian hơn là phá bỏ nó./.
|