Thứ Tư, 25/05/2016 16:36

Chiến lược đầu tư của thế hệ Y có gì khác với thế hệ X?

Mặc dù ai cũng biết phong cách sống của thế hệ Y là “Bạn chỉ sống có một lần” (YOLO) nhưng khi đầu tư, họ lại không hề sẵn sàng chấp nhận rủi ro theo cách ấy.

 

Theo một báo cáo gần đây của Sameer Aurora, Trưởng bộ phận chiến lược khách hàng của UBS Wealth Management Americas, thế hệ Y tập trung vào những nhu cầu ngắn hạn và có khuynh hướng gắn bó với những thương vụ đầu tư có rủi ro thấp hơn. Theo định nghĩa của UBS Wealth Management Americas, thế hệ Y là những nười nằm trong độ tuổi từ 21 đến 36.

“Dù có quãng thời gian đầu tư dài hơn nhưng họ giữ tiền mặt trong danh mục đầu tư gần gấp đôi thế hệ ‘baby boomer’. Do vậy, có thể suy luận rằng họ tập trung vào ngắn hạn và hiện tại hơn là tạo dựng tài sản lâu dài”, Aurora cho Business Insider biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Không giống như thế hệ “baby boomer”, họ không tuân thủ nhiều nguyên tắc đầu tư truyền thống, như là “mua và giữ” hay theo đuổi một kế hoạch tài chính. Theo báo cáo của UBS, trong số những người có tài khoản hưu trí thì 1/4 là đã “đụng” tới khoản ấy.

Đó là điều mà thế hệ “baby boomer” sẽ không bao giờ mơ đến. Ngoài ra, những nhà đầu tư trẻ tuổi này cũng đang đi ngược lại lời khuyên điển hình là “đổ tiền vào những vụ đầu tư rủi ro hơn trước và sau đó chuyển sang những vụ an toàn hơn khi gần về hưu”.

“Tôi không quan tâm nhiều đến chuyện thị trường đang diễn tiến thế nào”

Hãy lấy trường hợp của chàng kĩ sư 29 tuổi, Justin Schulte, trong cuộc khảo sát của UBS, làm ví dụ. Anh hiện đang có gia đình với hai con, và anh cho biết mình không quá lo lắng về lợi nhuận.

“Miễn là tôi kiếm được cao hơn mức lạm phát và gặp suôn sẻ trong việc đạt được những mục tiêu cá nhân. Tôi không quan tâm nhiều về chuyện thị trường đang diễn tiến thế nào”, anh nói.

Mặc dù hai vợ chồng anh sắp có đứa con thứ ba nhưng họ vẫn đang giữ nguyên mọi chuyện về mặt tài chính. “Đúng là chúng tôi đã sắm xe và nhà to hơn nhưng nhìn chung các mục tiêu tiết kiệm và đầu tư của chúng tôi không thay đổi nhiều lắm”, anh cho biết.

David Dunn, Trưởng bộ phận đầu tư tại Kingsbridge Wealth Management, cho biết anh nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt trong thứ tự ưu tiên giữa các thế hệ khi thảo luận mục tiêu đầu tư với 8 gia đình siêu giàu trong danh sách khách hàng của công ty anh.

Anh thấy rằng thế hệ Y không bị áp lực bởi chuyện phải có lợi nhuận bằng mọi giá, thay vào đó họ quan tâm hơn đến những tác động mang tính hỗ trợ của việc đầu tư. “Họ có ý thức xã hội nhiều hơn. Nó giống một lớp học và hầu như mọi người đều đã đóng góp vào một quỹ nào đó và họ muốn góp một phần. Họ cũng không thích vay tiền”, Dunn chia sẻ.

Dunn cũng dẫn chứng trường hợp về những khách hàng trẻ hơn của anh khi họ ít quan tâm đến việc vay tiền để mua căn hộ ở New York: “Họ chỉ muốn sống ở một nơi tốt và hài lòng với việc trả tiền thuê hàng tháng”.

Có một số yếu tố lý giải cho những điều trên. Theo báo cáo của UBS, lý do đầu tiên là đa phần những bậc cha mẹ thuộc thế hệ “baby boomer” đều sẵn lòng hỗ trợ các con về mặt tài chính ngay cả khi thế hệ Y đã trưởng thành, và cả hai đều cảm thấy hạnh phúc với điều đó.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng, khiến thế hệ Y đầu tư “bảo thủ” hơn, một phần là do họ đã “nếm mùi đau khổ” từ chính cuộc khủng hoảng ấy: thị trường dễ biến động, khó tìm việc sau khi tốt nghiệp, và cuộc sống thành thị đắt đỏ.

Một cuộc chuyển giao tài sản giữa các thế hệ

Hành vi của những nhà đầu tư trẻ hơn sẽ để lại hậu quả lớn trong tương lai gần. Theo một cuộc khảo sát gần đây của PricewaterhouseCoopers, đến năm 2020, thế hệ X và thế hệ Y sẽ kiểm soát hơn phân nửa tổng tài sản có thể đầu tư được – khoảng 30 ngàn tỷ USD.

Sự thay đổi giữa các thế hệ đang dẫn đến việc một nhóm cố vấn robot và các startup chuyên về lập kế hoạch tài chính thách thức và thỉnh thoảng hợp tác với những đối tác truyền thống để thu hút các nhà đầu tư trẻ hơn.

Cũng như một số nhà quản lý tài sản, Dunn lo lắng về khả năng của các cố vấn robot trong việc hiểu được động lực và mục tiêu của con người, vì những dịch vụ trực tuyến này, vốn quản lý danh mục đầu tư một cách tự động, hoạt động theo giả định rằng nhà đầu tư luôn hành động hợp lý. Ông cho rằng, trong thực tế, những ai có những thành kiến cảm xúc và xã hội không phù hợp với hình mẫu của một người ra quyết định lý tưởng.

Nhưng cho dù có sự tồn tại của các cố vấn robot hay không, những nhà đầu tư trẻ tuổi này cũng vẫn sẽ “gây náo nhiệt” trong ngành công nghiệp quản lý tài sản./.

Các tin tức khác

>   Vì sao nên mạnh dạn cắt lỗ? (24/05/2016)

>   Siêu sao đầu tư đã quên “101 Nguyên tắc Đầu tư” (06/05/2016)

>   Xu hướng mới của phân tích kỹ thuật (06/05/2016)

>   Dậy sóng trào lưu cổ phiếu hồi sinh nhờ thâu tóm (06/05/2016)

>   Kinh nghiệm lướt sóng cho nhà đầu tư (09/05/2016)

>   Ma trận lãi suất margin (26/04/2016)

>   Cổ phiếu bất chợt bị hủy niêm yết: UPCoM đã là cửa thoát? (14/04/2016)

>   Các chiến lược đầu tư điển hình với nhóm Momentum (15/03/2016)

>   Nghề môi giới chứng khoán có gì vui? (14/03/2016)

>   Phân hóa và sự dẫn dắt (09/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật