Thứ Năm, 14/04/2016 14:00

Xót xa dự án nghìn tỷ "bỏ hoang"

Việc nhiều dự án đầu tư có vốn Nhà nước đang rơi vào trạng thái “chết lâm sàng”, loay hoay tìm đường tồn tại, thậm chí là xin thêm tiền để tiếp tục sống... khiến dư luận không khỏi xót xa. Liệu có nên tiếp tục rót tiền “cứu” các dự án này?

   

Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn II đang "đắp chiếu".

Trái đắng nghìn tỷ của ngành thép

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Thay vì rót thêm vốn, cần tìm những con người khác, cách thức khác để hồi sinh những dự án của DNNN đã thua lỗ, cũng cần tính đến phương án bán những DN, dự án thua lỗ đi để chủ mới tái cơ cấu, giúp dự án, DN làm ăn hiệu quả hơn.

Những ngày gần đây, thông tin về dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO - TIS) – một dự án có vốn Nhà nước - phải  “xin” thêm ưu đãi cả nghìn tỷ để khôi phục việc xây dựng nhà máy đang làm dư luận “nóng” lên. Thực tế, dự án xây dựng nhà máy gang thép mở rộng của TISCO đã “bất động” từ giữa năm 2012 sau khi đã thi công được 80% tiến độ công trình.

Gần 10 năm về trước cũng chính là thời điểm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đặt bút ký vào hợp đồng chọn Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng công trình) Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II. Công suất mở rộng 500.000 tấn phôi/năm và 500.000 tấn thép cán/năm, được xếp vào dự án nhóm A với các nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Tổng vốn đầu tư khi đó là hơn 3.800 tỷ đồng. Dự án khởi công vào năm 2007.

Khởi công chưa được bao lâu, thì nhà máy này phải dừng hoạt động. Năm 2009 mới khởi động trở lại nhưng dự án đã bị đội vốn gấp hơn 2 lần, từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng. Số vốn đầu tư đội lên quá lớn khiến việc thu xếp vốn cho dự án của TISCO gặp nhiều khó khăn. Đến tháng 7-2012, dự án lại bắt đầu rơi vào giai đoạn “chết lâm sàng” lần 2 khi đã xây dựng được khoảng 60% khối lượng với tổng vốn giải ngân lên đến hơn 4.500 tỷ đồng. Đến nay dự án đã bỏ hoang được gần 4 năm. Theo TISCO, nếu khởi động lại, dự án phải có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 9.000 tỷ đồng, tức thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa.

Tuy nhiên, theo TISCO, dự án có thể tiếp tục được đầu tư có hiệu quả với mức vốn hơn 7.800 tỷ đồng, nếu không đầu tư hạng mục Cốc hóa, thay vì con số hơn 9.000 tỷ đồng tính toán đầy đủ các hạng mục. Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của TISCO cho hay: Để dự án dừng ở mức đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng này, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ một số ưu đãi về miễn giảm thuế, lãi suất ngân hàng. Bởi tổng mức đầu tư tăng lên chủ yếu là ở phần lãi ngân hàng. Tại các cuộc họp tháo gỡ cho dự án, các ngân hàng đều đồng thuận dự án cần phải tiếp tục và rất chia sẻ với TISCO.

Cụ thể, TISCO đề nghị miễn thuế NK đối với vật tư thiết bị, thuế nhà thầu… với tổng số tiền là 530 tỷ đồng. Ngoài ra, TISCO đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam khoanh nợ gốc, đồng thời miễn 100% lãi vay trong thời gian dự án dừng thi công từ tháng 7-2012 đến hết tháng 3-2016 (khoảng 386 tỷ đồng); cho phép điều chỉnh thời gian vay, thời gian trả nợ với các hợp đồng tín dụng đã ký; cụ thể thời gian vay vốn là 23 năm; thời gian trả nợ 15 năm bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2034 với mức lãi suất 5,5% cho các khoản vay bằng VND.

Tương tự đối với VietinBank, TISCO mong muốn được khoanh nợ gốc, đồng thời miễn tối thiểu 50% các khoản lãi vay trong thời gian dự án dừng thi công từ tháng 7-2012 đến hết tháng 3-2016.

Tổng mức ưu đãi, hỗ trợ TISCO đang đề xuất ước tính lên con số 1.000 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi vì sao phải cần đến những cơ chế ưu đãi đặc thù này, lãnh đạo TISCO lý giải: Chúng tôi đã có những điều kiện cần để tái khởi động dự án như các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng; SCIC đã bỏ vốn vào, đàm phán với MCC đã có kết quả bước đầu. Nhưng để hiệu quả hơn, phải có các cơ chế ưu đãi kể trên. Những vấn đề chúng tôi đề xuất đều vượt quá thẩm quyền của Bộ Công Thương, cho nên Bộ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn đâu cũng thấy dự án lãng phí

Những dự án như TISCO không phải là hiếm gặp. Dư luận cũng đang “sốt sình sịch” với những dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol. Các dự án có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước đang phải bỏ hoang sau một thời gian xây dựng hoặc đi vào vận hành.

Hồi cuối năm ngoái, thông tin về nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) có vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” sau khi vận hành thương mại cũng khiến dư luận ngỡ ngàng. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã phải chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, khi đó là ông Vũ Huy Hoàng, xung quanh dự án tai tiếng này. Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tái cơ cấu lại nhà máy bằng cách thay đổi nhân sự đứng đầu PVTex. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Phạm Văn Chất đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVTex. Việc thay đổi nhân sự cấp cao của PVTex là một việc làm quyết liệt của PVN để từng bước vực dậy PVTex.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam cho rằng những dự án có vốn đầu tư Nhà nước như trên rơi vào trạng thái “sống dở chết dở” là do việc đầu tư ban đầu đã không tính toán đúng mức đến hiệu quả thực hiện.

PGS.TS Đỗ Đức Định chia sẻ: “Họ tính toán không trên cơ sở của kinh tế thị trường, chỉ mong sao cho dự án được thông qua và vẽ ra những con số hào nhoáng để thuyết phục cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thế nhưng khi đi vào hoạt động, họ mới thấy rằng dự án không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Họ sản xuất ra những sản phẩm thị trường không cần hay không thể cạnh tranh được với các đối tác bên ngoài”.

Trao đổi với báo chí vào cuối tuần qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ: Nếu Nhà nước vẫn rót thêm vốn vào những dự án như kiểu của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên là đối xử không công bằng với các DN tư nhân, chưa kể đây là cách ứng xử phi cạnh tranh, phi thị trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: Chúng ta cần phải chấm dứt ngay các tiền lệ rằng Nhà nước sẽ đổ thêm tiền cho các dự án dở dang. Thay vào đó sẽ phải truy trách nhiệm đến cùng đối với những người đã ra quyết định đầu tư vào một dự án kém hiệu quả như vậy, kể cả những người tham mưu cho những dự án đó. Ngay cả những người hiện nay đang được Chính phủ giao tham mưu có nên tiếp tục thực hiện dự án hay không cũng phải được phát đi cảnh báo họ sẽ chịu trách nhiệm với những tham mưu của họ. Việc khước từ đổ thêm tiền vào các dự án kiểu này cũng làm đảo ngược tiền lệ xấu từ trước tới nay, đó là càng kém hiệu quả Nhà nước lại càng phải đổ thêm tiền. Trên thế giới, trừ Việt Nam và một số nước châu Phi, lấy đâu ra một cơ chế khuyến khích ngược kỳ lạ như vậy?

Lương Bằng

Hải quan

Các tin tức khác

>   PTI mua 10% của Tổng Công ty 36 với mục đích đầu tư tài chính (14/04/2016)

>   Chung cư cao cấp xây "lụi" 7 tầng (14/04/2016)

>   ĐHĐCĐ TDH: Đang bước vào quá trình phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng (14/04/2016)

>   Bớt “dao kéo” quy hoạch (13/04/2016)

>   KBC: Trình kế hoạch phát hành 120 triệu cp, 1,000-2,000 tỷ đồng trái phiếu (13/04/2016)

>   KKT mở Chu Lai được giao gần 17 ha đất để xây Khu Công nghiệp Tam Thăng (13/04/2016)

>   Ra mắt dự án Vincom Shophouse Rạch Giá - Kiên Giang (13/04/2016)

>   Hà Nội xây dựng cầu vượt nút giao thông Trần Hưng Đạo - Lương Yên (13/04/2016)

>   Vingroup tái cấu trúc Địa ốc Hoàng Gia (13/04/2016)

>   Nhà ở cho công nhân: Phân khúc màu mỡ đang bị “lãng quên“ (13/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật