Nhà ở cho công nhân: Phân khúc màu mỡ đang bị “lãng quên“
Thị trường bất động sản (BĐS) khu công nghiệp đang đi lên mạnh mẽ kéo theo nhu cầu về nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế, các đại gia bất động sản chỉ hướng sự quan tâm đến bất động sản khu công nghiệp – bỏ qua phân khúc nhà ở.
Thị trường bất động sản nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp được ví như là một miếng bánh đang bị lãng quên.
|
Tính đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 300 khu công nghiệp – trong đó các khu công nghiệp thu hút nhiều vốn đầu nằm ở một số tỉnh thành chính bao gồm Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Tĩnh, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, v.v..
Hàng loạt các tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghệ điện tử như Microsoft, Samsung, IBM đã chọn Việt Nam là điểm đến trong chuỗi giá trị sản xuất của mình. Các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ hoạt động sản xuất cho các thương hiệu lớn trên cũng theo đó mà kéo đến.
Theo dự báo, trong thời gian tới thị trường BĐS khu công nghiệp sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại trong thời gian tới cùng quyết tâm từ phía chính phủ trong việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang tăng lượng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Bằng chứng là, trong quý 1/2016, tổng số vốn đăng ký cấp mới và bổ sung FDI đạt 4,03 tỉ USD – tăng 119,1% so với cùng kỳ năm 2015, vốn thực hiện ước đạt 3,5 tỉ usd – tăng 14,8%.
Các khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ cũng là lúc nhu cầu về lượng người lao động tại các khu công nghiệp không ngừng tăng cao. Chỉ tính riêng tổ hợp nhà máy của SamSung tại hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh, mỗi năm số lượng lao động cần tuyển mới lên tới hàng chục nghìn người.
Để đảm bảo lượng lao động nói trên, một số công ty – tập đoàn lớn đã phải đầu tư xây dựng nhà ở cho những chuyên gia, cố vấn nước ngoài đến làm việc cũng như những người lao động đến từ các tỉnh địa bàn khác, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu hiện có.
Trong khi đó, các đại gia bất động sản chỉ hướng sự quan tâm đến bất động sản khu công nghiệp – bỏ qua phân khúc nhà ở. Theo đại diện các khu công nghiệp, vấn đề căn hộ sống cho người lao động nếu không được giải quyết sẽ không chỉ gây khó khăn trong việc thu hút người lao động mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội cho chính quyền tỉnh địa phương.
Nguyên nhân khiến các ông lớn BĐS chưa chú ý đến phân khúc nhà ở cho công nhân mặc dù nhu cầu của công nhân là rất lớn là bởi biên độ lợi nhuận tại phân khúc này không cao, phân khúc này chỉ phù hợp với những doanh nghiệp triển khai theo kiểu "căn chắc mặc bền" không phù hợp đối với các doanh nghiệp bất động sản ưa thích sự phát triển nhanh, tăng trưởng nóng. Vì vậy, dù có thị trường rất lớn nhưng hầu hết BĐS nhà ở cho công nhân vẫn chưa vào tầm ngắm của các doanh nghiệp BĐS lớn.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Phùng Văn Bộ - Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Tiến Bộ (TTB) cho rằng: "Mức độ cạnh tranh tại thị trường nhà ở thu nhập thấp tại các địa phương tuy không cao nhưng để đảm bảo doanh thu, đòi hỏi doanh nghiệp bất động sản phải kiểm soát chặt chẽ chi phí, có chính sách bán hàng hợp lý để có thể cung cấp cho người lao động những căn hộ chất lượng vừa với túi tiền người lao động”.
Trong thời gian qua, hàng loạt gói chính sách vay mua nhà ở xã hội, gói giải ngân 30.000 tỉ đã hỗ trợ nhiều người lao động có cơ hội sở hữu căn nhà riêng cho mình. Tuy nhiên phân khúc này vẫn chưa thu hút được nhiều sự chú ý của các giới đầu tư bất động sản. Bài toán nhà ở cho người lao động xa quê hương vẫn còn là miếng bánh đang còn bỏ ngỏ.
Lan Nhi
lao động
|