Bớt “dao kéo” quy hoạch
Chuyện “dao kéo” quy hoạch từng diễn ra. Không ít ao hồ, công viên, trường học... có trong quy hoạch dần bị sửa thành nền nhà, khu phố mới để chủ đầu tư dự án rao bán.
Công viên khu N (dự án khu dân cư P.Phú Mỹ) nơi chủ đầu tư dự kiến chuyển một phần thành đất ở - Ảnh: T.Long
|
Người dân ở P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM có lý khi phản đối phương án của chủ đầu tư - Công ty CP Vạn Phát Hưng - bỏ tiền ngầm hóa dây điện đi qua công viên, sau đó sửa quy hoạch 1/500 để biến một phần đất công viên thành đất ở nhằm thu hồi vốn (Tuổi Trẻ ngày 11-4).
Quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch luôn phức tạp vì đụng đến quyền lợi của nhiều người.
Quy hoạch do chính quyền ban hành, có lúc phải điều chỉnh, nhưng ở những khu vực dự án đã được duyệt mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo cảnh quan, môi trường sống đô thị về lâu dài.
Vì quá nhạy cảm nên TP.HCM đã có quy định, theo đó chỉ chỉnh sửa quy hoạch khi thỏa mãn một trong năm điều kiện: điều chỉnh chiến lược kinh tế - xã hội; hình thành dự án trọng điểm; quy hoạch nhưng không thực hiện được; có biến động về địa chất, thủy văn; phục vụ lợi ích quốc gia và cộng đồng.
Với quy hoạch ở dự án đã được duyệt, người mua nhà, đất xem bản quy hoạch như cam kết, thỏa thuận để họ đưa ra quyết định đầu tư, an cư lạc nghiệp. Do vậy nếu “dao kéo” quy hoạch, nhất là sửa cục bộ, đồng nghĩa là thỏa thuận ban đầu bị vi phạm.
Trên thực tế chuyện “dao kéo” quy hoạch từng diễn ra. Không ít ao hồ, công viên, trường học... có trong quy hoạch dần bị sửa thành những nền nhà, khu phố mới để chủ đầu tư dự án rao bán.
Khi đề xuất chỉnh sửa quy hoạch để khai thác thêm quỹ đất, chủ đầu tư luôn có đủ lý lẽ, hứa hẹn để chứng minh rằng việc sửa quy hoạch là cần thiết. Cơ quan hữu quan thẩm định để sửa quy hoạch cho rằng vẫn đảm bảo, không ảnh hưởng.
Ngược lại, cư dân cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm do giảm bớt công viên và các công trình công cộng, thêm nhà, người ở đông hơn, nhà mặt tiền trở thành hẻm...
Có thể hiểu được bức xúc của cư dân khi bị điều chỉnh quy hoạch theo chiều hướng xấu bởi họ đã tin vào các bản quy hoạch để mua đất, mua nhà. Hàng loạt giao dịch dân sự đã diễn ra, trở thành tài sản lớn của người dân.
Khi mua, giá đất, nhà ở những vị trí đẹp trong quy hoạch luôn cao hơn những nơi khác. Bỗng một ngày vị trí đẹp, có giá ấy bị thay đổi bởi quyết định điều chỉnh quy hoạch. Từ chỗ bức xúc nơi chủ đầu tư, phản ứng ấy có lúc đổ dần về phía chính quyền.
Không vô cớ khi người dân đặt vấn đề vì sao chính quyền lại rước phiền toái vào mình, “giơ đầu chịu báng” khi thuận theo đề xuất của chủ dự án để “dao kéo” quy hoạch cục bộ như vậy.
Đề xuất chỉnh sửa quy hoạch để có thêm nền nhà đem bán là cách chủ đầu tư tận thu trên dự án. Nhưng chính quyền không thể “vô tư” thuận theo. Bởi đã sửa được ở dự án này thì cũng có thể vẽ lại quy hoạch ở dự án khác.
Đành rằng việc chỉnh sửa quy hoạch không còn là tiền lệ, nhưng nếu cứ tiếp diễn sẽ làm bộ mặt đô thị bị biến dạng theo tính toán của các chủ đầu tư.
Chẳng ai phản đối, thậm chí hoan nghênh nếu chủ dự án Vạn Phát Hưng chỉ dừng ở việc ngầm hóa dây điện để không gian công viên thêm thoáng đãng mà không kèm theo đề xuất phân lô bán nền một phần công viên.
Cũng chẳng ai phản đối “dao kéo” quy hoạch cục bộ nếu đó là quyết định thêm đất cho công viên... Còn cứ sửa quy hoạch theo kiểu “cắt xén, điều chỉnh nhưng không ảnh hưởng” không khéo chỉ có lợi cho một nhóm người.
Thanh Tuyền
tuổi trẻ
|