Túi PE Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá tối thiểu là 52.3% tại Mỹ
Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) ra quyết định rà soát (hoàng hôn) đối với vấn đề thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước vụ việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp túi nhựa polyethylene (PE) nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam vào ngày 05/04/2016, Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam cho hay.
Việc rà soát hoàng hôn được thực hiện căn cứ theo các quy định của WTO và pháp luật phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Theo đó, USITC cho rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm túi PE nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam sẽ dẫn tới việc tiếp tục/tái diễn thiệt hại đáng kể trong một thời gian nhất định đối với ngành sản xuất trong nước.
Căn cứ trên kết luận này, lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trước đây vẫn sẽ được duy trì đối với sản phẩm nhập khẩu đối với sản phẩm túi PE từ các quốc gia/vùng lãnh thổ nói trên.
Trước đó, ngày 27/07/2015, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cũng đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hoàng hôn thuế chống trợ cấp với sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế vẫn giữ nguyên như sau: (i) mức thuế với 2 bị đơn bắt buộc lần lượt là 52.56% và 5.28%; (ii) mức thuế với các nhà sản xuất/xuất khẩu khác (“all others rate”) là 5.28%. Ngoài mức thuế chống trợ cấp nêu trên, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 52.30% đến 76.11%.
Theo pháp luật chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chỉ khi DOC xác định tồn tại việc bán phá giá/trợ cấp đối kháng của hàng hóa nhập khẩu và USITC kết luận tồn tại thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước từ hàng nhập khẩu bán phá giá/trợ cấp đối kháng, lệnh áp thuế mới được ban hành./.
|