Giảm lãi suất cho vay: Ngân hàng phải "thắt lưng buộc bụng"
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 29/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết để kiểm soát lạm phát dưới 5% Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, theo dõi sát mặt bằng lãi suất và cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
* “Cam kết giữ ổn định lãi suất cho vay"
Giao dịch tại TPBank. (Nguồn: TPBank)
|
Lãi suất tốt nhất trong nhiều năm
Sau khi Chính phủ mới bắt tay vào công việc điều hành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có cuộc làm việc đầu tiên với Ngân hàng Nhà nước. Trong rất nhiều đầu mục việc, một trong những mục tiêu Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan này phải ưu tiên đó là giữ ổn định mặt bằng lãi suất để giảm khó khăn cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp.
Còn trong một động thái khác, trước những biến động của mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua gây áp lực nên mặt bằng lãi suất cho vay, ngày 27/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp triệu tập nhóm ngân hàng G14 (gồm 14 ngân hàng thương mại lớn), Thống đốc cũng đã đề nghị các Ngân hàng cần ưu tiên giữ ổn định mặt bằng lãi suất đầu vào và đầu ra, cố gắng hạ lãi suất khi có thể.
Hưởng ứng và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ngay từ đầu giờ sáng nay (29/4) một số ngân hàng thương mại lớn như BIDV, Vietcombank đã công bố giảm ngay lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn về tối đa 10% đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng này cũng đồng thời thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tín dụng, huy động vốn, tài chính...
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, với mức giảm như trên BIDV sẽ giảm doanh thu khoảng 400-450 tỷ để chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần thì Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng đầu tiên hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, TPBank quyết định dành 5.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm. Đối tượng được hưởng ưu đãi là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại TPBank và các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
Lãnh đạo TPBank cho biết, quan điểm của ngân hàng là luôn đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp. Trong suốt thời gian qua, TPBank liên tục đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ và ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp. TPBank hy vọng gói hỗ trợ lần này sẽ thêm một cú hích mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí, có điều kiện mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều... gian 1 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Hiện nay lãi suất cho vay đang ở mức 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm) là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua (thấp hơn cả trong giai đoạn 2006-2007 với mức 8-12%/năm); trong khi giá vốn đang ở mức khoảng 7,8% (gồm lãi suất huy động khoảng 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự phòng thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%). Theo đó mức chênh lệch ròng của các ngân hàng thương mại hiện rất thấp chỉ khoảng 0,7% so với các nước trong khu vực chênh lệch ròng ở mức 2,2%-2,5%.
Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, lãi suất cho vay bình quân 8,5%/năm của Việt Nam hiện nay chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%) và cao hơn các nước trong khư vực ASEAN (đang ở mức khoảng 6-7%/năm), do đó bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia AEC.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và trái phiếu Chính phủ
Để lãi suất cho vay giảm hơn nữa, ông Hà cho rằng, Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức hiện nay là 3% (kỳ hạn dưới 1 năm), 1% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với VND và 8% (kỳ hạn dưới 1 năm), 6% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với ngoại tệ về cùng 1 mức là 1%, riêng tỷ lệ với ngoại tệ kỳ hạn ngắn có thể xem xét ở mức 3%. Đồng thời điều chỉnh giảm tỷ lệ dữ trữ thanh khoản (theo Thông tư 36) từ mức ≤ 10% về mức ≤ 8%. Khi đó so với hiện tại, ước tính có thể giải phóng thêm ngồn vốn tín dụng cho nền kinh tế khoảng 100.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, cần giảm lượng phát hành trái phiếu Chính phủ. Ông Hà phân tích, các tổ chức tín dụng nắm giữ tới 85% trái phiếu Chính phủ, riêng 4 tháng đầu năm 2016 Chính phủ đã phát hành thành công 102.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức tín dụng nắm giữ đến 97.000 tỷ đồng; theo kế hoạch năm 2016, Kho bạc Nhà nước có kế hoạch phát hành tổng cộng 220.000 tỷ đồng.
"Như vậy với tỷ lệ tham gia 85% như trên, vốn các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu Chính phủ khoảng 187.000 tỷ đồng – đây là vốn trung dài hạn cần thiết để phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế. Vì vậy, để giảm sức ép lên lãi suất và cạnh tranh nguồn vốn trung-dài hạn, Chính phủ xem xét giảm kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ ở mức khoảng 10%. Nguồn bù đắp cho phần thiếu hụt sẽ lấy từ nguồn siết chặt đầu tư công và khoản chi thường xuyên của ngân sách yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ," ông Hà kiến nghị.
Đối với các tổ chức tín dụng, ông Hà cho rằng các ngân hàng cũng cần thực hiện tiết giảm chi phí quản lý hoạt động, đi đầu là các ngân hàng thương mại nhà nước cần có hành động cụ thể để tiết giảm khoảng 10% chi phí quản lý hoạt động trong năm 2016. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém còn lại nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất huy động vốn không lành mạnh (khiến mặt bằng lãi suất cho vay chịu áp lực tăng).
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng các doanh nghiệp cần đảm bảo các điều kiện theo quy định về cho vay như tài sản đảm bảo, kế hoạch, phương án kinh doanh, báo cáo tài chính kiểm toán minh bạch thì sẽ luôn nhận được mức lãi suất hợp lý.
Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất đã ổn định trong năm 2014-2015. Tuy nhiên, cuối năm 2015 và đầu năm 2016, lãi suất huy động lại tăng nhẹ nên nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ lại tăng. Với những cam kết của Thống đốc và các ngân hàng thương mại cổ phần trên thì lãi suất cho vay sẽ được ổn định trong thời gian tới để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh./.
vietnam+
|